Thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2025: Kỳ vọng tăng tốc!

(BKTO) - 4.400 tỷ đồng là giá trị thanh khoản bình quân một ngày trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) thứ cấp năm 2024, tăng 77,68% so với năm 2023. Giới phân tích kỳ vọng, năm 2025, thị trường sẽ tăng trưởng vượt bậc nhờ niềm tin nhà đầu tư dần hồi phục và những thay đổi chính sách tích cực đang được triển khai.

12.jpg
Thị trường TPDN sẽ có triển vọng tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2025. Ảnh minh họa

Thị trường đang “ấm” lên

Sau giai đoạn trầm lắng, thị trường TPDN năm 2024 đã ghi nhận những diễn biến tích cực với giá trị phát hành tăng mạnh, đặc biệt trong những tháng cuối năm khi tâm lý thị trường ổn định hơn và niềm tin của nhà đầu tư dần khôi phục.

Bộ Tài chính cho biết, tổng giá trị TPDN phát hành riêng lẻ năm 2024 đạt 396.700 tỷ đồng, tăng 33,6% so với năm 2023. Đây là con số vô cùng ấn tượng sau giai đoạn thị trường suy giảm mạnh. Giá trị phát hành mới tăng mạnh cho thấy những dấu hiệu phục hồi và cải thiện rõ rệt. Cơ cấu doanh nghiệp tham gia thị trường đa dạng hơn, các doanh nghiệp thuộc nhiều nhóm ngành như ngân hàng, bất động sản, năng lượng… tích cực tìm vốn qua kênh này. Cùng với đó là sự xuất hiện ngày càng dày hơn của trái phiếu xanh, với sự có mặt của cả nhóm ngân hàng từ Vietcombank, BIDV, SeABank, HDBank đến nhóm doanh nghiệp phi tài chính như Vinpearl, BIM Land, BIWASE...

Báo cáo TPDN năm 2024 của FiinRatings cũng cho hay, năm 2024 khép lại với những bước tiến ấn tượng của thị trường TPDN. Thanh khoản bình quân/ngày trên thị trường thứ cấp trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cải thiện rõ rệt, đạt 4.400 tỷ đồng/phiên, tăng 77,68% so với năm 2023. Thanh khoản cải thiện không chỉ hỗ trợ thị trường sơ cấp phát triển mà còn củng cố niềm tin của nhà đầu tư vào khả năng giao dịch minh bạch và hiệu quả của hàng hóa.

Đặc biệt, FiinRatings nhấn mạnh, năm 2024 cũng là một dấu mốc ấn tượng trên thị trường TPDN với tổng giá trị phát hành ghi nhận mức tăng trưởng đáng kể, đạt 443.700 tỷ đồng (trong đó giá trị phát hành riêng lẻ chiếm 92%), tăng 26,8% so với năm 2023. Hoạt động phát hành diễn ra sôi động nhất vào quý III và IV/2024, phản ánh nhu cầu vốn gia tăng của doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế phục hồi. Điều này không chỉ phản ánh sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường mà còn tạo ra nhiều cơ hội hấp dẫn cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư. Trong đó, ngành ngân hàng tiếp tục giữ vị trí chủ lực với giá trị phát hành gần 300.000 tỷ đồng, chiếm 67,1% tổng thị trường. Sự thống trị của ngân hàng không chỉ thể hiện sức mạnh tài chính mà còn là động lực quan trọng thúc đẩy nền kinh tế phục hồi.

Thêm vào đó, những chính sách mới, luật mới có hiệu lực trong thời gian gần đây sẽ giúp tăng tính minh bạch của thị trường và bảo vệ nhà đầu tư, hướng tới sự phát triển bền vững. Điển hình, Luật Chứng khoán (sửa đổi) tạo ra hành lang pháp lý chặt chẽ hơn, giúp tăng cường tính minh bạch và bảo vệ nhà đầu tư, tạo nền tảng vững chắc cho sự phục hồi bền vững của thị trường trái phiếu năm 2025.

Triển vọng tăng trưởng mạnh mẽ năm 2025

Kênh đầu tư TPDN sẽ phát triển tốt trong năm 2025, đặc biệt khi thị trường đã dần hồi phục sau khi trải qua những biến động lớn trong giai đoạn 2022-2023.

Ông Lê Quang Hưng - Giám đốc Cao cấp Phân tích đầu tư, Công ty Cổ phần Quản lý Quỹ Kỹ Thương (Techcom Capital)

Để thị trường TPDN phục hồi và phát triển bền vững, TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế trưởng BIDV - cho rằng, chúng ta cần củng cố, lấy lại niềm tin của nhà đầu tư ít nhất đến hết năm 2025. Trong trung và dài hạn, cần tổ chức thực hiện tốt Chiến lược Tài chính đến năm 2030 cùng với việc ưu tiên hoàn thiện thể chế. Đồng thời, hoàn thiện hạ tầng thị trường chứng khoán nói chung và thị trường TPDN nói riêng, nhất là nâng cao chất lượng hệ thống các tổ chức xếp hạng tín nhiệm, thị trường thứ cấp tập trung, cơ sở thông tin - dữ liệu về thị trường trái phiếu, về nhà đầu tư, tài sản đảm bảo…

TS. Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia - lưu ý, cơ cấu tham gia thị trường TPDN vẫn chủ yếu là các doanh nghiệp bất động sản và ngân hàng. Tuy nhiên, việc huy động vốn qua kênh TPDN của các ngân hàng chủ yếu phục vụ mục đích tăng vốn cấp 2, từ đó tăng huy động và cho vay. Còn các doanh nghiệp bất động sản lại đang rơi vào cảnh khó khăn khiến thị trường TPDN cũng bị ảnh hưởng. Trong khi đó, các doanh nghiệp nội địa khác thì thiếu vốn trầm trọng nhưng không thể tham gia sân chơi TPDN vì kỳ hạn ngắn (khoảng 3 năm) nhưng lãi suất lại rất cao. “Nếu TPDN tiếp tục chỉ dựa vào bất động sản thì năm tới vẫn sẽ còn khó khăn. Đây cũng là vấn đề chúng ta phải cảnh giác” - ông Nghĩa thẳng thắn.

Bên cạnh đó, áp lực đáo hạn vẫn sẽ là mối quan tâm lớn và tiếp tục duy trì trong năm 2025. “Áp lực đáo hạn sẽ gia tăng dần và đạt đỉnh vào quý III/2025 với lượng TPDN đáo hạn lên tới khoảng 70.000 tỷ đồng, gấp khoảng 1,6 lần so với cùng kỳ năm trước” - MBS cảnh báo. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định, khả năng trả nợ của các doanh nghiệp đã có những cải thiện đáng kể. Năm 2024, nhiều doanh nghiệp đẩy mạnh mua lại trái phiếu trước hạn, thậm chí tất toán toàn bộ các khoản nợ trái phiếu đến hạn và trước thời hạn thanh toán. Đây là tín hiệu tích cực cho thị trường, là động lực để lấy lại niềm tin của nhà đầu tư vào kênh huy động vốn quan trọng này. Chưa kể, nhiều doanh nghiệp đã tái cấu trúc nợ, tăng cường huy động vốn từ các kênh khác như vay ngân hàng, phát hành trái phiếu quốc tế hoặc hợp tác với đối tác chiến lược. Đồng thời, với việc cho phép các doanh nghiệp đàm phán gia hạn thời gian thanh toán trái phiếu, áp lực đáo hạn từ cuối năm 2024 đã giảm đáng kể. Điều này cho thấy, các doanh nghiệp, đặc biệt là các tổ chức tín dụng đang chủ động quản lý nợ và cải thiện khả năng thanh toán.

Thêm vào đó, Phó Tổng Giám đốc HNX Vũ Thị Thúy Ngà khẳng định, với TPDN riêng lẻ, để đáp ứng yêu cầu nhà đầu tư và tổ chức phát hành ngày càng cao, tốc độ giao dịch lớn, HNX cũng đã thử nghiệm và hiện đang báo cáo cơ quan quản lý để đưa vào hệ thống giao dịch trực tuyến giúp các công ty chứng khoán, nhà đầu tư và tổ chức phát hành có công cụ để giao dịch.

Bởi vậy, dù áp lực đáo hạn sẽ gia tăng, song nhiều chuyên gia kinh tế kỳ vọng, thị trường TPDN Việt Nam vẫn sẽ có triển vọng tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2025 khi nền kinh tế hồi phục, các doanh nghiệp sẽ có cơ hội phát hành trái phiếu để huy động vốn cho các dự án mới, nhất là bất động sản và năng lượng tái tạo. “Chúng tôi kỳ vọng, giá trị phát hành TPDN năm 2025 tiếp tục tăng trưởng ở tốc độ cao và cao hơn năm 2024 do nhu cầu huy động vốn cấp 2 của các ngân hàng thương mại cũng như nhiều doanh nghiệp phi tài chính sẽ khởi động triển khai dự án nhờ sự cải thiện về môi trường pháp lý như bất động sản, năng lượng, hạ tầng, tiện ích…” - Tổng Giám đốc FiinRatings Nguyễn Quang Thuân kỳ vọng./.

Cùng chuyên mục
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2025: Kỳ vọng tăng tốc!