Thích ứng với biến động kinh tế - kiểm toán nội bộ đóng vai trò hậu phương vững chắc

(BKTO) - 56% chuyên gia kiểm toán nội bộ (KTNB) nhận định, những biến động của kinh tế khiến cho mức độ rủi ro của tổ chức từ mức cao đến rất cao. Kiểm toán viên nội bộ (KTVNB) không phải là chuyên gia dự báo kinh tế, nhưng các đánh giá rủi ro và thử nghiệm kịch bản tài chính sẽ cung cấp sự đảm bảo hợp lý, giúp tổ chức tăng cường khả năng phục hồi.

4-ktnb-can-xay-dung-moi-quan-he-chat-che-voi-cac-bo-phan-khac-trong-to-chuc-de-thuan-loi-cho-viec-truyen-dat-kip-thoi-cac-rui-ro-tiem-an-lien-quan-den-suy-thoai-kinh-te.png
KTNB cần xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với các bộ phận khác trong tổ chức để thuận lợi cho việc truyền đạt kịp thời các rủi ro tiềm ẩn liên quan đến suy thoái kinh tế

Chủ động thực hiện các biện pháp bảo vệ tổ chức trước những rủi ro

Môi trường kinh tế bất ổn kể từ đầu thập kỷ này đã mang đến một bối cảnh rủi ro phức tạp và không lường trước được trong nhiều lĩnh vực: Ngành dịch vụ tài chính chứng kiến sự sụp đổ nhanh chóng của những ngân hàng hàng đầu thế giới; lạm phát và lãi suất tăng; cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt ngày càng trầm trọng; chi phí xây dựng tăng vọt đã khiến ngành xây dựng phải đối mặt với khó khăn chưa từng thấy trong nhiều năm; các quốc gia đều khó khăn trong việc cân bằng giữa phát triển kinh tế với các mục tiêu ESG; doanh nghiệp loay hoay với rủi ro tài chính, thanh khoản, nhu cầu và hành vi của người tiêu dùng thay đổi, rủi ro thị trường/giao dịch; gian lận, hối lộ và tội phạm tài chính…

Theo báo cáo “Thích ứng với bất ổn kinh tế: Hành trình của KTNB” do Hiệp hội KTNB Hoa Kỳ (IIA) và AuditBoard thực hiện, 73% KTVNB được khảo sát ủng hộ hoặc đã đưa nội dung đánh giá quản lý rủi ro vào kế hoạch KTNB giai đoạn 2023-2034 và 35% chuyên gia KTNB cho biết đã tích hợp các biện pháp phục hồi vào báo cáo kiểm toán.

Những cuộc khủng hoảng lớn gần đây đã khiến các chuyên gia KTNB trong nhiều lĩnh vực khác nhau rút ra bài học quý giá, đặc biệt là việc chủ động thực hiện các biện pháp để bảo vệ tổ chức trước những rủi ro. Theo đó, KTNB xác định những rủi ro chính mà tổ chức có thể phải đối mặt trong giai đoạn biến động kinh tế và trình bày rõ những điểm yếu của tổ chức. Nếu những rủi ro mà KTNB đã chỉ ra không được ban lãnh đạo quan tâm đúng mức, KTVNB sẽ phải được chia nhỏ thông tin và giải trình theo cách dễ hiểu nhất.

Các KTVNB xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với các chức năng kinh doanh chính như: Tài chính, nhân sự, quản lý rủi ro… để thuận lợi cho việc hiểu toàn diện và truyền đạt kịp thời các rủi ro tiềm ẩn liên quan đến suy thoái kinh tế. Sự hợp tác chặt chẽ với ủy ban kiểm toán, ban quản trị và quản lý rủi ro về lập kế hoạch kịch bản kinh tế giúp tổ chức chuẩn bị cho những cú sốc kinh tế trong tương lai.

Thực tế, các hành động của KTNB có thể khó được một số người trong tổ chức, nhất là lãnh đạo lắng nghe. Vì vậy, việc truyền đạt thông điệp sáng tạo, nêu bật những rủi ro gây ảnh hưởng đến lợi nhuận sẽ giúp KTNB tập trung sự chú ý. Đồng thời, các chức năng KTNB cần theo dõi chặt chẽ các chỉ số kinh tế vĩ mô để dự đoán các rủi ro, bao gồm: Giá cả hàng hóa tăng, gia tăng gian lận, khách hàng phá sản, thay đổi về lạm phát, giá nhà, lãi suất…

Nếu tổ chức có sẵn các công cụ như: Lập kế hoạch kịch bản kinh tế, thử nghiệm rủi ro tài chính và các bài tập mô phỏng, KTV có thể tận dụng để xác định các lỗ hổng và cung cấp những thông tin cần thiết cho tổ chức. Việc đánh giá kế hoạch kịch bản kinh tế nhằm đảm bảo chúng phản ánh nhiều tình huống có thể xảy ra và tác động rủi ro tương ứng trong cuộc khủng hoảng kinh tế. Điều này được thực hiện thông qua việc xác thực các giả định, đánh giá tác động rủi ro và thử nghiệm các giải pháp khắc phục tương ứng. Các đánh giá của KTNB sẽ chỉ ra những điểm yếu và tìm ra giải pháp giúp tăng cường khả năng phục hồi của tổ chức.

Thích nghi với trạng thái bình thường mới

Các chuyên gia của IIA nhấn mạnh rằng, KTNB phải luôn cảnh giác, không chỉ nghĩ đến rủi ro trước mắt mà phải đánh giá tác động dây chuyền mà rủi ro có thể gây ra. Các câu hỏi được đặt ra là: Lạm phát tăng có được cân nhắc trong cơ cấu giá của tổ chức không? Khủng hoảng chi phí sinh hoạt có làm tăng các vụ gian lận không?... KTNB cần phải lùi lại một bước và có cái nhìn tổng quan về bối cảnh để thấy rõ hơn các mối liên hệ của rủi ro.

Để ứng phó với biến động kinh tế, KTNB cần phải nhanh chóng và tăng tính hiệu quả thông qua các khuyến nghị của mình. Các cuộc kiểm toán kéo dài sẽ không thể phù hợp với tình hình kinh tế liên tục thay đổi, thay vào đó, KTV cần xác định các vấn đề chính, tập trung đánh giá và chuyển sang cuộc kiểm toán tiếp theo. Bên cạnh đó, phân tích dữ liệu cần được xem là nền tảng của chức năng KTNB để nâng cao khả năng xác định các rủi ro tiềm ẩn. KTV cần ưu tiên các cuộc kiểm toán giải quyết trực tiếp lĩnh vực có rủi ro cao bị ảnh hưởng bởi sự bất ổn kinh tế.

Đồng thời, truyền đạt thông tin về rủi ro thông qua các cách sáng tạo như bản ghi nhớ nhanh và báo cáo kiểm toán ngắn gọn (một trang). Điều này cho phép KTNB thông tin kịp thời và tập trung trong thời kỳ khủng hoảng, thay vì đưa ra một báo cáo kiểm toán hằng năm. Ngoài ra, KTV có thể tạo một đường dây liên lạc mở để các phát hiện kiểm toán liên quan đến rủi ro mới nổi có thể đi thẳng đến ban lãnh đạo và ủy ban kiểm toán, giúp cho việc đưa ra quyết định nhanh chóng và sáng suốt.

KTVNB nên tăng cường sự linh hoạt để phát hiện và phản ứng với các cơ hội tăng trưởng cho tổ chức thông qua việc đánh giá các hợp đồng hiện có với các nhà cung cấp bên ngoài. Việc xem xét kỹ mọi dự án và khoản đầu tư lớn sẽ đảm bảo tính khả thi, phù hợp với các mục tiêu tài chính và phân bổ nguồn lực hiệu quả trong khi giảm thiểu các rủi ro liên quan.

KTNB đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ tái thiết khả năng phục hồi của tổ chức và thiết lập nền tảng cho tăng trưởng bền vững trong một môi trường kinh tế đầy thách thức. Trước khi đưa ra lời khuyên, KTVNB phải duy trì tính độc lập và khách quan. Thực tế, KTNB không thể đánh giá và xác định chính xác tất cả các rủi ro, nhất là khi chúng xuất hiện cùng một lúc. Do đó, KTNB chỉ thực sự thể hiện được vai trò của mình khi liên tục đưa ra các phán đoán đi kèm với giải pháp phục hồi, mang lại sự đảm bảo và hỗ trợ tổ chức vượt qua những biến động lớn của nền kinh tế./.

Cùng chuyên mục
  • “Vượt nắng, thắng mưa” đưa cao tốc Bắc - Nam về đích
    3 tháng trước Kiểm toán
    (BKTO) - Là dự án trọng điểm, thi công trong điều kiện nhiều khó khăn, nên dù được hưởng cơ chế đặc thù song việc triển khai tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông vẫn gặp nhiều thách thức. Trước tình hình đó, Bộ Giao thông vận tải và các nhà thầu chủ lực thi công tuyến cao tốc đều bày tỏ quyết tâm rất cao để sớm đưa cao tốc Bắc - Nam về đích đúng hẹn.
  • PASAI: Nỗ lực nâng cao hiệu quả hoạt động của Tổ chức
    3 tháng trước Kiểm toán quốc tế
    (BKTO) - Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao Thái Bình Dương (PASAI) vừa qua đã tổ chức Đại hội năm 2024, đánh dấu một cột mốc quan trọng đối với việc áp dụng chiến lược mới của PASAI trong giai đoạn 2024-2034. PASAI nhấn mạnh, sẽ tập trung đầu tư xây dựng một chiến lược mới nhằm thúc đẩy các hoạt động của Tổ chức.
  • Đảm bảo tính thời sự khi đặt ra các câu hỏi liên quan đến ngân sách, thuế và doanh nghiệp
    3 tháng trước Kiểm toán
    (BKTO) - Đây là đề xuất của Ban rà soát danh mục văn bản, tài liệu và hệ thống ngân hàng câu hỏi, đáp án phục vụ công tác đánh giá việc cập nhật kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ trong hoạt động kiểm toán của Kiểm toán nhà nước (KTNN) năm 2025 (sau đây gọi tắt là Ban rà soát) tại cuộc họp với Tiểu ban 3 và Tiểu ban 5, ngày 14/8.
  • Cơ chế đặc thù cần có cách làm đặc thù…
    3 tháng trước Kiểm toán
    (BKTO) - Với tính chất quan trọng đặc biệt, Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 đã được Quốc hội, Chính phủ cho phép áp dụng các cơ chế đặc thù, nhằm tạo thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện. Tuy nhiên, qua thực tiễn cho thấy, do tính chất mới, cộng với sự phức tạp của Dự án nên một số quy định mới còn lúng túng trong triển khai; từ đó đặt ra yêu cầu về cách thức triển khai phải tính đến yếu tố đặc thù.
  • Kiểm toán sớm, kịp thời kiến nghị, tháo gỡ vướng mắc cho Dự án cao tốc Bắc - Nam
    3 tháng trước Kiểm toán
    (BKTO) - Được ví như trục “xương sống” giao thông quốc gia, tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông đã nhận được sự quan tâm rất lớn từ Quốc hội, Chính phủ và sự vào cuộc trách nhiệm của các Bộ, ngành, trong đó có Kiểm toán nhà nước (KTNN) để tháo gỡ các vướng mắc trong thực hiện Dự án. Tại Tọa đàm “Vượt nắng, thắng mưa” đưa cao tốc Bắc - Nam về đích” do Báo Kiểm toán tổ chức, đại diện cơ quan quản lý, KTNN và nhà thầu đã có những chia sẻ thẳng thắn về tình hình triển khai Dự án, cũng như sự tham gia tích cực, trách nhiệm của KTNN.
Thích ứng với biến động kinh tế - kiểm toán nội bộ đóng vai trò hậu phương vững chắc