Việc thu thập bằng chứng kiểm toán đảm bảo sẽ giúp giảm thiểu rủi ro trong quá trình kiểm toán
Đảm bảo tính khách quan, công bằng khi đưa ra bằng chứng kiểm toán
Bằng chứng kiểm toán được hiểu là tất cả các tài liệu, thông tin do kiểm toán viên (KTV) thu thập được liên quan đến cuộc kiểm toán và dựa trên các thông tin này KTV hình thành nên ý kiến kiểm toán. Theo Quyết định số 03/2018/QĐ-KTNN hướng dẫn về bằng chứng kiểm toán, bằng chứng kiểm toán là tài liệu, thông tin do KTV thu thập được liên quan đến cuộc kiểm toán làm cơ sở cho việc đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị kiểm toán. Hiện nay, vấn đề bằng chứng kiểm toán được quy định trong nhiều văn bản pháp luật của Ngành và được hướng dẫn thực hiện tại Quyết định số 03/2018/QĐ-KTNN.
Theo đại diện Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán, các loại bằng chứng kiểm toán khác nhau sẽ ảnh hưởng khác nhau đến kết luận trên báo cáo kiểm toán. Do đó, KTV cần nhận thức được vai trò của mỗi bằng chứng kiểm toán để có thể thu thập và đánh giá một cách đầy đủ, hợp lý nhất, từ đó đưa ra được ý kiến phù hợp về báo cáo tài chính được kiểm toán.
Thành công của cuộc kiểm toán, trước hết phụ thuộc vào việc thu thập, sau đó là đánh giá bằng chứng kiểm toán của KTV. Xuất phát từ mục tiêu đó, KTV phải sử dụng các phương pháp kỹ thuật để thu thập bằng chứng kiểm toán thích hợp và đầy đủ trong suốt quá trình thực hiện kiểm toán. Các kỹ thuật thu thập bằng chứng kiểm toán gồm: kiểm tra đối chiếu, khảo sát, điều tra - phỏng vấn, xác nhận, phân tích...
Khi đánh giá bằng chứng kiểm toán, KTV phải thực hiện đánh giá tính đầy đủ và tính thích hợp của bằng chứng kiểm toán. Sau khi hoàn thành các thủ tục kiểm toán, KTV xem xét lại hồ sơ kiểm toán nhằm xác định các nội dung kiểm toán đã được kiểm toán một cách đầy đủ và thích hợp. Trên cơ sở bằng chứng thu thập được, KTV phải xem xét lại đánh giá ban đầu về rủi ro và trọng yếu kiểm toán và xác định xem có cần thiết phải tiến hành các thủ tục kiểm toán bổ sung hay không. Trên cơ sở các bằng chứng kiểm toán, các phát hiện kiểm toán sẽ được đưa ra. “Việc đánh giá bằng chứng kiểm toán phải khách quan và công bằng. Khi đánh giá bằng chứng kiểm toán và xem xét mức độ trọng yếu của các phát hiện kiểm toán, KTV phải xem xét cả 2 yếu tố định tính và định lượng” - đại diện Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán cho biết.
Đặc biệt, theo ý kiến của nhiều đơn vị kiểm toán, khi đưa ra ý kiến kiểm toán, KTV phải xem xét tất cả bằng chứng kiểm toán liên quan, bất kể bằng chứng này chứng thực là đúng hay mâu thuẫn với các cơ sở dẫn liệu. Nếu chưa thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp liên quan đến một cơ sở dẫn liệu trọng yếu, KTV phải thu thập thêm bằng chứng kiểm toán.
Từ kinh nghiệm thực tiễn kiểm toán, KTV Mai Chí Cường (KTNN khu vực V) cho biết, trong quá trình thực hiện các thủ tục kiểm toán, khi có các tình huống phát sinh, có thêm thông tin mới hay việc thực hiện thêm các thủ tục kiểm toán làm thay đổi hiểu biết của KTV về đơn vị được kiểm toán thì mức trọng yếu tổng thể và mức trọng yếu đối với các khoản mục, nhóm giao dịch, số dư tài khoản và thông tin thuyết minh cần lưu ý có thể phải sửa đổi. “KTV thực hiện tổng hợp kết quả kiểm toán trên cơ sở tất cả bằng chứng kiểm toán đã thu thập được bao gồm kết quả của các thủ tục kiểm toán ban đầu và thủ tục kiểm toán bổ sung để hình thành ý kiến kiểm toán” - KTV Mai Chí Cường lưu ý.
Thu thập bằng chứng kiểm toán trong bối cảnh đầy thách thức
Nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của yếu tố thông tin đối với hoạt động kiểm toán, nhiều đơn vị kiểm toán cho rằng trong bối cảnh mới, khi quy định của pháp luật liên quan đến công tác quản lý, điều hành trong các lĩnh vực tài chính công, tài sản công có nhiều sự thay đổi, việc đổi mới cách thức tiếp cận hệ thống thông tin, dữ liệu, trong đó có việc thu thập bằng chứng kiểm toán cần được đẩy mạnh và thống nhất triển khai trong toàn Ngành.
Đặc biệt, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN đã bổ sung quyền khiếu nại và khởi kiện của đơn vị được kiểm toán. Theo đó, đơn vị được kiểm toán, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan có quyền khiếu nại về hành vi của trưởng đoàn kiểm toán, tổ trưởng tổ kiểm toán, thành viên đoàn kiểm toán, trong quá trình thực hiện kiểm toán khi có căn cứ cho rằng hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Đánh giá về quy định này, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Vũ Thanh Hải cho biết, đây là điểm đột phá trong quan hệ giữa KTNN với các đơn vị được kiểm toán. Một mặt, quy định này đã trao thêm quyền cho các đơn vị được kiểm toán, từ đó khẳng định tính công khai, minh bạch và dám chịu trách nhiệm về hoạt động kiểm toán của KTNN với xã hội; mặt khác cũng tạo thêm áp lực cho KTV trong quá trình thực hiện kiểm toán cần phải thận trọng hơn khi đưa ra ý kiến đánh giá, kết luận.
Theo ông Hải, hiện nay, Vụ Pháp chế đang được Tổng Kiểm toán Nhà nước giao thực hiện các văn bản liên quan đến quy định này để đưa quy định của Luật vào thực tiễn. Trong bối cảnh mới, bên cạnh việc tuân thủ thực hiện những hướng dẫn chung về công tác thu thập thông tin, dữ liệu theo hệ thống mẫu biểu, chuẩn mực và quy trình thực hiện kiểm toán, trong quá trình triển khai thực hiện đối với các loại hình kiểm toán khác nhau, các KTV cũng chú trọng đổi mới công tác này, như tiếp cận nguồn thông tin từ nhiều chiều, kết hợp với báo cáo và nắm bắt dư luận qua các phương tiện thông tin đại chúng. Việc đa dạng hóa các nguồn tiếp cận thông tin cũng giúp cho đoàn kiểm toán, KTV củng cố bằng chứng kiểm toán, nâng cao chất lượng, hiệu quả kiểm toán.
Bên cạnh đó, nhiều đơn vị kiểm toán cũng cho rằng, trong suốt quá trình kiểm toán, các đoàn kiểm toán, KTV cần đặc biệt chú trọng việc thu thập thông tin trực tiếp (thông qua văn bản khảo sát, thu thập thông tin và thực hiện khảo sát trực tiếp tại các đơn vị, đầu mối dự kiến được kiểm toán) để đảm bảo chủ đề được lựa chọn có tính khả thi cao, cũng đảm bảo các bằng chứng trong quá trình triển khai kiểm toán được xác thực, chặt chẽ.
Đặc biệt coi trọng đến yếu tố con người, đại diện Vụ Tổng hợp cho rằng, các đơn vị kiểm toán cần chú trọng nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn của KTV thông qua các khóa đào tạo, tọa đàm chuyên môn để nâng cao khả năng phân tích, xử lý thông tin, phát hiện bằng chứng kiểm toán. Các đơn vị kiểm toán cần ưu tiên bố trí các KTV có năng lực, kinh nghiệm để tham gia kiểm toán ngay từ khi thu thập thông tin lựa chọn chủ đề kiểm toán, khảo sát thu thập thông tin để xây dựng kế hoạch kiểm toán, từ đó có thể phát hiện và củng cố bằng chứng kiểm toán một cách hiệu quả.
Đối với các cuộc kiểm toán quan trọng, có quy mô lớn, đặc biệt là những cuộc kiểm toán được giao đột xuất, không có trong Kế hoạch kiểm toán năm, các đơn vị cần bố trí các KTV có năng lực, trình độ tốt nhất để tham gia kiểm toán. Bởi, trên thực tế, việc phát hiện, củng cố các bằng chứng kiểm toán, trên cơ sở bám sát rủi ro, trọng yếu kiểm toán đối với các cuộc kiểm toán đột xuất thường phức tạp hơn rất nhiều các cuộc kiểm toán có trong kế hoạch. Trong khi yêu cầu, kỳ vọng của lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ đối với các cuộc kiểm toán này thường rất lớn.
Bài và ảnh: NGUYỄN LỘC