Thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn

(BKTO)- Thu hút DN tăng cường đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; phát triển thị trường nông sản tránh tình trạng “được mùa mất giá”; nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới… là những vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội đặt ra tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường.



Doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp còn khiêm tốn

Chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, đại biểu Phạm Thị Thu Trang (Quảng Ngãi) đặt vấn đề: Trong tái cơ cấu nông nghiệp, vai trò của DN là rất quan trọng trong tổ chức sản xuất, đầu tư công nghệ, nâng cao năng suất, giá trị nông sản và phát triển thị trường. Đề nghị Bộ trưởng đánh giá tình hình và giải pháp nhằm thu hút các DN tăng cường đầu tư vào nông nghiệp nông thôn.
                
   

Đại biểu Phạm Thị Thu Trang đặt câu hỏi chất vấn- Ảnh:quochoi.vn

   

Trả lời câu hỏi trên, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, nhằm tạo thuận lợi và khuyến khích DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, Chính phủ đã ban hành Nghị định 57/2018/NĐ-CP (Nghị định 57) thay thế Nghị định 210/2013/NĐ-CP. Sau khi Nghị định được ban hành tất cả các tỉnh, thành phố đã tập trung triển khai thực hiện và đã đạt những kết quả đáng mừng.

“Chỉ trong vòng 3 năm vừa qua số DN đầu tư trực tiếp vào khu vực nông nghiệp của chúng ta đã tăng 3 lần, từ hơn 3.000 DN, đến nay chúng ta đã có 11.800 DN đầu tư vào khu vực nông nghiệp; đó là một thành công bước đầu của chúng ta”- Bộ trưởng nói.

Hầu hết các tập đoàn lớn đã hướng đến khu vực nông nghiệp, như TH, Vinamilk, Vingroup, FLC và một loạt các DN lớn khác, tạo nên một hạt nhân trong chuỗi liên kết ứng dụng khoa học, công nghệ để tập trung phát triển lĩnh vực nông nghiệp hàng hóa. Đây là thành công lớn của Chính phủ. Các DN này được rải khắp các vùng miền, trên tất cả các lĩnh vực từ sản xuất trực tiếp tới chế biến và tổ chức thương mại.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng nhìn nhận, số DN này chưa đáp ứng được yêu cầu. Bởi vì, với 11.800 DN cộng với 49.000 DN gián tiếp thì khu vực nông nghiệp chỉ có 8% trong tổng số 750.000 DN của Việt Nam. Con số này còn ít so với sự cần thiết phải là hạt nhân cho 8,6 triệu hộ nông dân.

Về giải pháp tăng cường số lượng DN, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, cần tiếp tục có những chính sách, đặc biệt là việc thông qua Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, để huy động đầu tư công - tư.
                
   

Bộ trưởng NGuyễn Xuân Cường trả lời chất vấn- Ảnh:quochoi.vn

   

“Nếu chúng ta có được những khung khổ pháp lý tốt, đặc biệt là hướng đầu tư công- tư, chúng tôi tin tưởng rằng sẽ có tiếp một làn sóng đầu tư của các DN vào khu vực nông nghiệp vốn rất khó khăn nhưng vẫn còn dư địa”- Bộ trưởng chia sẻ.

Tham gia giải trình làm rõ thêm vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, các chính sách về thu hút đầu tư của các DN trong lĩnh vực nông nghiệp đến nay đã tương đối đầy đủ. Cùng với Nghị định số 57 đang được triển khai rất tích cực, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 53/NQ-CP ngày 17/7/2019 nhằm triển khai tiếp tục các chính sách của Nghị định số 57.

Với chức năng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng cho biết, Bộ sẽ tham mưu cho Thủ tướng để rà soát quá trình triển khai giải pháp và đã quy định trong Nghị định số 57 và Nghị quyết 83/NQ-CP. Đồng thời, Bộ sẽ tham mưu, bố trí các nguồn lực đầu tư cho giai đoạn tới. Theo đó, tất cả chính sách cần phải đầu tư theo Nghị định số 57 sẽ được triển khai vào giai đoạn sắp tới 2021-2025. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tổng hợp nhu cầu của các địa phương và theo các chính sách của Nghị định số 57.

Đẩy mạnh khâu chế biến đế tránh tình trạng "được mùa mất giá"

Giải đáp băn khoăn của đại biểu Chau Chắc (An Giang), Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) và đại biểu Ngô Thanh Danh (Đoàn Đắk Nông) về tình trạng giá nông sản còn bấp bênh, tình trạng được mùa mất giá và giải cứu nông sản còn tái diễn ở nhiều địa phương, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, sức sản xuất của ngành nông nghiệp hiện nay rất lớn song khâu chế biến và tổ chức thương mại còn bất cập. Một số mặt hàng phát triển quá nóng, ví dụ sản lượng hạt tiêu lên tới 350.000 tấn, chiếm 60% sản lượng thế giới, dẫn tới dư thừa.
                
   

Đại biểu Chau Chắc đặt câu hỏi chất vấn- Ảnh: quochoi.vn

   

Theo Bộ trưởng, nếu không có chế biến vào thì không thể nào dập được chuyện hôm nay được ngày mai lại mất. Bởi nền kinh tế thị trường thì tuân thủ theo thị trường cũng rất khó, không ai dự báo được mai, ngày kia nó là cái gì, giá như thế nào.

Về giải pháp cho vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, cần tập trung tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp, tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết để giảm dần hiện tượng “được mùa mất giá” trong đó, đẩy mạnh khâu chế biến và tổ chức thương mại. “Chúng ta phải quyết liệt để làm sao cố gắng không chỉ cây hạt tiêu, cây công nghiệp mà các cây khác cũng vậy, trên nguyên tắc lợi gì ta làm, thị trường cần gì ta làm, đi sâu vào chế biến và tổ chức thị trường. Có như vậy chúng ta mới đảm bảo được hiệu quả cho sản xuất bền vững”- Bộ trưởng nhấn mạnh.

N. HỒNG
Cùng chuyên mục
Thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn