Quang cảnh Hội thảo |
Tham dự Hội thảo có PGS,TS. Đặng Văn Thanh - Chủ tịch Hội Kế toán và kiểm toán Việt Nam; ông Nguyễn Hồng Long - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới và Phát triển doanh nghiệp của Chính phủ; ông Lê Song Lai - Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước; ông Lê Xuân Hải - Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính); bà Trương Thị Hồng Hà - Phó Vụ trưởng Vụ Cải cách Tư pháp (Ban Nội chính TW); bà Đinh Thị Thái - Phó Tổng Giám đốc Vietcombank và các đại biểu đại diện cho các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương; các trường Đại học, Viện nghiên cứu; các chuyên gia, nhà khoa học; các tập đoàn, tổng công ty; công ty kiểm toán độc lập, các tổ chức, hội nghề nghiệp kiểm toán, kế toán… Về phía KTNN, dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo các đơn vị và đông đảo công chức, viên chức các đơn vị trực thuộc.
Ban Chủ trì Hội thảo |
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên nhấn mạnh, trong quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế, DNNN đang là công cụ quan trọng để bảo đảm thực hiện có hiệu quả các chính sách ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đối phó với những biến động thị trường; tạo nguồn thu lớn cho NSNN; đóng góp quan trọng trong xây dựng và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế; thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và chính sách an sinh xã hội.
Thế nhưng, trong thời gian qua, hiệu quả sản xuất kinh doanh của một số DNNN còn thấp, chưa tương xứng với nguồn lực Nhà nước đầu tư; còn có tình trạng nợ nần, thua lỗ, thất thoát. Cơ chế quản trị DNNN, phát triển khoa học công nghệ chậm được đổi mới, kém hiệu quả, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.
Thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 3/6/2017, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới nâng cao hiệu quả DNNN và các chủ trương của Đảng về DNNN, công tác cổ phần hóa giai đoạn 2016-2020 đã tập trung hơn vào việc xác định tiêu chí, danh mục phân loại DNNN cụ thể theo từng năm, từng Bộ, ngành, địa phương và tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN và qua đó đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ.
Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên phát biểu khai mạc Hội thảo |
Tuy nhiên, theo GS.TS. Đoàn Xuân Tiên, việc cơ cấu lại DNNN và thoái vốn nhà nước triển khai còn chậm, quá trình cổ phần hóa còn có nhiều vấn đề tiêu cực, làm thất thoát vốn, tài sản nhà nước và có một số khó khăn, vướng mắc về thể chế chậm được giải quyết.
Thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 3/6/2017, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII là: “Xác định rõ trách nhiệm của KTNN trong việc kiểm toán xác định giá trị DN, định giá tài sản, vốn nhà nước” trong cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại DN, KTNN đã đẩy mạnh công tác kiểm toán quá trình xác định giá trị DNNN trước cổ phần hóa.
Từ năm 2017 đến nay, KTNN đã thực hiện kiểm toán kết quả tư vấn định giá và xử lý các vấn đề tài chính trước khi chính thức công bố giá trị DN cổ phần hóa giai đoạn 2016-2020 của 16 DN. Kết quả kiểm toán cho thấy vẫn còn nhiều hạn chế, làm ảnh hưởng đến giá trị phần vốn của Nhà nước, đặc biệt là những sai sót trong xác định chi phí thương hiệu, lợi thế kinh doanh, hàng tồn kho, định giá TSCĐ, dự án, công trình đã hoàn thành chưa quyết toán, chi phí trả trước dài hạn, giá trị các khoản đầu tư tài chính, giá trị quyền sử dụng đất… KTNN đã xác định giá trị thực tế vốn nhà nước theo phương pháp tài sản tăng 15.447,68 tỷ đồng; ngoài ra, nếu áp dụng phương pháp dòng tiền chiết khấu đối với 02 công ty đủ điều kiện định giá theo phương pháp dòng tiền chiết khấu nhưng tổ chức tư vấn định giá chỉ sử dụng phương pháp tài sản, KTNN xác định giá trị vốn nhà nước tăng thêm so với phương pháp tài sản 15.684,31 tỷ đồng.
Đông đảo đại biểu tham dự Hội thảo |
Cũng trong thời gian này, KTNN đã kiểm toán quyết toán giá trị phần vốn nhà nước tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần tại 45 DN. Hầu hết các đơn vị được kiểm toán đối chiếu, xác nhận công nợ phải thu, phải trả chưa đầy đủ; một số đơn vị chậm bàn giao tài sản, đất đai theo phương án CPH; sử dụng đất không đúng mục đích; một số đơn vị xác định nợ phải trả không chính xác; UBND một số tỉnh, thành phố chưa có ý kiến hoặc chậm có ý kiến hoặc chưa phê duyệt phương án sử dụng đất, giá đất; một số đơn vị chậm phê duyệt quyết toán tài chính, quyết toán số tiền thu cổ phần hóa; kết quả kiểm toán xác định tăng giá trị thực tế vốn nhà nước tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần tăng 1.576,96 tỷ đồng.
Phát huy vai trò của KTNN trong kiểm toán xác định giá trị DN, định giá tài sản, vốn nhà nước, KTNN đã tích cực cung cấp thông tin để cơ quan có thẩm quyền quyết định giá trị DN, để các cơ quan dân cử thực hiện thẩm quyền giám sát; góp phần minh bạch hoạt động cổ phần hóa DNNN; kiến nghị xử lý các sai phạm, hạn chế nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động cổ phần hóa; phát hiện các gian lận, vi phạm chính sách, chế độ, các hiện tượng tiêu cực làm thất thoát tài sản của nhà nước khi tiến hành cổ phần hóa. |
Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận làm rõ một số vấn đề về thực trạng công tác cơ cấu lại, đổi mới, sắp xếp DNNN và những ảnh hưởng của tình trạng cổ phần hóa chậm, xác định không đúng đắn giá trị DNNN dẫn đến tình trạng “lợi ích nhóm”, suy giảm lòng tin, gây thất thoát lãng phí, giảm năng lực phát triển DN, làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội của quốc gia; chỉ ra các điểm bất cập trong cơ chế, chính sách, khung khổ pháp lý hiện nay liên quan đến quá trình cơ cấu lại, đổi mới, nâng cao hiệu quả của DNNN, đặc biệt là các phương pháp xác định giá trị DNNN trước cổ phần hóa liên quan đến quyền sử dụng đất, các ước tính kế toán, lợi thế thương mại, giá trị thương hiệu…
Đặc biệt, Hội thảo còn tập trung làm rõ vai trò của KTNN trong công tác kiểm toán về xác định giá trị DNNN trước cổ phần hóa, góp phần làm minh bạch, bền vững nền tài chính quốc gia. Đồng thời chia sẻ các bài học, kinh nghiệm quốc tế về công tác đổi mới, cơ cấu lại DNNN và vai trò của các cơ quan kiểm toán tối cao trong lĩnh vực này, cũng như tập trung làm rõ các vướng mắc, bất cập đối với cơ chế phối hợp, trao đổi thông tin giữa KTNN và các cơ quan quản lý nhà nước.
Báo Kiểm toán sẽ tiếp tục cập nhật thông tin Hội thảo tới bạn đọc!