Thu hút nhà đầu tư chiến lược thông qua các cơ chế đặc thù

(BKTO) - Giai đoạn 2021 - 2025, Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu thu hút từ 30 - 40 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI); vốn giải ngân đạt từ 20 - 30 tỷ USD.

khcn-.jpg
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã đưa ra các chính sách, giải pháp thu hút nhà đầu tư chiến lược vào các lĩnh vực công nghệ cao. Ảnh: hhtp.gov.vn

Thu hút FDI chưa tương xứng tiềm năng

Hà Nội đang là một trong những địa phương thu hút vốn FDI lớn nhất trong cả nước. Theo Cục Thống kê Thành phố Hà Nội, trong tháng 10/2023, Thành phố thu hút 80,2 triệu USD vốn FDI.

Trong đó có 41 dự án FDI được cấp phép mới với tổng vốn đăng ký đạt 51,2 triệu USD; 11 dự án được điều chỉnh tăng vốn đầu tư với số vốn đăng ký tăng thêm đạt 26,7 triệu USD; nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần 18 lượt, đạt 2,3 triệu USD.

Tính chung 10 tháng năm 2023, toàn Thành phố thu hút 2,607 tỷ USD vốn FDI, trong đó: Đăng ký cấp mới 346 dự án với số vốn đạt 321 triệu USD; 141 lượt dự án bổ sung tăng vốn đầu tư với 242 triệu USD; 274 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần đạt 2.044 triệu USD.

Kết quả này đạt được là nhờ Thành phố luôn chủ động tổ chức khảo sát, nắm bắt, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc và đề xuất của doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài, tập trung giải quyết và đề xuất cơ quan có thẩm quyền giải quyết ngay các kiến nghị liên quan.

Tuy nhiên, theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, việc thu hút vốn FDI của Thành phố còn một số vướng mắc. Theo đó,  về quy hoạch, Hà Nội đang triển khai quy hoạch Thủ đô, điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Thủ đô dẫn tới một số dự án đã được cấp phép chậm triển khai thực hiện do phải điều chỉnh cho phù hợp với quy hoạch cấp cao hơn; công tác xây dựng các danh mục dự án kêu gọi thu hút đầu tư gặp nhiều khó khăn.

Theo TS. Nguyễn Đức Kiên - nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Hà Nội có tốc độ tăng trưởng cao hơn mức bình quân của cả nước nhưng chưa xứng với tiềm năng, còn rất nhiều dư địa. Một số chỉ tiêu nhiệm vụ trong công tác quy hoạch của Thành phố chưa đạt yêu cầu về tiến độ.

Chất lượng của một số đề án quy hoạch, quản lý quy hoạch còn hạn chế, tỷ lệ đô thị hóa thấp, phát triển chưa đồng đều; các vấn đề về ô nhiễm môi trường, di dời các cơ sở y tế, giáo dục ra khỏi nội đô, cải tạo chung cư cũ còn tồn đọng... Do đó, phải có cơ chế phù hợp giúp Thủ đô tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, giải quyết được những hạn chế hiện nay. 

Nhiều chính sách ưu đãi thu hút nguồn lực phát triển Thủ đô

Luật Thủ đô (sửa đổi) nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 15-NQ/TW theo hướng khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của Thủ đô, kết hợp với nguồn lực của cả nước và quốc tế. Xây dựng và phát triển  Hà Nội với vai trò đô thị đặc biệt, trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ và hội nhập quốc tế; trở thành đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn; phát triển nhanh, bền vững… 

Trên cơ sở đó, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã đưa ra các chính sách, giải pháp thu hút nguồn lực phát triển Thủ đô, đặc biệt là thu hút nhà đầu tư chiến lược vào các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ thông tin, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo; sử dụng công nghệ cao, tiên tiến trong lĩnh vực môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, xử lý chất thải, nước thải;  phát triển làng nghề truyền thống.

Các mức ưu đãi đầu tư được đưa ra gồm: miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước 10 năm và giảm 50% tiền thuê đất, thuê mặt nước cho thời gian còn lại; áp dụng mức thuế suất 5% thuế thu nhập doanh nghiệp, trong đó, được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời gian 4 năm và giảm 50% số thuế thu nhập phải nộp trong 9 năm tiếp theo.

Thời gian miễn thuế, giảm thuế đối với thu nhập của doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư mới quy định tại khoản này được tính từ năm đầu tiên có thu nhập chịu thuế từ dự án đầu tư. Ngoài ra còn được hỗ trợ phát triển nhân lực; hạ tầng và các công trình hạ tầng xã hội; chi phí hỗ trợ cho các sản phẩm công nghệ cao; nghiên cứu và phát triển.

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cho phép HĐND Thành phố quyết định việc sử dụng ngân sách để đầu tư các dự án liên tỉnh trong vùng Thủ đô và hỗ trợ các địa phương phát triển. Bên cạnh đó, nhằm thu hút đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, Dự thảo Luật còn quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù.

Cụ thể như: cho phép tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công; mở rộng phạm vi áp dụng PPP trong lĩnh vực văn hóa, thể thao; phân quyền cho HĐND Thành phố quy định quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP trong lĩnh vực y tế, giáo dục, đào tạo, văn hóa, thể thao nhằm huy động nguồn lực từ xã hội để đầu tư xây dựng, nâng cấp các công trình văn hóa, thể thao của Thủ đô...

Với những cơ chế đặc thù mới tại Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), cùng với những quyết tâm, giải pháp tổng thể, đồng bộ, Hà Nội được kỳ vọng sẽ vươn lên tầm cao mới, phát huy tiềm năng, lợi thế của mình, hứa hẹn trở thành điểm đến của các nhà đầu tư./.

Cùng chuyên mục
Thu hút nhà đầu tư chiến lược thông qua các cơ chế đặc thù