Điều chỉnh cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư các dự án PPP

(BKTO) - Chiều 06/11, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng đã lý giải về những khó khăn trong thực hiện dự án PPP cũng như các giải pháp nhằm thu hút đầu tư theo hình thức này.

061120230409-bt-nguyen-van-thang-2-.jpg
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ảnh: VPQH

Vẫn khó thu hút đầu tư PPP

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, từ khi Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) được ban hành, việc thu hút các dự án PPP chưa được nhiều, chưa hiệu quả.

Theo Bộ trưởng, nguyên nhân khách quan dẫn đến tình trạng này là do tình hình kinh tế trong nước cũng như quốc tế rất khó khăn, do vậy nhiều doanh nghiệp cũng gặp khó khăn.

Bên cạnh đó, đầu tư PPP trong lĩnh vực hạ tầng giao thông lợi nhuận đem lại không cao, trong khi nhiều vấn đề rủi ro có thể xảy ra liên quan đến hiệu quả các dự án.

“Hiện nay, các nhà đầu tư thu hồi vốn trên cơ sở lưu lượng xe. Cả nước có khoảng 5,2 triệu xe ôtô, trong đó lại phân bố không đồng đều, chủ yếu là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh; cho nên, đây cũng là một yếu tố bất lợi đối với nhà đầu tư” - Bộ trưởng dẫn chứng.

Cũng theo Bộ trưởng, hiện nay, quy định liên quan đến tỷ lệ vốn nhà nước tham gia các dự án PPP cho hạ tầng giao thông chưa hấp dẫn. Tối đa là Nhà nước hỗ trợ 50%, trong khi nhiều dự án chi phí dành cho giải phóng mặt bằng rất lớn, vì vậy, phần vốn nhà nước thực chất hỗ trợ cho doanh nghiệp không nhiều và đây là một bất lợi.

Ngoài ra, Bộ trưởng cho rằng, một số vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách cũng cần phải nhìn nhận và điều chỉnh. Chẳng hạn, nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào các dự án PPP sẽ đòi hỏi phải có bảo lãnh về doanh thu của Chính phủ và phải đảm bảo việc chuyển đổi ngoại tệ khi nhà đầu tư thu hồi vốn.

Hay một vấn đề rất lớn mà các nhà đầu tư cả trong nước và nước ngoài đều rất quan ngại, đó là vấn đề liên quan đến giải phóng mặt bằng. Thường thì các dự án PPP của các nước khác bao giờ cũng tách ra phần giải phóng mặt bằng làm trước, khi doanh nghiệp tham gia PPP, chỉ tập trung vào việc triển khai dự án.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, những vấn đề này đã được Bộ Giao thông vận tải nhận diện và sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như các Bộ, ngành liên quan để trình Chính phủ tiếp tục có những điều chỉnh về cơ chế, chính sách pháp luật để thu hút các nhà đầu tư.

Ngay trong Kỳ họp này, Chính phủ đã trình Quốc hội để có những tháo gỡ, nâng tỷ lệ vốn nhà nước hỗ trợ cho các nhà đầu tư lên mức cao hơn. “Để đạt được mục tiêu chắc cũng còn nhiều việc phải làm trong thời gian tới, Bộ Giao thông cũng nhận trách nhiệm để làm sao sắp tới phải có những kết quả về vấn đề này” - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói.

Sớm giải quyết vướng mắc tại 8 dự án BOT

Cũng liên quan đến các dự án PPP, đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn Đồng Nai) chất vấn, tại Nghị quyết số 62/2022/QH15 về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã giao nhiệm vụ, trong năm 2022 phải giải quyết dứt điểm những vướng mắc, bất cập về trạm thu phí dự án BOT.

061120230422-trinh-xuan-an.jpg
Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải. Ảnh: VPQH

Trong hơn một năm qua, mặc dù Bộ Giao thông vận tải nỗ lực triển khai thực hiện nhưng vẫn chưa hoàn thành.

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp và thời gian cụ thể để hoàn thành nhiệm vụ xử lý 8 dự án BOT, trong đó nhu cầu vốn nhà nước dự kiến là 10.342 tỷ đồng?

Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, khi thực hiện Nghị quyết 62 của Quốc hội, Bộ đã quyết liệt, phối hợp với các Bộ, ngành địa phương để tháo gỡ khó khăn cho các dự án BOT có vấn đề; trong đó có 8 dự án BOT với tổng chi phí dự kiến hơn 10.000 tỷ đồng.

Nội dung này đã được Bộ Giao thông vận tải triển khai từ rất lâu, nhưng có nhiều vấn đề phức tạp cần tháo gỡ. Bộ và Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.

Tháng 11/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải giải trình một số vấn đề cần thiết, như: ngoài 8 dự án này thì ở địa phương còn bao nhiêu dự án? Quan điểm liên quan đến nguồn vốn để giải quyết lấy từ đâu, từ nguồn tăng thu hay từ đầu tư công?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng thông tin, về pháp lý, cả 8 dự án này đều triển khai trước khi Luật PPP có hiệu lực, các vấn đề pháp lý tương đối vướng mắc. Chủ thể các dự án này không chỉ liên quan đến nhà đầu tư mà liên quan đến cả các ngân hàng. Khi làm việc, Bộ đề nghị nhà đầu tư phải hy sinh lợi nhuận, còn ngân hàng phải hy sinh lãi suất để bảo toàn và thu hồi vốn.

Hiện nay, Bộ Giao thông vận tải đang giải trình để báo cáo Quốc hội. Trong 8 dự án, có 5 dự án đề nghị Nhà nước mua lại và 3 dự án đề nghị được hỗ trợ. Về tiến độ, đến nay là tương đối chậm, Bộ sẽ cố gắng tham mưu, giải trình để Chính phủ trình Quốc hội sớm giải quyết - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho hay./.

Cùng chuyên mục
Điều chỉnh cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư các dự án PPP