Thị trường chứng khoán Việt Nam: Dư địa tăng trưởng còn rất lớn

(BKTO) - Năm 2020, mặc dù thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam trải qua nhiều biến động do ảnh hưởng của Covid-19 nhưng vẫn có sự vươn lên mạnh mẽ. Giới chuyên gia tin tưởng, TTCK sẽ đón nhiều triển vọng tích cực, đặc biệt VN-Index có thể sẽ quay lại mốc từ 990 - 1.000 điểm vào cuối năm nay.




Các chuyên gia thảo luận tại Toạ đàm

Thị trường dần hồi phục

Theo báo cáo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), trong tháng 01/2020, TTCK Việt Nam tiếp tục đà tăng điểm từ cuối năm 2019, nhưng sau đó, những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 đã khiến thị trường trải qua 2 kỳ giảm điểm nhanh và mạnh. Kết thúc quý I/2020, chỉ số VN-Index mất 33% giá trị so với thời điểm cuối năm 2019. Sang quý II, cùng với sự hồi phục của thị trường thế giới, TTCK Việt Nam lấy lại đà tăng điểm trong 3 tháng liên tiếp nhờ sự hỗ trợ từ những biện pháp nới lỏng kinh tế, sự phục hồi kinh tế vĩ mô, động thái tiếp tục giảm lãi suất của ngân hàng T.Ư các nước, việc nới lỏng chính sách tiền tệ cũng như tâm lý lạc quan của nhà đầu tư khi các quốc gia bắt đầu mở cửa trở lại.

Tại Tọa đàm: “Sự vươn lên của thị trường chứng khoán Việt Nam hậu Covid-19” diễn ra vào sáng 21/10, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường chứng khoán, UBCKNN Tạ Thanh Bình cho biết, năm 2020 là một năm đầy biến động của TTCK thế giới và Việt Nam. Có những thời điểm thị trường tăng, giảm rất mạnh so với những năm trước, đặc biệt trong quý I. Cuối quý I/2020, VN-Index giảm 33% so với năm 2019. Tuy nhiên, sự phục hồi của TTCK Việt Nam được đánh giá tốt so với thị trường các nước trong khu vực và trên thế giới khi quý II và quý III lần lượt có sự tăng trưởng đáng kể. Đến thời điểm hiện nay, về mặt chỉ số, thị trường đã ngang bằng với mức cuối của năm 2019. Giá trị vốn hóa thị trường từ chỗ giảm sâu so với GDP năm 2019, đến nay chỉ còn giảm 1,8%, đạt mức 71,3% GDP. Theo bà Bình, điểm sáng lớn nhất của TTCK năm nay không chỉ là sự hồi phục về mặt điểm số, quy mô mà ở chính nội lực mạnh mẽ của các nhà đầu tư trong nước. Trong đó, đáng chú ý, TTCK trong nước không còn bị phụ thuộc vào diễn biến của khối ngoại và dòng vốn ngoại cũng như diễn biến chung của TTCK thế giới như những năm trước đó.

Chủ tịch HĐQT Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) Nguyễn Sơn cho hay, năm 2020 là năm đột biến về thanh khoản với tỷ lệ giao dịch bình quân từ 7.000 - 10.000 tỷ đồng/ngày. Chỉ số VN-Index có lên, có xuống nhưng thanh khoản tốt đã chứng tỏ tính minh bạch cũng như tạo ra sân chơi để dễ dàng mua bán theo nguyên tắc vận hành của thị trường.

Thậm chí, theo đánh giá của Vụ trưởng Vụ Quản lý chào bán chứng khoán, UBCKNN Bùi Hoàng Hải, TTCK trong nước còn tốt lên so với kỳ vọng khi thanh khoản thị trường tăng 25,7%, giao dịch thị trường phái sinh tăng 90%. Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trên tổng giá trị vốn hóa của thị trường Việt Nam trong khu vực ASEAN chỉ thấp hơn Singapore và Malaysia. Điều đó chứng tỏ nhà đầu tư nước ngoài đang đầu tư rất nhiều vào Việt Nam. Chưa kể, Việt Nam nằm trong danh sách chờ nâng hạng lên thị trường mới nổi của FTSE và MSCI. Tuy vậy, ông Hải cho rằng, TTCK trong nước còn một số khó khăn: số lượng vốn huy động chỉ bằng 61% năm ngoái; huy động vốn từ phát hành trái phiếu trên thị trường quốc tế đã giảm đáng kể do tác động của Covid-19; mức độ biến động cổ phiếu ảnh hưởng đến định giá của các sản phẩm chứng khoán.

Nhiều động lực, cơ hội để đầu tư

Giới chuyên gia nhận định, TTCK Việt Nam cuối năm 2020 và đầu năm 2021 sẽ có nhiều triển vọng tươi sáng. Nhận định này xuất phát từ nhiều cơ sở. Trước hết, về mặt quản lý nhà nước, bà Tạ Thanh Bình cho hay, quan điểm chung của cơ quan quản lý là tôn trọng sự vận hành tự nhiên của thị trường, hạn chế sự can thiệp mang tính chất hành chính thô bạo, đặc biệt yêu cầu quản lý mang tính bền vững được đặt lên cao nhất. Hiện, Bộ Tài chính và UBCKNN đang tập trung cao độ cho việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý. Ngày 15/11/2020 sẽ là thời điểm cuối cùng ban hành toàn bộ 4 nghị định và 11 thông tư để có thể có hiệu lực cùng thời điểm với Luật Chứng khoán 2019 (ngày 01/01/2020). Tất cả các văn bản pháp lý này không chỉ chứa đựng những thay đổi mang tính chất kỹ thuật đối với thị trường mà còn thể hiện rõ quan điểm của cơ quan quản lý về phát triển thị trường một cách bền vững. “Với quan điểm như vậy, chắc chắn TTCK Việt Nam từ năm sau sẽ có những thay đổi vượt bậc, thực chất và tiếp tục phát triển một cách bền vững” - bà Bình tin tưởng.

Giám đốc Phòng Phát triển năng lực đầu tư Công ty Cổ phần Chứng khoán VPS - TS. Lê Đức Khánh - cho rằng, dư địa tăng trưởng của TTCK Việt Nam còn rất lớn. Theo số liệu thống kê, từ quý II đến nay, nhà đầu tư cá nhân mở mới đã tăng khá mạnh. Tuy nhiên so với quy mô dân số, con số này vẫn khá khiêm tốn. Bởi vậy, triển vọng kinh tế và lãi suất rất thấp khiến các nhà đầu tư tìm sang kênh đầu tư khác như chứng khoán. Mặt khác, mặt bằng chung định giá cổ phiếu còn thấp. Dòng tiền luân chuyển khá tốt qua các nhóm cổ phiếu ngân hàng, nhóm ngành thép hay chứng khoán, công nghệ... Theo ông Khánh, thị trường vẫn còn nhiều cơ hội để đầu tư. Nhà đầu tư cần lưu ý chọn nhóm ngành cơ bản, kinh doanh tăng trưởng tốt để giảm thiểu rủi ro. Ông Khánh dự đoán, TTCK sẽ sớm quay lại mốc 990 - 1.000 điểm trong cuối năm nay.

Bên cạnh đó, theo ông Bùi Hoàng Hải, năm 2021 sẽ phân mảng thị trường tốt hơn cũng như ra mắt nhiều sản phẩm tốt hơn: Đối với các công ty chứng khoán, dịch vụ được mở rộng hơn, các dịch vụ chưa được chính thức hoá sẽ được chính thức hoá (phối hợp ngân hàng cho vay, chào bán sản phẩm tài chính…); xây dựng cơ chế phòng ngừa và ứng phó rủi ro cho thị trường; dự kiến phát triển cơ sở hạ tầng thông qua gói thầu hệ thống công nghệ đồng bộ cho toàn TTCK (gói thầu KRX) giúp hiện đại hóa để tạo ra sự đột phá cho thị trường trong tương lai.

Bài và ảnh: HỒNG ANH
Cùng chuyên mục
Thị trường chứng khoán Việt Nam: Dư địa tăng trưởng còn rất lớn