Thị trường lao động 2022: Nhiều tín hiệu khả quan song vẫn tiềm ẩn biến động cung - cầu

(BKTO) - Thị trường lao động năm 2022 được các chuyên gia nhận định có nhiều tín hiệu khả quan song vẫn tiềm ẩn những biến động cung - cầu. Để phục hồi thị trường lao động, cần đồng bộ những giải pháp, chính sách hỗ trợ DN, người lao động (NLĐ).



                
   

Ảnh minh họa - Nguồn:TTXVN

   

Dấu hiệu khởi sắc

Định hình về nhu cầu nhân sự năm 2022, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP. HCM đã đưa ra 2 kịch bản:

Kịch bản thứ nhất, tình hình dịch bệnh diễn biến theo chiều hướng phức tạp, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế - xã hội, dự kiến, nhu cầu nhân lực năm 2022 cần khoảng 255.000 - 280.000 chỗ làm việc.

Trong đó, nhu cầu nhân lực quý I cần khoảng 71.500 - 78.500 chỗ làm việc, quý II cần khoảng 59.600 - 65.500 chỗ làm việc, quý III cần khoảng 60.600 - 66.500 chỗ làm việc, quý IV cần khoảng 63.300 - 69.500 chỗ làm việc.

Kịch bản thứ hai, tình hình dịch bệnh được kiểm soát, diễn biến theo chiều hướng tích cực, dự kiến nhu cầu nhân lực năm 2022 cần khoảng 280.000 - 310.000 chỗ làm việc.

Dự báo về thị trường nguồn nhân lực trong năm 2022, TS. Trần Mỹ Minh Châu - Viện Kinh tế Môi trường Đông Nam Á (EEPSEA) - nhận định, tình hình lao động việc làm ở TP. HCM cũng như các tỉnh lân cận trong thời gian tới sẽ có nhiều thay đổi so với trước đợt dịch Covid-19 lần thứ 4.

Theo đó, lực lượng lao động ở thành phố (kể cả ngoại tỉnh và tại địa phương) có thể sẽ thu hẹp hơn so với trước đây. Hai nhóm dân số sẽ rời khỏi thị trường lao động cao nhất là giới trẻ từ 15 - 24 tuổi và nữ giới.

Về khả năng phục hồi việc làm trong các ngành kinh tế, TS. Trần Mỹ Minh Châu cho rằng, 3 nhóm ngành gồm: công nghiệp chế biến chế tạo, tài chính ngân hàng, bảo hiểm và phát triển công nghệ khả năng phục hồi rất nhanh và sớm bao phủ do ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Nhóm ngành phục hồi nhanh là giáo dục, y tế, hoạt động phục vụ, dịch vụ gia đình, kinh doanh bất động sản, xây dựng. Nhóm ngành phục hồi chậm là bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy, vận tải, kho bãi dịch vụ lưu trú và ăn uống…

Còn tại Hà Nội, ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội - dự kiến thị trường lao động nói chung và Hà Nội nói riêng sẽ có nhiều tín hiệu phục hồi tích cực trong quý I/2022 cũng như cả năm.

Báo cáo tình hình lao động việc làm quý IV và năm 2021 do Tổng cục Thống kê công bố mới đây cho thấy, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên quý IV/2021 là 50,7 triệu người, tăng khoảng 1,7 triệu người so với quý trước và giảm 1,4 triệu người so với cùng kỳ năm trước.

So với quý trước, lực lượng lao động ở cả hai khu vực nông thôn và thành thị đều tăng khoảng 0,8 triệu người và lực lượng lao động nữ tăng nhiều hơn so với lực lượng lao động nam (0,9 triệu người so với 0,8 triệu người).

Vẫn cần nhiều chính sách hỗ trợ

Dù có nhiều tín hiệu khả quan song theo nhận định của giới chuyên gia, thị trường lao động vẫn tiềm ẩn những biến động về cung - cầu bởi thực tế dịch bệnh vẫn còn diến biến phức tạp.

Ông Vũ Trọng Bình - Cục trưởng Cục việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) - dự báo: Trong năm 2022, với kịch bản khả quan nhất (dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, đến hết quý I/2021 hoàn thành mục tiêu về tỷ lệ dân số được tiêm phòng Covid-19) thì đại dịch Covid-19 vẫn tiếp tục tác động tiêu cực đến hơn 5 triệu lao động, vẫn còn tình trạng mất cân đối cung - cầu lao động cục bộ, thiếu hụt lao động tại các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong khi các tỉnh, thành phố dư cung lao động lại thiếu việc làm.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, nguy cơ thiếu hụt lao động sẽ được ngăn chặn nếu có các giải pháp, chính sách hỗ trợ DN đồng bộ và bảo đảm an sinh xã hội, sức khỏe cho NLĐ trong điều kiện trạng thái “bình thường mới”. Trong các chính sách này, cần duy trì sự hỗ trợ của cộng đồng chứ không chỉ dựa vào nguồn lực từ Nhà nước. DN và NLĐ cũng cần phải thay đổi để thích ứng, an toàn, hòa nhập trong môi trường “bình thường mới”.

Cũng theo ông Bình, mục tiêu cụ thể về lao động - việc làm năm 2022 được ngành LĐ-TB&XH đặt ra là giảm tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ thiếu việc làm khu vực nông thôn dưới 2%.

Thực hiện mục tiêu này, Bộ LĐ-TB&XH sẽ triển khai có hiệu quả những chính sách hỗ trợ NLĐ làm việc tại các DN thuộc vùng kinh tế trọng điểm, các địa phương có các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, tạo điều kiện cho họ yên tâm làm việc, tham gia phục hồi sản xuất kinh doanh; đặc biệt hỗ trợ để thu hút NLĐ ngoại tỉnh quay trở lại làm việc…

Để ổn định thị trường lao động, ông Lê Quang Trung - Nguyên Phó Cục trưởng phụ trách Cục Việc làm, Bộ LĐ-TB&XH - kiến nghị: Cần có các dự án cụ thể hỗ trợ trực tiếp cho thị trường lao động. Trong các dự án cụ thể, xác định từng nhóm đối tượng, mục tiêu, giải pháp, đặc biệt vấn đề tài chính để thực hiện có hiệu quả các dự án.

Còn theo Tổ chức Lao động Quốc tế tại Việt Nam (ILO), triển vọng phục hồi việc làm là thách thức của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Chính vì vậy, việc xây dựng chính sách, chương trình đào tạo, đầu tư vào lĩnh vực đào tạo việc làm cần được quan tâm; đồng thời, thúc đẩy các cơ hội cho NLĐ dựa trên lợi thế kinh tế địa phương, nâng cao năng lực thích ứng với Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Trong đó, đào tạo lại hay đào tạo nâng cao kỹ năng cho NLĐ là một nhiệm vụ quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid./.

THÀNH ĐỨC
Cùng chuyên mục
Thị trường lao động 2022: Nhiều tín hiệu khả quan song vẫn tiềm ẩn biến động cung - cầu