Bộ Tài chính đang tiếp tục xây dựng và phát triển thị trường trái phiếu bền vững, thanh khoản cao, từng bước tiếp cận với thông lệ, chuẩn mực quốc tế. Ảnh: T.K
Mặc dù trong năm nay, việc huy động vốn trái phiếu không được như mong đợi. Tuy nhiên, các ngân hàng thương mại vẫn nắm giữ 80% tổng khối lượng trái phiếu phát hành trên thị trường (tỷ lệ này không thay đổi trong 8 năm qua). Xuất phát từ thực tế này, Bộ Tài chính đã đặt ra yêu cầu phải đa dạng hóa đối tượng tham gia như các công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư, công ty chứng khoán…
Như vậy, từ nay đến cuối năm, chỉ còn 5 tháng, Bộ Tài chính phải hoàn thành 51% kế hoạch huy động vốn trái phiếu. Bà Phan Thị Thu Hiền - Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính Ngân hàng, Bộ Tài chính cho biết: Bộ Tài chính sẽ cố gắng đạt kế hoạch đã đặt ra trên cơ sở giới thiệu các sản phẩm mới. Trong đó, Bộ Tài chính đang nghiên cứu và triển khai 2 sản phẩm mới trên thị trường là trái phiếu không thanh toán định kỳ và trái phiếu lãi suất thả nổi để đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư trên thị trường.
Triển khai Nghị quyết 78 của Quốc hội, từ đầu năm tới nay, Bộ chỉ phát hành trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 5 năm trở lên. Hiện tại, Bộ Tài chính đang tiến hành đánh giá việc triển khai Nghị quyết 78. Sau khi hoàn thành sẽ báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội vào tháng 10 tới theo hướng đa dạng hóa các kỳ hạn trái phiếu. Hơn nữa, Bộ đang xem xét trình Chính phủ để báo cáo Quốc hội để thực hiện mục tiêu phát triển thị trường trái phiếu Chính phủ không chỉ nhằm mục tiêu duy nhất là huy động vốn, mà còn nhằm mục tiêu xây dựng một thị trường cung cấp lãi suất tham chiếu chuẩn cho nền kinh tế.
Bộ Tài chính đang tiếp tục xây dựng và phát triển thị trường trái phiếu bền vững, thanh khoản cao, từng bước tiếp cận với thông lệ, chuẩn mực quốc tế, trở thành kênh huy động vốn quan trọng, an toàn, hiệu quả cho nền kinh tế. Mục tiêu cụ thể là tổng dư nợ thị trường trái phiếu đạt 38% GDP trong năm 2020, trong đó dư nợ thị trường trái phiếu Chính phủ đạt 22% GDP, thị trường trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh đạt 8% GDP, thị trường trái phiếu chính quyền địa phương đạt 1% GDP và thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt 7% GDP. Hiện nay, dư nợ trên thị trường trái phiếu đạt khoảng 22% GDP năm 2014; riêng dư nợ thị trường trái phiếu Chính phủ là 581.497 tỷ đồng, đạt khoảng 14% GDP năm 2014.
Cũng theo bà Hiền, trong những năm qua, khung khổ pháp lý cho hoạt động thị trường trái phiếu đã được hoàn thiện. Trong năm 2015, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư hướng dẫn Nghị định số 01/2011/NĐ-CP về phát hành trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương để phù hợp với sự phát triển thị trường và thông lệ quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể huy động vốn trên thị trường trái phiếu. Bộ cũng sẽ hoàn thiện khung khổ pháp lý về dịch vụ xếp hạng tín nhiệm nhằm thúc đẩy sự phát triển của thị trường trái phiếu DN.
Đồng thời, Bộ Tài chính sẽ triển khai các giải pháp phát triển thị trường như phối hợp với Ngân hàng nhà nước trong việc điều hành thị trường tài khoá và thị trường tiền tệ, đảm bảo lãi suất phát hành trái phiếu và lãi suất tiền tệ ổn định, ít biến động lớn. Bên cạnh đó, Bộ sẽ phát triển hệ thống nhà đầu tư, khuyến khích phát triển hệ thống nhà đầu tư dài hạn trên thị trường như Quỹ hưu trí, các công ty bảo hiểm… để giảm dần sự phụ thuộc vào các ngân hàng thương mại; tiếp tục xây dựng lộ trình thu hút nhà đầu tư nước ngoài; xây dựng trang thông tin điện tử chuyên biệt cho thị trường trái phiếu; phát triển hệ thống CNTT để đảm bảo hoạt động phát hành và giao dịch trái phiếu thông suốt, rút ngắn thời gian từ phát hành đến niêm yết.
THU HƯỜNG