Thủ tướng chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2018

(BKTO) - Trong 2 ngày 31/7 và 01/8, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 7/2018.



Tại Phiên họp này, Chính phủ tập trung thảo luận về công tác xây dựng thể chế pháp luật, thảo luận về các dự án luật: Luật Giáo dục (sửa đổi); Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự; Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định số: 77/2015/NĐ-CP, 136/2015/NĐ-CP về hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư công; thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2018, định hướng thời gian tới…

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tình hình kinh tế - xã hội trong tháng 7/2018 vẫn duy trì xu thế tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc nổ ra. Tính đến nay, về cơ bản, những diễn biến này chưa có tác động lớn đối với thương mại trong nước, thị trường ngoại hối và tỷ giá có biến động ở một số thời điểm nhưng đã được Ngân hàng Nhà nước chủ động điều chỉnh linh hoạt, kịp thời.
Ảnh: Thanh Hải
Về chỉ số giá tiêu dùng bình quân (CPI), sau 2 tháng liên tiếp tăng cao, tháng 7 đã giảm nhẹ, giảm 0,09% so với tháng trước. Tính chung 7 tháng, CPI bình quân tăng khoảng 3,45%, lạm phát cơ bản bình quân tăng ở mức hợp lý, khoảng 1,36% so với cùng kỳ năm 2017.

Tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 20/7 khoảng 7,69%, đáp ứng được yêu cầu về vốn của nền kinh tế. Mặt bằng lãi suất cơ bản ổn định so với cuối tháng 6. Tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng có diễn biến tăng do sức ép từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, đồng Nhân dân tệ giảm giá, đồng USD tăng giá. Tuy nhiên, do Ngân hàng Nhà nước đã kịp thời có giải pháp điều chỉnh, kết hợp với các yếu tố vĩ mô tích cực nên cung - cầu ngoại tệ ổn định, thanh khoản ngoại tệ trên thị trường được đảm bảo. Thị trường chứng khoán phục hồi trở lại, VN-Index đạt 934,08 điểm vào ngày 24/7, quy mô vốn hóa tăng 8,3% so với cuối năm 2017.

Vốn đầu tư nước ngoài tăng trưởng ở mức khá, trong đó, tổng vốn đăng ký ước đạt gần 23 tỷ USD, tăng 4,6%; giải ngân vốn FDI ước đạt trên 9,8 tỷ USD, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước. Về đầu tư trong nước, mặc dù tình hình đăng ký DN trong tháng 7 giảm so với cùng kỳ về số DN đăng ký mới (khoảng 3,5%) nhưng số vốn đăng ký tăng trên 29%, khiến quy mô vốn bình quân trên một DN đạt trên 10,8 tỷ đồng, điều này cho thấy tiếp tục có sự dịch chuyển về chất đối với các DN. Tính chung 7 tháng, cả nước có gần 75.800 DN được thành lập, với số vốn đăng ký đạt 771.000 tỷ đồng, tăng 3,9% về số DN và 6,4% về số vốn so với cùng kỳ năm 2017.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) phục hồi mạnh sau quá trình giảm từ các tháng đầu năm, đạt mức tăng trưởng rất tích cực trong tháng 7, ước tăng 14,3% so với tháng 7/2017. Tính chung 7 tháng, IIP ước tăng 10,9%, cao hơn mức tăng cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 7,1%), trong đó, dẫn đầu cả nước là Hà Tĩnh (149,3%) chủ yếu do đóng góp của Tập đoàn Formosa và Thanh Hóa (28%) do Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn đi vào hoạt động. Cán cân thương mại duy trì trạng thái xuất siêu, ước đạt 3,1 tỷ USD, bằng 2,3% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Kết luận Phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, kinh tế vĩ mô trong tháng 7 tiếp tục ổn định. Bốn mục tiêu cơ bản của kinh tế vĩ mô vẫn bảo đảm: tăng GDP; ổn định giá cả; tăng việc làm, giảm thất nghiệp và xuất khẩu ròng. Tỷ lệ thất nghiệp xuống mức thấp trong nhiều năm qua, khoảng 2,2%.

Thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ trực tiếp chỉ đạo sát sao hơn, quyết liệt hơn, triển khai các giải pháp, nhiệm vụ của ngành, lĩnh vực mình phụ trách. Các bộ trưởng, chủ tịch UBND các tỉnh cần có kế hoạch cụ thể, phân công nhiệm vụ rõ ràng, giao trách nhiệm kiểm tra đôn đốc trong thực hiện nhiệm vụ, nhất là tháo gỡ những rào cản về thể chế đang ràng buộc sự phát triển của đất nước.

Cho rằng tiến độ giải ngân còn chậm, Thủ tướng nêu rõ, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công theo đúng kế hoạch. Các công trình dự án có vốn phải được giải ngân, sớm đi vào hoạt động, phát huy tác dụng.

Thủ tướng cũng yêu cầu công khai danh sách địa phương chậm trễ và giao nhiệm vụ cho Tổ công tác của Thủ tướng trực tiếp làm việc, đôn đốc những địa phương có nhiều DN nhưng chậm trễ trong sắp xếp, cổ phần hóa.

Về các vi phạm nghiêm trọng trong Kỳ thi Tốt nghiệp THPT Quốc gia và tuyển sinh đại học vừa qua, gây ảnh hưởng lớn đến niềm tin của nhân dân, Thủ tướng cho biết, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã nghiêm túc nhận trách nhiệm trước Chính phủ và đề nghị Bộ rà soát lại hệ thống quản trị của ngành mình để kỳ thi lần sau tốt hơn. Bộ Công an phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục điều tra, xử lý nghiêm minh các vi phạm. Các cơ quan báo chí thông tin kịp thời, chính xác về Kỳ thi này, không để dư luận hiểu sai lệch về công tác quản lý nhà nước và kết quả chung của Kỳ thi.

Chiều 01/8, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức buổi Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7/2018. Buổi họp báo diễn ra dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, cùng với sự tham dự của đại diện lãnh đạo nhiều Bộ, ngành.

Tại Họp báo, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng và đại diện các Bộ, ngành đã trả lời nhiều câu hỏi của các nhà báo về các vấn đề được dư luận quan tâm thời gian qua như: việc khắc phục, xử lý các sai phạm tại Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 tại một số địa phương; giải pháp của Bộ Tài chính trong việc đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa các DNNN; vấn đề kỷ luật một số đồng chí lãnh đạo Bộ Công an vi phạm pháp luật; giải pháp điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước trước cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung; việc quản lý tiền điện tử tại Việt Nam hiện nay sau nhiều sự cố đã xảy ra trong thời gian qua…

P.NGUYÊN
Theo Báo Kiểm toán số 31 ra ngày 02/8/2018
Cùng chuyên mục
  • Kỷ niệm 10 năm điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô
    5 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Kỷ niệm 10 năm điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô là dịp quan trọng để TP. Hà Nội tổng kết toàn diện, sâu sắc những thành tựu to lớn và các bài học kinh nghiệm cần rút ra trên chặng đường 10 năm qua để từ đó tiếp tục mạnh mẽ hướng tới tương lai xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp-hiện đại-văn minh.
  • Chưa tìm được tiếng nói chung trong đàm phán lương tối thiểu vùng năm 2019
    5 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Đây là kết quả được công bố tại Phiên họp lần thứ hai của Hội đồng Tiền lương quốc gia nhằm thương lượng phương án tiền lương tối thiểu vùng năm 2019 diễn ra sáng nay (26/7), tại Hà Nội.
  • Thủ tướng làm việc với Ban Kinh tế Trung ương
    5 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Thực hiện Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự Đảng Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương, chiều 23/7, tại Ban Kinh tế Trung ương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình đồng chủ trì buổi làm việc về tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2018 và trao đổi một số chính sách, giải pháp lớn nhằm bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững.
  • Chuyển giá - Những vấn đề đặt ra trong công tác quản lý và vai trò của KTNN
    5 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Tại Hội thảo “Chuyển giá - Những vấn đề đặt ra trong công tác quản lý hiện nay” do KTNN phối hợp với Hiệp hội Kế toán Công chứng Vương quốc Anh (ACCA) tổ chức sáng 19/7, tại Hà Nội, các đại biểu đã đóng góp những tham luận, ý kiến quan trọng để làm rõ bản chất của chuyển giá, chỉ ra thực trạng và nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế của hoạt động chuyển giá và kiểm soát hoạt động chuyển giá trong thời gian qua, đồng thời đề xuất, kiến nghị nhiều giải pháp kiểm soát hoạt động chuyển giá.
  • Khai mạc Hội thảo quốc tế "Chuyển giá - Những vấn đề đặt ra trong công tác quản lý hiện nay"
    5 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Sáng 19/7, tại Hà Nội, KTNN phối hợp với Hiệp hội Kế toán Công chứng Vương quốc Anh (ACCA) tổ chức Hội thảo quốc tế "Chuyển giá - Những vấn đề trong công tác quản lý hiện nay".
Thủ tướng chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2018