Giám sát phải vì mục tiêu kiến tạo phát triển

(BKTO) – Khẳng định những đổi mới và kết quả nổi bật trong hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) trong năm 2022, tại Hội nghị triển khai Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023, nhiều giải pháp đã được các đại biểu kiến nghị, đề xuất nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác giám sát…



                
   

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, công tác giám sát năm 2022 đã đánh dấu sự đổi mới mạnh mẽ cả về tư duy và cách làm. Ảnh: VPQH

   

Đổi mới mạnh mẽ, toàn diện

Năm 2022, trong bối cảnh chịu nhiều tác động của đại dịch Covid-19, Quốc hội, UBTVQH vẫn kiên trì thực hiện mục tiêu “đổi mới và đẩy mạnh công tác giám sát là khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội”.

Nhấn mạnh điều này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định: Từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến nay và nhất là năm 2022 vừa qua đã đánh dấu sự đổi mới mạnh mẽ cả về tư duy và cách làm, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội. Quốc hội, UBTVQH, các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội đã triển khai đồng bộ hoạt động giám sát theo quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND.

Với tinh thần đó, công tác giám sát năm 2022 đã đạt nhiều kết quả nổi bật. Theo Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Minh, hoạt động giám sát của Quốc hội, UBTVQH năm 2022 đã có những đổi mới mạnh mẽ, thể hiện sự quan tâm, quyết liệt trong thực hiện trách nhiệm giám sát. Nội dung giám sát được lựa chọn “đúng” và “trúng” các chuyên đề đang được dư luận xã hội và cử tri, Nhân dân quan tâm. Chủ tịch Quốc hội và UBTVQH luôn quan tâm, chỉ đạo sát sao, có ý kiến cụ thể ngay từ bước chuẩn bị ban đầu và trong cả quá trình giám sát.

Trên cơ sở đó, hoạt động giám sát của Quốc hội và UBTVQH đã góp phần tạo sự chuyển biến tích cực trong việc chấp hành và thực hiện pháp luật của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, nhất là trên các lĩnh vực được giám sát, được dư luận và cử tri cả nước đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao.

“Nhiều Bộ, ngành, địa phương qua kết quả giám sát ban đầu của Đoàn giám sát đã chủ động ban hành kế hoạch, giải pháp, phân công trách nhiệm đối với từng tổ chức, cá nhân để chấn chỉnh, khắc phục ngay các tồn tại, hạn chế đã được Đoàn giám sát chỉ ra” – Phó Tổng Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh.

Từ góc độ địa phương, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn đánh giá, hoạt động giám sát chuyên đề của Quốc hội, UBTVQH, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội trong thời gian qua đã đổi mới cả về phương thức, nội dung và quy trình tổ chức thực hiện.

Giám sát chuyên đề tiếp tục đi vào chiều sâu, hiệu quả, rõ nét với những chuyên đề liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của Nhân dân; nội dung giám sát có trọng tâm, trọng điểm.

Thông qua hoạt động giám sát đã đánh giá được các tác động của cơ chế chính sách, tiếp tục phát huy những ưu điểm, kịp thời phát hiện hạn chế, bất cập, kiến nghị bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật, làm cơ sở cho việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, góp phần bảo đảm kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.

Đồng thời, công tác phối hợp giữa các Đoàn giám sát của Quốc hội, UBTVQH, các cơ quan của Quốc hội với Đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực HĐND, UBND các tỉnh, thành phố ngày càng chặt chẽ, chủ động hơn, sớm hơn và hiệu quả thiết thực.

Hay như chia sẻ của Phó Chủ tịch HĐND TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Dũng: Công tác triển khai thực hiện Chương trình giám sát của Quốc hội và UBTVQH năm 2022 được ban hành rất sớm đã tạo điều kiện để Thường trực HĐND Thành phố chủ động trong việc chỉ đạo điều hòa phối hợp hoạt động giám sát cũng như chuẩn bị các báo cáo phục vụ các đoàn giám sát.

Đặc biệt, HĐND Thành phố còn học tập kinh nghiệm của Quốc hội trong việc tổ chức các hoạt động giám sát nhằm nâng cao hiệu quả công tác giám sát của HĐND Thành phố, nhất là trong giai đoạn thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại TP. Hồ Chí Minh.

Đẩy mạnh giám sát phải là khâu trọng tâm, mũi nhọn

Để chương trình giám sát của Quốc hội, UBTVQH tiếp tục thực hiện có hiệu quả những tháng cuối năm 2022 và triển khai chương trình giám sát năm 2023, Phó Chủ tịch HĐND TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Dũng cho rằng, phải xác định tiếp tục đổi mới và đẩy mạnh công tác giám sát là khâu trọng tâm, mũi nhọn để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội trong thời gian tới; phải lựa chọn “trúng” vấn đề quan trọng của đất nước, các vấn đề mà thực tiễn phát sinh khi triển khai các nghị quyết của Quốc hội.
                
   

Toàn cảnh Hội nghị triển khai chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023. Ảnh: VPQH

   

Đồng thời, xây dựng chương trình giám sát bám sát tình hình thực tiễn, tập trung vào những vấn đề như: hoạt động của bộ máy nhà nước; việc ban hành và thực thi cơ chế, chính sách; hoạt động thuộc lĩnh vực tư pháp; giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Bảo đảm cân đối giữa các hoạt động giám sát.

Trong khi đó, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị, cần tiếp tục tăng cường các hoạt động giám sát, tập trung vào một số lĩnh vực như: công tác quy hoạch, công tác quản lý đất đai; các chính sách khuyến khích thu hút đầu tư; các chính sách an sinh xã hội…, cũng như việc thực hiện các kết luận giám sát nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả giám sát của Quốc hội và HĐND các cấp.

Đồng tình với các đề xuất trên, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng nhấn mạnh việc tăng cường giám sát của Quốc hội trong hoạt động phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

“Quốc hội, UBTVQH, các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội phải chú trọng nội dung phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, xác định đây là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng và được tiến hành toàn diện, công khai, có trọng tâm, trọng điểm; tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, dư luận quan tâm về tham nhũng, tiêu cực, về suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống” – Chủ tịch Quốc hội nói.

Chủ tịch Quốc hội cũng quán triệt quan điểm: Giám sát phải trên tinh thần hết sức xây dựng; giữa “xây” và “chống” thì xây vẫn là căn bản, lâu dài; chống là quyết liệt, triệt để, cấp bách; phải phát huy được những mô hình tốt, những cách làm hay, gương người tốt, việc tốt; đánh giá cân bằng, khách quan để tiếp tục hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật, tiếp tục nâng cao hiệu quả khâu tổ chức thực hiện, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng đất nước.

“Xây dựng pháp luật là để kiến tạo phát triển. Công tác giám sát cũng phải vì mục tiêu kiến tạo phát triển" - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Đồng thời, để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa Quốc hội với các tổ chức đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội trong hoạt động giám sát; tăng cường mối quan hệ phối hợp, cung cấp thông tin giữa Quốc hội với Ủy ban Kiểm tra các cấp của Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Kiểm toán nhà nước trong hoạt động kiểm soát quyền lực… Bên cạnh đó, sớm rà soát, tổng kết, đánh giá và nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định của pháp luật về hoạt động giám sát, đặc biệt là Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND để phù hợp với yêu cầu kiểm soát quyền lực trong tình hình mới./.
Đ. KHOA




Cùng chuyên mục
Giám sát phải vì mục tiêu kiến tạo phát triển