Thiếu điện - Năng lượng tái tạo và chính sách phát triển

Cơ cấu nguồn điện phụ thuộc quá nhiều vào thủy điện, công suất phát điện từ các nhà máy thủy điện lại phụ thuộc hoàn toàn vào “thiên ý” khiến cho những ngày nắng nóng vừa qua, tình trạng thiếu điện diễn ra trên diện rộng, nhất là tại khu vực miền Bắc và giải pháp “nhanh gọn” nhất đã được thực hiện là “cắt điện”. Trong khi cũng những ngày nắng nóng, tại nhiều quốc gia lại thừa điện. Vậy nguyên nhân do đâu và giải pháp cần quan tâm là gì?

Nắng nóng - “thủ phạm” gây thiếu điện?

Trong mấy tuần qua, thời tiết nắng nóng kéo dài dẫn đến sản lượng điện tiêu thụ tăng mạnh và tình trạng thiếu điện diễn ra nghiêm trọng ở miền Bắc. Theo thông tin từ ngành điện, tính đến ngày 06/5/2023, nhu cầu điện của hệ thống điện quốc gia đã tăng lên mức kỷ lục mới với 895 triệu kWh, cao nhất từ đầu năm đến nay và tăng 12,34% so với cùng kỳ tháng 5/2022; công suất tiêu thụ cực đại đạt 43.300 MW, cao nhất từ đầu năm đến nay và tăng 9,12% so với cùng kỳ tháng 5/2022.

Vào trung tuần tháng 5/2023, ngành điện đưa ra dự báo, trong những tháng cao điểm nắng nóng của mùa hè, công suất cực đại của miền Bắc có thể tăng trưởng 15% so với những ngày nắng nóng kéo dài cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, tính riêng tại Thành phố Hà Nội, lượng điện tiêu thụ tháng 5 trên địa bàn đã lên tới 75.406 triệu kWh, tăng hơn 22,5% so với bình quân tháng 4/2023.

tt-do-thang-hai(1).jpg
Tại họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 4/7/2023, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết: Công tác vận hành hệ thống điện trong tháng 7 dự kiến còn khó khăn, đặc biệt là hệ thống điện miền Bắc khi thời tiết được dự báo còn xảy ra các đợt nắng nóng trong khi mực nước các hồ thủy điện có cải thiện nhưng vẫn ở mức thấp.
Ảnh: chinhphu.vn

Nắng nóng dẫn đến các nhà máy điện phải chạy hết công suất, đặc biệt là thủy điện (vốn chiếm tỷ trọng tới 43,6% tổng công suất toàn miền Bắc). Trong khi đó, theo công bố của ngành điện, do ảnh hưởng của El Nino và mưa ít, đến thời điểm cuối tháng 5/2023, sản lượng điện quy đổi còn lại trong hồ thủy điện toàn hệ thống chỉ còn 2,35 tỷ kWh, thấp hơn 1,736 tỷ kWh so với kế hoạch năm, trong đó riêng miền Bắc thấp hơn 1,23 tỷ kWh…

Thiếu điện dẫn đến hệ quả ngành điện cắt điện luân phiên, khiến đời sống thường ngày của người dân bị đảo lộn, hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị đình trệ… Giữa trời nắng nóng, giữa Thủ đô bị cắt điện thì người dân chỉ biết kêu trời. Và đúng là tại ông trời gây ra trời nắng nóng, tại ông trời ít mưa nên thiếu nước dẫn đến thiếu điện và bị cắt điện. Cái vòng luẩn quẩn này thường lặp đi lặp lại theo chu kỳ, “đến hẹn lại lên” mỗi khi nắng nóng ập về! Bởi ngành điện vẫn phụ thuộc vào ông trời, mong trời mưa đủ nước để phát điện!

Tuy nhiên, cơ cấu điện phụ thuộc quá nhiều vào “ý trời” này đã được nhiều chuyên gia giàu kinh nghiệm cảnh báo từ lâu nhưng thực tế chưa được cải thiện nếu không nói là khó cải thiện. Tình trạng thiếu điện căng thẳng đến mức Thủ tướng Chính phủ phải ra Chỉ thị về tiết kiệm điện trên toàn quốc với yêu cầu cụ thể trong giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo, cả nước phải phấn đấu hằng năm tiết kiệm tối thiểu 2% tổng điện năng tiêu thụ; giảm tổn thất điện năng trên toàn hệ thống điện dưới 6% vào năm 2025.

Việt Nam - một đất nước về cơ bản là thừa nắng, thừa gió - tại sao chúng ta không phát triển và triệt để khai thác năng lượng tái tạo, trong đó có điện mặt trời áp mái?

Năng lượng tái tạo giúp giải quyết vấn đề thiếu điện

Nếu nhìn sang bên kia trời Âu, có lúc họ thiếu điện nhiều do giá năng lượng, do xung đột, nhưng mùa hè này, nhiều quốc gia thừa điện.

Tờ The Guardian ngày 30/5 đưa tin, giá điện tại một số quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã giảm xuống mức âm do dư thừa tài nguyên trên thị trường (do năng suất cao của các nhà máy năng lượng mặt trời, gió và thủy điện).
Tại Anh, Ireland và phần lớn khu vực Trung Âu, Bắc Âu trong những ngày khô và nhiều nắng năm nay nguồn cung điện mặt trời gia tăng. Điều này khiến giá điện tại một số quốc gia này đã giảm xuống mức âm do dư thừa tài nguyên (do năng suất cao của các nhà máy năng lượng mặt trời, gió và thủy điện).
Tại Hà Lan, sản lượng năng lượng mặt trời đã tăng 14% trong năm qua, cao nhất trong các nước châu Âu và là quốc gia đầu tiên sản lượng từ năng lượng mặt trời vượt qua sản lượng năng lượng từ than đá. Tại quốc gia này, việc giá điện xuống âm cũng phổ biến trong mùa hè và các ngày nghỉ lễ, đặc biệt là những ngày nhiều gió.

Đọc thông tin trên báo chí nước nhà phản ánh về tình trạng thừa điện của châu Âu do nắng nóng chúng tôi đặt câu hỏi: Tại sao cũng tại "ông trời" mà phương Tây thì thừa điện còn ta thì thiếu điện, mà tất cả là tại trời nắng nóng? Đọc thêm thông tin thì thấy họ phát triển năng lượng tái tạo, dùng pin mặt trời nên càng nắng nóng thì năng lượng điện tái tạo sản xuất ra càng nhiều và không có tình trạng thiếu điện. Vấn đề đặt ra là tại sao Việt Nam - một đất nước về cơ bản là thừa nắng, thừa gió - chúng ta không phát triển và triệt để khai thác năng lượng tái tạo? Nguồn năng lượng tái tạo trong toàn hệ thống mới chỉ chiếm khoảng 16% tính đến giữa năm 2023 có phải còn quá ít hay không? Hay thời tiết, khí hậu ở Việt Nam không phát triển được năng lượng tái tạo? Các câu hỏi này xin được đặt ra cho các nhà hoạch định chính sách năng lượng quốc gia.

dien-mat-troi-1065.jpg
Ngày 13/6/2023, Bộ Công Thương đã có Báo cáo số 74/BC-BCT trình Thủ tướng Chính phủ về dự thảo Quyết định cơ chế khuyến khích phát điện, phát triển điện mặt mái nhà lắp đặt tại nhà ở, công sở, trụ sở của các doanh nghiệp Việt Nam. Ảnh EVN

Tín hiệu đáng mừng là trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 15/5/2023 đã đề cập và thể hiện rõ sự quan tâm thích đáng đến phát triển năng lượng tái tạo (mục tiêu quy mô công suất điện mặt trời, điện gió đạt 27% vào năm 2030; đạt 58,5% vào năm 2050 và nếu thuận lợi hơn có thể phát triển tới 63,8%), trong đó có cả điện mặt trời áp mái.

Tuy nhiên, định hướng phát triển mới chỉ chú trọng ưu tiên phát triển điện mặt trời áp mái tại các công trình xây dựng, các cơ sở sản xuất kinh doanh theo hình thức nhà máy phát điện mini để dùng và bán cho ngành điện khi thừa. Loại hình nguồn điện này được ưu tiên phát triển không giới hạn công suất nhưng điều kiện kèm theo là giá thành phải hợp lý và tận dụng được lưới điện sẵn có, không phải nâng cấp.

Theo ý kiến của một số chuyên gia: Trong khi một lĩnh vực rất cần được quan tâm lại ít được đề cập, đó là điện áp mái của các nhà dân. Chúng ta nên có chính sách phù hợp, hỗ trợ kỹ thuật và có thể có hoặc không hỗ trợ tài chính để khuyến khích người dân làm điện áp mái, hướng tới “tự sản tự tiêu”, chứ không chỉ có các nhà máy điện mini sản xuất để bán cho ngành điện. Khi nắng nóng có thể tự sản xuất điện để dùng, nếu thừa có thể cung cấp cho ngành điện, khi thiếu thì mua của ngành điện hoặc ngành điện bù trừ cho phần đã cung cấp và các hộ chỉ phải trả tiền phần thực dùng.

Cơ chế bù trừ này là hình thức để tiết kiệm hóa đơn tiêu thụ điện cho người dân. Theo một bài báo trên Vnexpess.net thì các hộ gia đình ở Mỹ trang bị pin mặt trời có thể tiết kiệm 1.500 USD/năm đối với hóa đơn điện, tương đương 10.000 - 30.000 USD trong suốt tuổi thọ của bộ pin. (https://vnexpress.net/pin-mat-troi-giup-tiet-kiem-tien-dien-toi-muc-nao-4621088.html).

Thiết nghĩ, nếu chúng ta có chính sách đúng đắn về vấn đề này, phổ biến tuyên truyền khuyến khích cho người dân tham gia và có sự hỗ trợ, quan tâm của ngành điện thì chẳng những chúng ta vừa tiết kiệm được tiền điện cho người dân, vừa giảm được áp lực thiếu điện của quốc gia, thu hút được đầu tư của xã hội thông qua đầu tư của người dân. Tin rằng, nếu làm được như vậy sẽ giúp nhiều hộ dân có điện mặt trời áp mái và những ngày nắng nóng như vừa qua sẽ không bị thiếu điện. Vấn đề này xin đặt ra đối với người thiết kế, tham mưu chính sách của ngành điện, đặc biệt là Bộ Công Thương./.

Cùng chuyên mục
Thiếu điện - Năng lượng tái tạo và chính sách phát triển