Thông tuyến phải đi đôi với nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế

(BKTO) - Tại cuộc họp về chuẩn bị thông tuyến khám, chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT) tuyến tỉnh từ năm 2021, diễn ra mới đây, đại diện Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam nhấn mạnh, cùng với việc thực hiện chính sách thông tuyến thì phải chú trọng việc nâng cao chất lượng KCB tuyến dưới, tránh tình trạng dồn bệnh nhân, gây quá tải tuyến trên.



                
   

Cần chuẩn bị các điều kiện để thực hiện thông tuyến tỉnh KCB BHYT từ ngày 01/01/2021 - Ảnh: ST

   

Theo quy định của Luật BHYT, từ ngày 01/01/2021 sẽ thực hiện chính sách thông tuyến tỉnh trong điều trị nội trú đối với KCB BHYT. Theo đó, người có thẻ BHYT tự đi KCB không đúng tuyến tại các cơ sở KCB tuyến tỉnh trên phạm vi toàn quốc được Quỹ BHYT chi trả chi phí điều trị nội trú theo phạm vi quyền lợi và mức hưởng (như đúng tuyến).

Báo cáo về công tác KCB khi thông tuyến BHYT, ông Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý KCB (Bộ Y tế) cho biết, thực tế, rất nhiều trường hợp đã vượt tuyến BHYT để KCB khiến bệnh viện tuyến tỉnh phải bù tới 40% chi phí. Do đó, các bệnh viện phải tăng cường việc điều trị cho bệnh nhân, không để bệnh nhân từ bệnh viện tuyến dưới vượt lên tuyến trên để điều trị, gây ra tình trạng quá tải…

Nhận định về khả năng xảy ra quá tải tại các bệnh viện tuyến trên khi thực hiện thông tuyến, chi phí y tế cũng tăng lên, tạo áp lực lớn lên Quỹ BHYT, ông Lê Văn Phúc- Trưởng Ban thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) đã đưa ra nhiều giải pháp tổng thể nhằm giải quyết tình trạng này.

Dẫn trường hợp Bệnh viện đa khoa tỉnh Nghệ An đã kê thêm hơn 2.000 giường bệnh, ông Phúc cho rằng, các bệnh viện tuyến tỉnh phải rà soát số giường bệnh, xem việc kê thêm giường có đảm bảo đúng quy định hay không. Bên cạnh đó, phải có giải pháp tránh tình trạng bác sĩ ở tuyến xã, tuyến huyện đổ lên bệnh viện tuyến tỉnh khi thông tuyến BHYT.

Đối với phương thức thanh toán BHYT cho người dân khi thông tuyến, ông Lê Văn Phúc cho biết, hiện nay, phương thức thanh toán BHYT theo định suất và nhóm chẩn đoán liên quan (DRG) vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Thực tế, khi thanh toán bằng DRG, tổng ngân sách cho hoạt động KCB ở bệnh viện sẽ được kiểm soát tốt hơn, nên cần đẩy mạnh phương thức thanh toán này.

Cũng theo ông Phúc, ngoài các giải pháp không chế dòng bệnh nhân dồn lên tuyến trên, Bộ Y tế và BHXH Việt Nam cần chung tay tuyên truyền, giúp người bệnh yên tâm KCB ở các bệnh viện tuyến dưới. Đồng thời, bệnh viện tuyến dưới phải không ngừng đầu tư nhân lực, vật lực để có đón tiếp, điều trị bệnh nhân một cách tốt nhất.

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long yêu cầu các đơn vị liên quan phải thúc đẩy quá trình thông tuyến BHYT. "Thông tuyến BHYT phải đi cùng với việc tăng cường chất lượng KCB cho người dân, nâng cao năng lực cho nhân viên y tế"- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Hiện nay, Vụ BHYT (Bộ Y tế) đang chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan hướng dẫn KCB BHYT thông tuyến tỉnh trên phạm vi toàn quốc bắt đầu từ ngày 1/1/2021. Sắp tới, Bộ Y tế sẽ giao nhiệm vụ cho Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố và Thủ trưởng y tế các Bộ, ngành tăng cường công tác tham mưu thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về BHYT, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, phổ biến chính sách, pháp luật BHYT.

Đồng thời, chỉ đạo các cơ sở KCB, đặc biệt là các cơ sở tuyến tỉnh tăng cường công tác quản lý, kiểm tra việc chỉ định điều trị nội trú, sắp xếp bố trí giường bệnh phù hợp với quy mô, trang thiết bị cũng như nhân lực hiện có; phối hợp với cơ quan BHXH cấp tỉnh chỉ đạo, tổ chức kiểm tra việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý và giám định, thanh toán chi phí KCB.

Lãnh đạo Bộ Y tế cũng yêu cầu các bệnh viện phải có kế hoạch kiểm tra, chấn chỉnh công tác tổ chức KCB; xây dựng và thực hiện đúng quy trình KCB theo quy định của Bộ Y tế; giám sát chặt chẽ việc chỉ định điều trị nội trú; xây dựng và trình cấp có thẩm quyền quyết định số lượng giường nội trú phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực, khả năng cung ứng dịch vụ của cơ sở; nâng cao chất lượng KCB, bố trí đủ nhân lực, đảm bảo chất lượng trong khám, tư vấn, chỉ định điều trị nội trú; có kế hoạch phối hợp và chủ động phối hợp với các cơ sở KCB khác, bao gồm cả cơ sở tuyến huyện để điều chuyển bệnh nhân khi quá tải.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long giao Cục Quản lý KCB sớm xây dựng, trình ban hành quy định về cơ sở KCB tuyến tỉnh; quy định số lượng giường bệnh của cơ sở KCB phù hợp với nhân lực, trang thiết bị, cơ sở vật chất…/.

KIM AN
Cùng chuyên mục
  • Bảo hiểm xã hội tự nguyện: Điểm tựa vững chắc cho người lao động tự do khi về già
    3 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Không có nguồn thu nhập ổn định, không nơi nương tựa là những rủi ro, thiệt thòi của người lao động tự do khi về già. Hiểu được điều này không ít người trong số họ đã lựa chọn tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện để được hưởng trợ cấp, có lương hưu, ổn định cuộc sống sau này.
  • Đổi mới giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới
    3 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Trường đại học vẫn được ví là “cái nôi” đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong giai đoạn mới, các đại biểu Quốc hội, các nhà quản lý giáo dục cho rằng, bên cạnh việc đẩy mạnh tự chủ, cần quan tâm và có chính sách thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong trường đại học.
  • Bắc Kạn: Nhiều khó khăn trong công tác phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội
    3 năm trước Xã hội
    (BKTO)- Năm 2019, tốc độ phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn âm. Năm 2020, tính đến tháng 10, số người tham gia BHXH bắt buộc, BHTN cũng chưa đạt so với kế hoạch; thậm chí, số người tham gia BHXH bắt buộc đang có chiều hướng giảm mạnh.
  • Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng giành giải Nhất cuộc thi Startup Kite
    3 năm trước Xã hội
    (BKTO)- Chiều 24/11, lễ trao giải Cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp (Startup Kite) năm 2020 và lễ bế mạc Ngày hội quốc gia khởi nghiệp học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp (GDNN) năm 2020 đã được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh.
  • TP. Hà Nội: Quyết liệt thu hồi, xử lý nợ đọng bảo hiểm xã hội
    3 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Hiện nay, trên địa bàn TP. Hà Hội tình trạng các DN chậm nộp, trốn tránh hoặc trì hoãn việc đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) vẫn diễn ra phổ biến. Trong tháng cuối năm 2020, BHXH Thành phố sẽ tập trung đợt cao điểm thanh tra, kiểm tra (TTKT) các đơn vị nợ BHXH, với quyết tâm giảm nợ đọng xuống mức thấp nhất, bảo vệ quyền lợi người lao động (NLĐ).
Thông tuyến phải đi đôi với nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế