Đề xuất chuyển 18 tập đoàn, tổng công ty về Bộ Tài chính
Như vậy, theo phương án trên, hầu hết các TĐ, TCT nhà nước do UBQLV từng quản lý sẽ được chuyển về một mối quản lý, ngoại trừ Mobifone, khác với phương án dự kiến trước là có thể chuyển một số TĐ, TCT về Bộ Tài chính, về các Bộ chuyên ngành và các cơ quan liên quan. Mặc dù đang trong quá trình nghiên cứu sắp xếp, nhưng việc khẩn trương, nghiêm túc chuẩn bị các phương án chuyển giao đầu mối quản lý các TĐ, TCT thể hiện rõ sự linh hoạt trong đổi mới, tinh gọn tổ chức bộ máy để đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn.
Tinh thần này đúng như Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong vai trò Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW Trung ương khoá XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, khi chủ trì Phiên họp thứ 8 của Ban Chỉ đạo đã nhấn mạnh, trong quá trình phát triển, chúng ta đã áp dụng các mô hình khác nhau trong quản lý doanh nghiệp nhà nước, quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phù hợp theo từng thời kỳ. Đề cập đến mô hình quản lý doanh nghiệp nhà nước, quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay, Thủ tướng chỉ rõ, vẫn có những hạn chế, mà một phần nguyên nhân là do quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69/2014/QH13). Do đó, cần tiếp tục sắp xếp, đổi mới mô hình quản lý doanh nghiệp nhà nước, quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo hướng tách bạch nhiệm vụ quản lý nhà nước và quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Bộ Tài chính cần khẩn trương hoàn thiện Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp thay thế Luật số 69/2014/QH13 để Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp tháng 2/2025 nhằm giải quyết các nút thắt, vướng mắc hiện nay trong quản lý doanh nghiệp nhà nước, quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính
Phương án đề xuất của Bộ Nội vụ vừa được củng cố thêm khi Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình - Phó Trưởng ban Chỉ đạo của Chính phủ về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW vừa ký Văn bản số 06/CV-BCĐTKNQ18 - đề nghị các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ hoàn thiện phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của bộ, ngành mình. Trong Văn bản đề cập rõ: Kết thúc hoạt động của UBQLV; chuyển 18 TĐ, TCT hiện đang giao cho Ủy ban này quản lý về Bộ Tài chính quản lý; chuyển Tổng công ty Viễn thông Mobifone về Bộ Công an quản lý.
Trước mắt, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với UBQLV xây dựng phương án tiếp nhận nguyên trạng chức năng, nhiệm vụ và nhân sự của UBQLV để quản lý 18 TĐ, TCT này. Cụ thể gồm: Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước - SCIC; Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - Petrovietnam; Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN; Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam - Petrolimex; Tập đoàn Hóa chất Việt Nam - Vinachem; Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam - VRG; Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam - TKV; Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam - VNPT; Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam - Vinataba; Tổng công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines; Tổng công ty Hàng hải Việt Nam - VIMC; Tổng công ty Đường sắt Việt Nam - VNR; Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam - VEC; Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam - ACV; Tổng công ty Cà phê Việt Nam - Vinacafe; Tổng công ty Lương thực miền Nam - Vinafood 2; Tổng công ty Lương thực miền Bắc - Vinafood 1; Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam - Vinafor.
Cần lựa chọn phương án tối ưu nhất trong các phương án
Theo ông Nguyễn Hoàng Anh - Chủ tịch UBQLV, tổng vốn chủ sở hữu của 18 TĐ, TCT này và Tổng công ty Viễn thông Mobifone tới nay là 1,18 triệu tỷ đồng, tăng 11% sau 5 năm chuyển giao về Ủy ban. Tổng tài sản nắm giữ đạt 2,54 triệu tỷ đồng, bằng 65% tổng tài sản của các doanh nghiệp nhà nước trên cả nước. 5 năm qua, các doanh nghiệp này đã nộp ngân sách nhà nước 1,28 triệu tỷ đồng, chiếm bình quân 10-12% tổng thu ngân sách nhà nước hằng năm của cả nước. Riêng năm 2024, tổng doanh thu công ty mẹ của 19 TĐ, TCT đạt 2.030.572 tỷ đồng, bằng 120% kế hoạch năm, bằng 107% so với năm trước. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước đạt 111.692 tỷ đồng (không tính EVN), bằng 158% kế hoạch năm 2024 và bằng 156% so với năm trước. Giá trị nộp ngân sách nhà nước hợp nhất ước đạt 206.206 tỷ đồng, bằng 153% kế hoạch năm 2024 và bằng 105% so với năm 2023.
Mới đây, trao đổi với lãnh đạo UBQLV và đại diện 19 TĐ, TCT nhà nước hiện đang giao Ủy ban quản lý, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, năm 2025, cả nước phấn đấu tăng trưởng kinh tế đạt ít nhất 8%, tạo đà cho thời kỳ phát triển 2 con số tiếp theo. Do đó các Bộ, ngành, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp phải tăng trưởng ít nhất 8%; đồng thời, việc sắp xếp mô hình, tổ chức với các TĐ, TCT nhà nước phải trên tinh thần đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết, trước hết để vốn nhà nước được quản lý tốt nhất và phát triển tốt nhất, phục vụ cho phát triển đất nước thời kỳ mới.
Thủ tướng nhấn mạnh, cần lựa chọn phương án tối ưu nhất trong các phương án có thể trên cơ sở xem xét kỹ lưỡng, thấu đáo, khách quan, khoa học, phù hợp với tình hình đất nước để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Vấn đề quan trọng nhất là hiệu quả, thực sự vì nhiệm vụ chung, vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì sự phát triển của đất nước. Do đó, với một số TĐ, TCT thực hiện vai trò bảo đảm các cân đối lớn, được giao các nhiệm vụ chiến lược quốc gia thì nghiên cứu, đề xuất mô hình thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Đồng thời, phải phân cấp phân quyền nhiều hơn nữa cho doanh nghiệp, tăng cường tính chủ động, năng động, sáng tạo, tự lực, tự cường./.