Ưu tiên nguồn lực tương xứng cho cải cách tiền lương

(BKTO) - Mức lương trung bình của một công chức là trên dưới 10 triệu đồng. Trong khi đó, quy đổi ra tiền Việt Nam thì một công chức của Thái Lan thu nhập là 56,7 triệu đồng, Malaysia là 29 triệu đồng và Campuchia là 17 triệu đồng - đại biểu Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn TP.Hà Nội) dẫn chứng khi đề cập đến chính sách tiền lương của cán bộ, công chức.

luu-mai.jpg
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai phát biểu thảo luận. Ảnh: VPQH

Phát biểu thảo luận chiều 31/5, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cho biết, tháng 10 tới đây, nếu được cơ quan có thẩm quyền cho phép thì Chính phủ sẽ trình Quốc hội phương án cải cách tổng thể tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 của Bộ Chính trị.

Đại biểu phân tích, tiền lương là chính sách vô cùng quan trọng. Một chính sách tiền lương đúng đắn có tác dụng thúc đẩy kinh tế phát triển. Ngược lại, một chính sách tiền lương bất hợp lý sẽ là rào cản đối với bước tiến dài xã hội.

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã luôn quan tâm đến đời sống người dân. Đến nay, chúng ta đã trải qua 4 lần cải cách tiền lương.
Tuy nhiên, mức lương cán bộ, công chức tại thời điểm hiện nay là khá thấp.

“Ta đang ở đâu trên bản đồ thu nhập thế giới. Sẽ là khập khiễng nếu như so sánh với các nước phát triển, song chỉ cần so với các nước trong khu vực thì cũng thấy một khoảng cách không nhỏ” - đại biểu nói.

Dẫn số liệu cụ thể, đại biểu cho biết, một sinh viên mới ra trường mức thu nhập là 3,480 triệu đồng, mức lương trung bình của một công chức là trên dưới 10 triệu đồng.

Trong khi đó, quy đổi ra tiền Việt Nam thì một công chức của Thái Lan thu nhập là 56,7 triệu đồng, Malaysia là 29 triệu đồng và Campuchia là 17 triệu đồng.

Nghị quyết 27 của Bộ Chính trị đã đề ra lộ trình cải cách rất cụ thể. Tuy nhiên, đến nay, sau 3 năm liên tiếp “lỡ hẹn” thì Chính phủ đã đề nghị lùi thời điểm thực hiện cải cách tiền lương. Nguyên nhân là do chúng ta cần tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển, cho chương trình phục hồi kinh tế.

Khẳng định đây là một chủ trương đúng đắn song đại biểu chỉ ra: Sau hơn 2 năm thực hiện, mặc dù Chính phủ đã quyết liệt đôn đốc, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cũng quyết liệt đôn đốc nhưng vẫn còn hơn 14.000 tỷ đồng vốn từ Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội chưa thể phân bổ; hơn 429.000 tỷ đồng vốn Kế hoạch đầu tư công trung hạn chưa được giao.

“Trong lúc chúng ta thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng để đầu tư phát triển thì một phần nguồn lực vẫn chưa được phát huy hiệu quả trong nền kinh tế. Đó là điều đáng tiếc” - đại biểu bày tỏ.

Nhấn mạnh điều mà cử tri quan tâm là nếu thực hiện cải cách tiền lương thì mức tăng sẽ là bao nhiêu, đại biểu Mai thực sự cần một sự thay đổi căn bản mang tính thực chất, không chỉ mang tính hình thức.

Có ý kiến đề xuất tăng ở mức 21%. Với mức này thì một người đang hưởng lương 10 triệu đồng thì cũng chỉ có thể tăng thêm 2,1 triệu đồng. Trong khi đó, Nghị quyết 27 của Bộ Chính trị mục tiêu rất rõ ràng, đó là tiền lương phải thực sự là nguồn lao động, là nguồn thu nhập chủ yếu và chính sách tiền lương phải bảo đảm hội nhập quốc tế” - đại biểu nêu.

Theo đại biểu, trong bối cảnh hội nhập thế giới, rào cản quốc gia không còn là vấn đề thì cuộc cạnh tranh để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao đang diễn ra gay gắt. Đặc biệt đối với các quốc gia đang đối mặt với già hóa dân số thì việc thu hút lao động nhập cư đang là chìa khóa cho tăng trưởng kinh tế.

“Nếu như không có một chính sách hợp lý thì chúng ta hoàn toàn có thể thua ngay trên sân nhà trong cuộc thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao”- đại biểu Mai nhấn mạnh.

Từ quan điểm trên, đại biểu kiến nghị cần thực hiện nghiêm quy định tại Nghị quyết 27. Theo đó, hằng năm cần dành 50% tăng thu dự toán, 70% tăng thu ngân sách thực hiện ngân sách địa phương và 40% tăng thu ngân sách trung ương để dành cho cải cách tiền lương.

Đồng thời, cần tuân thủ đúng trật tự ưu tiên trong phân bổ nguồn tăng thu theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, đó là ưu tiên cho chính sách tiền lương trước khi xem xét đến các dự án.

Cùng với đó, cần thực sự coi trả lương là một hình thức đầu tư cho con người, đầu tư cho tương lai và chỉ khi chúng ta có bước đầu tư tương xứng thì mới mang lại hiệu quả thiết thực.

“Đất nước chúng ta không thiếu người tài, không thiếu những người tâm huyết, muốn cống hiến ngay trên đất nước mình nhưng thực sự cần một chính sách đủ mạnh, tạo động lực, niềm tin cho người lao động” - đại biểu phát biểu./.



Cùng chuyên mục
  • Điều trị hiệu quả bệnh “sợ trách nhiệm”
    một năm trước Đối nội
    (BKTO) - Tình trạng một bộ phận cán bộ còn né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, sợ sai, thậm chí không muốn làm vì không có lợi ích riêng gây ách tắc công việc, cản trở sự phát triển là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội đề cập ngay đầu phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước (NSNN), sáng 31/5.
  • Tạo hành lang pháp lý đồng bộ trong lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm
    một năm trước Đối nội
    (BKTO) - Dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân (HĐND) bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi) vừa được trình Quốc hội tại phiên họp chiều 30/5, với nhiều điểm mới.
  • Kinh phí phòng chống dịch: Nhiều vướng mắc chưa được xử lý dứt điểm
    một năm trước Đối nội
    (BKTO) - Đoàn giám sát của Quốc hội kiến nghị các tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện nghiêm các kết luận, kiến nghị của cơ quan kiểm tra, kiểm toán, thanh tra; khẩn trương xử lý dứt điểm các vụ việc liên quan đến Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á theo chủ trương của Bộ Chính trị về phân loại xử lý tổ chức, cá nhân vi phạm.
  • Đề xuất tăng hạn tuổi phục vụ trong công an nhân dân
    một năm trước Đối nội
    (BKTO) - Tại Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân, Chính phủ đề xuất tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất của công nhân công an theo lộ trình, tính từ ngày 01/01/2021.
  • Giải quyết kiến nghị của cử tri: Không chỉ là trách nhiệm!
    một năm trước Đối nội
    (BKTO) - Nhiều đại biểu Quốc hội nhấn mạnh yêu cầu, việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri cần rõ ràng, đúng trọng tâm, trọng điểm, thực sự tháo gỡ được vướng mắc mà cử tri mong chờ.
Ưu tiên nguồn lực tương xứng cho cải cách tiền lương