Doanh nghiệp chưa mặn mà
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) Hoàng Trung cho biết: Ngành nông nghiệp đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp gần 15% GDP của quốc gia. Trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn và thách thức, tăng trưởng GDP toàn ngành năm 2023 ước đạt 3,83%, cao nhất trong nhiều năm gần đây. Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt trên 53 tỷ USD, thặng dư thương mại đạt mức kỷ lục 12 tỷ USD…
Đặc biệt, ngành nông nghiệp đang chuyển đổi mạnh từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế, từ phát triển đơn ngành sang hợp tác, đa ngành; thúc đẩy tích hợp đa giá trị trong sản phẩm nông, lâm, thủy sản, dựa trên khai thác hiệu quả nguồn lực khoa học công nghệ... Trong đó, các DN tiếp tục khẳng định vai trò là “cầu nối” giúp nền nông nghiệp hướng đến sản xuất bền vững.
Nông nghiệp là lĩnh vực giàu tiềm năng, song để thực sự thu hút DN tham gia, cần có sự đổi mới từ nhận thức, cách làm, bắt đầu từ Nhà nước đến người nông dân, với sự vào cuộc đồng hành của chính DN. Trong đó, cần chú trọng thu hút đầu tư vào phát triển nông nghiệp tuần hoàn, hướng tới những “giá trị xanh”, để tạo ra
các sản phẩm gia tăng có giá trị cao.Ông Hoàng Trung - Thứ trưởng Bộ NNPTNT
Dẫn chứng về sự chuyển mình của ngành nông nghiệp có sự đóng góp to lớn của DN, Viện trưởng Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam Nguyễn Hồng Sơn cho biết, trong năm 2023, sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn trong thực hiện mục tiêu đề ra, từ việc gián đoạn vận tải, thị trường tiêu thụ giảm… song các DN với sự nhạy bén về thị trường và khả năng tiếp cận công nghệ tốt đã chủ động tìm kiếm thị trường mới; ứng dụng công nghệ hiện đại để nâng cao chất lượng sản phẩm. “DN đóng vai trò là nhà đầu tư, người tổ chức sản xuất đã tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, bảo đảm thị trường tiêu thụ trong chuỗi liên kết” - ông Sơn cho biết.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thu hút DN vào nông nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng, kỳ vọng. Hiện trên cả nước, số DN đầu tư vào nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 10% tổng số DN đang hoạt động. Theo Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NNPTNT) Nguyễn Văn Việt, mặc dù lĩnh vực nông nghiệp có nhiều tiềm năng, nhưng việc thu hút các DN tham gia đầu tư vẫn còn khó khăn. Nguyên nhân là do tỷ lệ sinh lãi từ nông nghiệp đạt thấp, rủi ro cao, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng nhiều bởi yếu tố thời tiết và dịch bệnh; quy hoạch sử dụng đất ở nhiều địa phương chưa ổn định nên chưa tạo được sự an tâm cho DN đầu tư vào những dự án đòi hỏi mất nhiều thời gian mới thu được kết quả.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng, cơ chế, chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp được ban hành rất nhiều, nhưng DN khó tiếp cận bởi những quy định và hàng loạt ràng buộc rất phức tạp, nhất là các chính sách hỗ trợ về tín dụng, đất đai. Trong khi các địa phương - chủ thể có tác động chính đến DN chưa thực sự quan tâm hỗ trợ và đồng hành cùng DN… Tất cả những vấn đề này đang tạo nên “điểm nghẽn” khiến DN chưa mặn mà đầu tư vào nông nghiệp.
Thu hút doanh nghiệp, chú trọng phát triển xanh, đa giá trị
So với yêu cầu và tiềm năng to lớn của nông nghiệp Việt Nam hiện nay, dư địa đầu tư vẫn còn rất lớn. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, ngành nông nghiệp đang đứng trước yêu cầu phải tái cơ cấu để nâng cao chất lượng và hiệu quả, đặc biệt là hướng đến phát triển xanh, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường và tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm của quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng nông nghiệp.
Các chuyên gia cho rằng, để thu hút đầu tư, thu hút DN, việc tạo dựng hành lang pháp lý, đặc biệt là cơ chế, chính sách ưu đãi là yêu cầu đầu tiên. Yêu cầu này càng quan trọng đối với DN hoạt động có thế mạnh về công nghệ, đặc biệt là công nghệ chế biến; doanh nghiệp có xu hướng phát triển xanh... Các chính sách phải hài hòa, đồng bộ về quy hoạch nông nghiệp định hướng phát triển bền vững tránh xung đột về môi trường và nguồn lực. Bên cạnh đó, cần chú trọng các chính sách khuyến khích DN sử dụng công nghệ theo hướng giảm thiểu phát thải; có cơ chế về tín dụng cho các DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp bền vững. “Đây là các giải pháp đòi hỏi phải được thực hiện đồng bộ, với sự vào cuộc từ Nhà nước, DN, người sản xuất và các thành phần trong chuỗi giá trị” - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn Lê Đức Thịnh nhấn mạnh.
Theo TS. Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, đối với lĩnh vực có nhiều rủi ro như nông nghiệp, việc ban hành các chính sách thu hút là chưa đủ mà cần phải tạo dựng lòng tin cho DN. Các cơ quan quản lý nhà nước phải xác định đồng hành với DN, để khó ở đâu cùng gỡ ở đó; việc thi hành các chính sách phải thông suốt, nhất quán…
Còn theo Cục trưởng Cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT) Trần Quang Bảo, cùng với việc khơi thông điểm nghẽn chính sách, các địa phương, cơ quan cần tăng cường trao đổi để DN, người dân thấy được tiềm năng, lợi thế, đặc biệt là tính đa giá trị trong nông nghiệp mà DN, người dân đều có thể tham gia. Đơn cử, năm 2023, lần đầu tiên Việt Nam bán thành công 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng thông qua Ngân hàng Thế giới với đơn giá 5 USD/tấn, thu về 51,5 triệu USD (khoảng 1.250 tỷ đồng)… “Đây là triển vọng rất lớn mà các DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp có thể tham gia cùng khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên này, hướng tới phát triển một nền nông nghiệp xanh, bền vững” - ông Bảo cho biết./.