Vựa trái cây và nỗi lo hạn, mặn
Theo số liệu của Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), năm 2023, ước sản lượng các loại cây ăn trái chính (như xoài, chuối, thanh long, cam, quýt, bưởi, nhãn, chôm chôm, sầu riêng, mít) toàn vùng ĐBSCL đạt 5,335 triệu tấn, tăng hơn 1 triệu tấn so với năm 2022 (chiếm 60% sản lượng trái cây của cả nước).
Đây được đánh giá là năm thắng lớn của sầu riêng khi kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đạt 2,3 tỷ USD, trong đó riêng khu vực ĐBSCL đã đóng góp đến gần 2/3 giá trị. Chưa kể hàng loạt các sản phẩm hoa quả chủ đạo của vùng hiện có mặt phổ biến tại thị trường các nước như châu Âu, Hàn Quốc, Trung Quốc…
Tuy nhiên, tình trạng xâm nhập mặn, kéo theo hạn hán đang đe dọa trực tiếp đến sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng trái cây tỷ đô này.
Là một trong những nhà vườn trái cây lớn ở "vương quốc trái cây" Tiền Giang, trong đó chủ đạo là sầu riêng, anh Phạm Văn Tâm (ấp Phú Hưng, xã Phú Quý, Thị xã Cai Lậy) cho biết, trong đợt hạn, mặn cao điểm năm 2020, vườn sầu riêng của gia đình bị ảnh hưởng nặng nề. Số cây còn sống chưa kịp phục hồi, thì nay, những cảnh báo về xâm nhập mặn khiến gia đình đứng ngồi không yên.
Từ nay đến cuối mùa hạn mặn năm 2024 lượng dòng chảy từ thượng nguồn Mê Công về ĐBSCL tiếp tục thiếu hụt so với trung bình nhiều năm và sẽ còn 1 đợt xâm nhập mặn tăng cao (từ 6-12/5). Các tỉnh bị tác động nhiều nhất gồm Tiền Giang, Bến Tre, Hậu Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng và Cà Mau.
Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia
Lo lắng, tìm mọi phương án để ngăn mặn cũng là điều duy nhất mà các hộ dân tại Tiền Giang, cũng như vùng ĐBSCL có thể làm lúc này, trước sự gia tăng của tình trạng hạn hán và sự xâm nhập mặn vào sâu trong vùng sản xuất.
Qua theo dõi, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia (Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, xâm nhập mặn năm nay ở mức cao hơn trung bình nhiều năm và của năm 2023. Xâm nhập mặn sâu nhất xuất hiện từ ngày 8-13/3 vào sâu 40-66km. Tại tỉnh Tiền Giang và Bến Tre đã vào sâu tới 70-76 km tùy theo sông. Đây cũng chính là những địa phương có diện tích sầu riêng trong tốp đầu cả nước.
“Mang giá trị kinh tế cao, song sầu riêng lại kém khả năng chống chịu hạn, mặn. Nếu tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài sẽ ảnh hưởng lớn đến mùa thu hoạch sầu riêng đang đến gần” - Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Như Cường cho biết.
Trước tình trạng xâm nhập mặn đến sớm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang Trần Hoàng Nhật Nam cho biết, ngày 5/4, tỉnh đã công bố tình huống khẩn cấp về xâm nhập mặn, thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô năm 2024, đặc biệt là tại Tân Phú Đông - huyện bị ảnh hưởng nghiêm trọng tình hình hạn hán, xâm nhập mặn hằng năm.
Dù chưa đến mức báo động, song Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre Bùi Văn Thắm nhận định mùa khô năm 2023-2024 trên địa bàn tỉnh xâm nhập mặn sớm, sâu và kéo dài hơn so với trung bình nhiều năm, ở mức xấp xỉ mùa khô năm 2015-2016.
Tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn này cũng được đề cập trong Báo cáo chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam năm 2023 (PAPI 2023) vừa công bố, khi nhóm nghiên cứu dựa trên kết quả khảo sát của các hộ dân nhấn mạnh: một trong những tác động đáng lo ngại nhất của biến đổi khí hậu là tình trạng xâm nhập mặn ở các vùng đất sản xuất nông nghiệp, đặc biệt ở ĐBSCL.
Chủ động ngăn mặn, chống “khát” bên dòng Cửu Long
Tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn vùng ĐBSCL đang trong mùa cao điểm đặt ra những yêu cầu về giải pháp hữu hiệu để giảm thiểu tối đa của tình trạng này đến đời sống của người dân, cũng như hoạt động sản xuất, đặc biệt là trồng cây ăn trái.
Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam Nguyễn Hồng Sơn cho biết, tình trạng xâm nhập mặn tại ĐBSCL ngày càng có chiều hướng gia tăng, kéo theo đó là hạn hán khiến cho lợi thế trồng cây ăn trái của vùng bị giảm sút nghiêm trọng, từ đó ảnh hưởng rất lớn đến sự tăng trưởng của ngành nông nghiệp cả nước.
Về giải pháp, theo GS. Nguyễn Hồng Sơn thì có nhiều, bước đầu mang lại hiệu quả song chưa triệt để. Trong đó một số giải pháp đang được chính quyền thực hiện như xây cống điều tiết ngăn mặn, xây hồ chứa nước…
"Đây là lúc cần ứng dụng triệt để công nghệ, kỹ thuật mới vào sản xuất để khắc phục tình trạng quá phụ thuộc vào thời tiết của vùng, từ việc xây dựng hệ thống tưới tiêu, xử lý mặn và phát triển các giống cây có khả năng thích ứng điều kiện tại đây" - GS. Nguyễn Hồng Sơn cho biết.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang Trần Hoàng Nhật Nam cho biết, trong trường hợp hạn hán và xâm nhập mặn có diễn biến phức tạp hơn, tỉnh sẽ triển khai phương án dự phòng là đắp 3 đập thép tại đầu các sông: Trà Tân, Ba Rày và Phú An thông ra sông Tiền nhằm ngăn không cho nước mặn xâm nhập vào nội đồng, đồng thời trữ ngọt, phòng chống hạn, đảm bảo sản xuất, nhằm bảo vệ hữu hiệu vùng trồng cây ăn quả đặc sản có giá trị kinh tế cao.
Các hộ nông dân cũng được khuyến cáo nạo vét ao mương vườn trữ ngọt phục vụ tưới tiêu phòng chống hạn mặn, áp dụng đồng bộ các biện pháp chăm sóc cây trồng trong mùa hạn mặn kết hợp xử lý cho trái rải vụ, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai.
Tại TP. Cần Thơ, dù không bị ảnh hưởng bởi nước mặn xâm nhập nhưng cũng đang đối mặt với tình trạng khô hạn. Để phát huy hiệu quả vườn cây ăn trái và tránh các thiệt hại có thể xảy ra, thời gian qua ngành nông nghiệp TP Cần Thơ đã quan tâm hỗ trợ, đảm bảo nguồn nước tưới, cũng như áp dụng các giải pháp tưới nước tiết kiệm; vận hành tốt các công trình thủy lợi và thường xuyên rà soát, nạo vét kênh mương thủy lợi tạo nguồn để đảm bảo nước tưới tiêu phục vụ trồng cây ăn trái và sản xuất nông nghiệp nói chung.
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre Bùi Văn Thắm, nhằm chủ động ứng phó tình hình xâm nhập mặn, tỉnh Bến Tre và các sở, ngành có liên quan đã chủ động xây dựng kế hoạch, phương án cấp nước không nhiễm mặn để phục vụ nhu cầu sử dụng nước của nhân dân.
Các đơn vị cấp nước đã chủ động thực hiện đo, kiểm tra độ mặn và có kế hoạch lấy nước phù hợp với diễn biến xâm nhập mặn, cung cấp số liệu đo mặn cho các địa phương và người dân biết để có kế hoạch trữ, sử dụng nước ngọt hợp lý...
Tại buổi làm việc với tỉnh Bến Tre về công tác phòng, chống hạn mặn trên địa bàn mới đây, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp yêu cầu, trong sản xuất nông nghiệp cần bảo đảm tuyệt đối cho vùng sản xuất cây ăn trái, cây giống, lúa…
Đối với các công trình ngăn mặn cần sớm thi công, hoàn thành như dự án JICA 3, vàm Nước Trong… để đến năm 2026-2027 địa phương cơ bản giải quyết tình hình hạn mặn.
Ngoài các giải pháp để ngăn mặn như xây đập, xây hồ chứa nước, Cục Trồng trọt cho rằng, hướng đến sản xuất bền vững, vùng ĐBSCL cần tăng cường nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, thị trường theo hướng đẩy mạnh công tác nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về giống, kỹ thuật canh tác; chọn tạo ra giống mới thích ứng với từng vùng, với biến đổi khí hậu, năng suất, chất lượng phù hợp với xu hướng tiêu dùng của thị trường, nhất là những cây đặc sản, nổi tiếng có lợi thế cạnh tranh.