Đến năm 2025, quy mô ngành bảo hiểm đạt 3-3,3% GDP

(BKTO) - Ngày 5/01/2023, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã ký Quyết định số 07/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam đến năm 2030.

3.jpg
Ảnh minh họa. Nguồn: VGP

Phát triển các doanh nghiệp bảo hiểm có năng lực tài chính vững mạnh

Mục tiêu tổng quát của Chiến lược nhằm hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách về kinh doanh bảo hiểm đầy đủ, minh bạch, bình đẳng và đồng bộ, tiếp cận các chuẩn mực, thông lệ quốc tế về kinh doanh bảo hiểm, tạo thuận lợi cho sự phát triển toàn diện thị trường bảo hiểm, bảo đảm thực hiện các nghĩa vụ cam kết quốc tế của Việt Nam.

Đồng thời, nâng cao tính an toàn hệ thống, bền vững và hiệu quả của thị trường; góp phần ổn định nền kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội. Phát triển các doanh nghiệp bảo hiểm có năng lực tài chính vững mạnh, năng lực quản trị điều hành tiếp cận chuẩn mực quốc tế, hoạt động hiệu quả, có khả năng cạnh tranh tích cực trên thị trường trong nước và khu vực.

Đẩy mạnh chuyển đổi số nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thuận tiện nhất trong việc tham gia bảo hiểm. Khuyến khích các doanh nghiệp bảo hiểm ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm, đa dạng hóa sản phẩm bảo hiểm, chuyên nghiệp hóa các kênh phân phối bảo hiểm, đáp ứng nhu cầu bảo hiểm ngày càng tăng của các tổ chức và cá nhân. Nâng cao quản trị rủi ro, an toàn, an ninh mạng và giao dịch trên không gian mạng.

Năm 2030, phí bảo hiểm bình quân đầu người đạt 5 triệu đồng

Chiến lược đặt ra mục tiêu cụ thể là doanh thu ngành bảo hiểm tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2025 là 15%/năm, đến năm 2025, quy mô đạt 3-3,3% GDP; tăng trưởng bình quân giai đoạn 2026-2030 là 10%/năm, đến năm 2030 quy mô đạt 3,3-3,5%.

Đến năm 2025 có 15% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ; đến năm 2030 có 18% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ.

Tốc độ tăng trưởng bình quân về tổng tài sản, tổng số tiền đầu tư, tổng dự phòng nghiệp vụ, tổng nguồn vốn chủ sở hữu tăng bình quân 15%/năm giai đoạn 2021-2025 và 10%/năm giai đoạn 2026-2030. Tốc độ tăng trưởng doanh thu cung cấp sản phẩm bảo hiểm trên môi trường mạng đạt bình quân 10%/năm trong giai đoạn 2023-2030.

Phí bảo hiểm bình quân đầu người đạt 3 triệu đồng năm 2025, đạt 5 triệu đồng năm 2030.

Phát triển, đa dạng hóa sản phẩm bảo hiểm

Để đạt được các mục tiêu trên, Chiến lược đặt ra một số giải pháp trọng tâm để phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam đến năm 2030 như: Tăng cường năng lực tài chính, quản lý rủi ro, quản trị doanh nghiệp, chất lượng dịch vụ khách hàng và công khai minh bạch của doanh nghiệp bảo hiểm; phát triển và đa dạng hóa sản phẩm bảo hiểm, khuyến khích doanh nghiệp bảo hiểm phát triển đa dạng các dòng sản phẩm mới, lấy khách hàng làm trọng tâm nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu đa dạng của các tổ chức, cá nhân trong nhiều hoạt động kinh tế và đời sống.

Đa dạng và chuyên nghiệp hóa kênh phân phối bảo hiểm. Đa dạng hóa kênh phân phối theo hướng phục vụ tốt nhất bên mua bảo hiểm và tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận bảo hiểm một cách dễ dàng nhất. Chuyên nghiệp hóa các kênh phân phối thông qua việc ban hành quy định hoặc các quy tắc đạo đức hành nghề; xây dựng hệ thống đánh giá chất lượng hệ thống kênh phân phối. Chuẩn hóa hoạt động phân phối bảo hiểm qua đại lý tổ chức, đại lý ngân hàng; nâng cao chất lượng đào tạo và thi đại lý bảo hiểm.

Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển các dịch vụ bảo hiểm số mới

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm, quản lý nhà nước hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm có hệ thống công nghệ thông tin hiện đại, ứng dụng trong tất cả các khâu của kinh doanh bảo hiểm, có biện pháp bảo vệ thông tin, bảo mật thông tin khách hàng.

Xây dựng khung thể chế thử nghiệm cho các dịch vụ công nghệ bảo hiểm (Insurtech) theo thông lệ tốt nhất, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển các dịch vụ bảo hiểm số mới.

Thúc đẩy chuyển đổi số công tác quản lý và phát triển thị trường bảo hiểm, phát triển và sử dụng các nền tảng số để thúc đẩy phát triển và tối ưu hóa thị trường bảo hiểm, ứng dụng các giải pháp công nghệ số, nền tảng số để giám sát, đo lường trực tuyến kết quả thực hiện các tiêu chí quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo hiểm đảm bảo minh bạch, chính xác, kịp thời.

Tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước và hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm; tăng cường vai trò của các tổ chức xã hội - nghề nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm./.

Cùng chuyên mục
  • Bảo đảm kiểm soát tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng bình quân cả năm 2023 ở mức khoảng 4,5%
    một năm trước Tài chính
    (BKTO) - Đây là nội dung trong Thông báo số 04/TB-VPCP ngày 5/01/2023 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá - tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá về kết quả công tác quản lý, điều hành giá năm 2022 và định hướng công tác quản lý, điều hành giá năm 2023.
  • Đã gia hạn hơn 100 tỷ đồng tiền thuế
    một năm trước Tài chính
    (BKTO) - Bộ Tài chính cho biết, thực hiện các gói hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (Chương trình) trong năm 2022, tổng số thuế đã gia hạn ước khoảng 105,9 tỷ đồng, bằng khoảng 78,5% số dự kiến khi xây dựng Chương trình (135 nghìn tỷ đồng).
  • Những xu hướng tài chính đã khép lại trong năm 2022
    một năm trước Tài chính
    (BKTO) - Năm 2022, hàng loạt bất ổn đã xảy ra đối với thị trường tài chính toàn cầu. Làn sóng tăng lãi suất của các Ngân hàng trung ương trên khắp thế giới đã làm đảo ngược những xu hướng tài chính đã tồn tại trong nhiều năm và tưởng chừng rất khó có thể thay đổi.
  • Nhận diện cơ hội, thách thức đối với doanh nghiệp trong năm 2023
    một năm trước Tài chính
    (BKTO) - Theo khuyến nghị của các chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp (DN) cần phải nhận diện đầy đủ, sâu sắc những cơ hội, thách thức để có đủ niềm tin và động lực “vượt sóng” lớn, tiếp tục duy trì sự phát triển trong năm 2023 và những năm tiếp theo.
  • Khơi dòng vốn chảy
    một năm trước Tài chính
    (BKTO) - Những tháng cuối năm, hàng loạt các biện pháp, chính sách hỗ trợ của Chính phủ và các Bộ, ngành đã được đưa ra nhằm nối lại dòng vốn, hỗ trợ doanh nghiệp tạo tiền đề cho tăng trưởng kinh tế năm 2023.
Đến năm 2025, quy mô ngành bảo hiểm đạt 3-3,3% GDP