Thiếu niên, nhi đồng Việt Nam với muôn vàn tình thân yêu của Bác Hồ

(BKTO) - Chủ tịch Hồ Chí Minh dành muôn vàn tình yêu thương cho các cháu thiếu niên, nhi đồng. Bác cũng luôn quan tâm đến phong trào thi đua yêu nước của các cháu và yêu cầu Đảng cùng cả cộng đồng phải thường xuyên chăm sóc giáo dục các cháu.

2-.jpg
Bác Hồ với các cháu thiếu niên, nhi đồng. Ảnh sưu tầm

Tuổi nhỏ làm việc nhỏ

Tư tưởng, tình cảm và nhiều việc làm thiết thực của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại những ấn tượng sâu sắc cho các thế hệ thiếu niên, nhi đồng Việt Nam. Sự yêu thương, chăm sóc, giáo dục các cháu luôn được Bác Hồ gắn với những việc làm cụ thể, nhất là phong trào thi đua yêu nước của các cháu, mang lại lợi ích thiết thực, có giá trị về nhiều mặt.

Ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi Thi đua ái quốc (thi đua yêu nước) với quan điểm thi đua là yêu nước, thi đua phải trở nên phổ biến, thu hút được đông đảo mọi tầng lớp, lứa tuổi, trong đó có cả thiếu niên nhi đồng.

Bác Hồ luôn căn cứ vào đặc điểm lứa tuổi của các cháu để đề ra yêu cầu, công việc, cách thức thi đua của các cháu thiếu niên, nhi đồng theo tinh thần: “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình, để tham gia kháng chiến, và gìn giữ hòa bình”.

Bác cũng thường xuyên lưu ý đến lợi ích của thi đua với chính bản thân các cháu. Ngày 01/6/1955, trong Thư gửi các trường miền Nam, Bác Hồ nhắn nhủ: “Các cháu nên thi đua, thi đua học tập, thi đua trong mọi việc để trở nên những nhi đồng có tổ chức, có kỷ luật, có sáng kiến, có lực lượng”.

Về mục tiêu, nhiệm vụ của thi đua, Bác Hồ thường căn dặn, hướng các cháu thiếu niên, nhi đồng vào những nội dung, công việc rất cụ thể, thiết thực, phù hợp. Sinh thời, vào dịp Tết Trung thu hằng năm, Bác Hồ thường gửi thư, vui tết với các cháu, khuyên dạy các cháu về thi đua yêu nước.

Trong Thư gửi thiếu nhi Việt Nam đêm Trung thu đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào tháng 9/1945, Bác Hồ viết: “Các em phải ngoan, ở nhà phải nghe lời bố mẹ, đi học phải siêng năng; đối với bầu bạn phải yêu kính. Các em phải yêu thương nước ta”.

Ngày 24/10/1946, Hồ Chí Minh gửi thư khuyên các cháu thiếu nhi: 1. Phải siêng học. 2. Phải giữ sạch sẽ. 3. Phải giữ kỷ luật. 4. Phải làm theo đời sống mới. 5. Phải thương yêu giúp đỡ cha mẹ anh chị em. Khi nói chuyện với đồng bào các dân tộc tỉnh Tuyên Quang, Bác Hồ nói: “Các cháu nhi đồng phải làm cho được 5 tốt, là: Đoàn kết tốt, học tập tốt, lao động tốt, kỷ luật tốt, vệ sinh tốt”.

Tư tưởng “cần, kiệm, liêm, chính” là nền tảng của thi đua yêu nước được Bác Hồ chỉ dẫn cho các cháu thiếu nhi thực hiện bằng các việc làm rất phù hợp, cụ thể, dễ làm được. Khi kêu gọi toàn dân ta Thi đua tiết kiệm, Bác Hồ chỉ rõ: “Học sinh thi đua tiết kiệm giấy bút”.

Đồng thời, Bác Hồ cũng căn dặn thiếu niên, nhi đồng phải thi đua dành những mục tiêu lâu dài, có ý nghĩa quan trọng nhất với các cháu. Tháng 9/1945, Bác viết trong thư gửi học sinh: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.

Để có thể đạt kết quả tốt nhất trong thi đua, Bác Hồ đưa ra nhiều giải pháp thiết thực, phù hợp, hiệu quả với các cháu, như: Thực hiện phong trào Trần Quốc Toản, phong trào thiếu niên nhi đồng làm nghìn việc tốt… Bác lưu ý các cháu trong thi đua phải thật sự đoàn kết sâu rộng.

Ngày 12/8/1962, Người dặn: “Các cháu phải đoàn kết, đoàn kết giữa thầy giáo với thầy giáo, giữa thầy giáo với học trò, giữa học trò với học trò, giữa nhà trường, thầy giáo, học trò với đồng bào địa phương”.

Bác Hồ còn có nhiều việc làm thiết thực chăm lo cho thiếu niên nhi đồng. Bác thường xuyên thăm hỏi, tặng quà các cháu dịp 1/6 và Tết Trung thu hằng năm, tặng huy hiệu của Bác cho các cháu có thành tích tốt… Trước lúc đi xa, trong Di chúc của mình, Bác Hồ vẫn dành “Muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng”.

Vâng lời Bác dạy, trong kháng chiến cũng như trong hòa bình và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay, thiếu niên, nhi đồng Việt Nam vẫn luôn hăng hái thi đua yêu nước, góp phần đóng góp tích cực vào sự nghiệp cách mạng chung.               

Trách nhiệm của Đảng và cả cộng đồng

Cùng với tấm gương mẫu mực là chính bản thân Người, Bác Hồ còn nỗ lực huy động sức mạnh của Đảng, Nhà nước, cả cộng đồng cùng chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng.

Từ khẳng định: “Công tác giáo dục thiếu niên, nhi đồng rất quan trọng, đó là nhiệm vụ đào tạo thế hệ tương lai cho Tổ quốc”, Bác Hồ chỉ rõ trong bài viết “Nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên, nhi đồng” đăng trên Báo Nhân dân, ngày 01/6/1969, Bác Hồ đề nghị: “Thiếu niên, nhi đồng là người chủ tương lai của nước nhà. Vì vậy, chăm sóc và giáo dục tốt các cháu là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân. Công tác đó phải làm kiên trì, bền bỉ”.

Bác Hồ đưa ra nhiệm vụ rất cụ thể cho các cấp, các ngành, đoàn thể cùng chăm sóc thiếu niên, nhi đồng, giúp các cháu tổ chức hiệu quả phong trào thi đua yêu nước và các hoạt động khác.

Dự Hội nghị cán bộ phụ trách thiếu nhi toàn miền Bắc vào ngày 19/02/1959, Bác Hồ căn dặn: “…Muốn giáo dục các cháu thành người tốt, nhà trường, đoàn thể, gia đình, xã hội đều phải kết hợp chặt chẽ với nhau”.

Vào tháng 02/1961, Bác Hồ xác định: “Việc giáo dục trẻ con, mọi người đều phải đóng góp một phần, nhưng Đoàn Thanh niên phải là người phụ trách chính, Đảng thì phải ra sức giúp”. Bác cũng yêu cầu: “Ủy ban thiếu niên, nhi đồng, Đoàn Thanh niên, ngành giáo dục và các ngành, các đoàn thể cần phải có kế hoạch cụ thể chăm sóc, giáo dục các cháu càng ngày càng khỏe mạnh và tiến bộ”.

Theo Người, một trong những biện pháp quan trọng là tổ chức tốt phong trào thi đua trong thiếu niên, nhi đồng với những biện pháp, cách làm hiệu quả. Nói về cách tổ chức thi đua trong các nhà trường, năm 1948, Bác Hồ đề nghị: “Lớp này nên thi đua với lớp khác, trường này với trường khác, làm cho học trò thêm hăng hái”.

Trong bài 1/6 đăng trên Báo Nhân dân ngày 01/6/1955, Bác viết: “Phải vun trồng cho nhi đồng cái thói quen đoàn kết và tập thể, mở mang tính hăng hái và tính sáng tạo của nhi đồng. Làm cho nhi đồng dần dần có cái tư cách của con người mới: không sợ khó, không sợ khổ, bạo dạn, bền gan”.

Bác chỉ dẫn: Trong mọi việc, nên hướng dẫn các em tự động. Người lớn không nên cái gì cũng can thiệp, việc gì cũng bao biện; không nên gò ép, bó buộc; không nên làm cho các em câu nệ, khúm núm, thành những nhi đồng “già”.

Đảng, Nhà nước, nhân dân ta luôn quan tâm, giáo dục, giúp đỡ thiếu niên, nhi đồng trưởng thành, phát triển. Đặc biệt, Luật Trẻ em 2016 đã và đang được triển khai thực hiện rất tích cực, hiệu quả.

Trong đó có Điều 11 quy định cụ thể về Tháng hành động vì trẻ em, được tổ chức vào tháng 6 hằng năm “để thúc đẩy phong trào toàn dân chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; tuyên truyền, phổ biến, vận động cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân thực hiện chính sách, chương trình, kế hoạch, dự án, xây dựng các công trình và vận động nguồn lực cho trẻ em”.

Chúng ta tin tưởng, kỳ vọng và nỗ lực góp sức thực hiện tốt mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra: “Chăm lo bồi dưỡng, giáo dục, phát triển toàn diện và bảo đảm quyền của trẻ em; dành những điều kiện tốt nhất, sự chăm lo chu đáo nhất cho trẻ em - tương lai của đất nước”./.

Cùng chuyên mục
  • Ưu tiên nguồn lực tương xứng cho cải cách tiền lương
    10 tháng trước Đối nội
    (BKTO) - Mức lương trung bình của một công chức là trên dưới 10 triệu đồng. Trong khi đó, quy đổi ra tiền Việt Nam thì một công chức của Thái Lan thu nhập là 56,7 triệu đồng, Malaysia là 29 triệu đồng và Campuchia là 17 triệu đồng - đại biểu Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn TP.Hà Nội) dẫn chứng khi đề cập đến chính sách tiền lương của cán bộ, công chức.
  • Điều trị hiệu quả bệnh “sợ trách nhiệm”
    10 tháng trước Đối nội
    (BKTO) - Tình trạng một bộ phận cán bộ còn né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, sợ sai, thậm chí không muốn làm vì không có lợi ích riêng gây ách tắc công việc, cản trở sự phát triển là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội đề cập ngay đầu phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước (NSNN), sáng 31/5.
  • Tạo hành lang pháp lý đồng bộ trong lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm
    11 tháng trước Đối nội
    (BKTO) - Dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân (HĐND) bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi) vừa được trình Quốc hội tại phiên họp chiều 30/5, với nhiều điểm mới.
  • Tiếp tục thực hiện đầy đủ chính sách cho học sinh có hoàn cảnh đặc biệt
    11 tháng trước Chính trị
    (BKTO) - Chiều 30/5, tại Hà Nội, nhân Ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6 và Tháng hành động vì trẻ em năm 2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới thăm, tặng quà thầy cô giáo và các em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt tại Trường Phổ thông dân lập Hermann Gmeiner và Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập thuộc Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương.
  • Chủ tịch nước gặp mặt đại biểu người có công tỉnh Vĩnh Long
    11 tháng trước Chính trị
    (BKTO) - Sáng 30/5, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng gặp mặt Đoàn 70 đại biểu người có công tỉnh Vĩnh Long là các thương binh, bệnh binh, người từng bị tù đày, người nhiễm chất độc da cam/dioxin, thân nhân liệt sỹ và gia đình người có công.
Thiếu niên, nhi đồng Việt Nam với muôn vàn tình thân yêu của Bác Hồ