Thủ tướng đôn đốc dự án sân bay Long Thành, dự lễ xuất khẩu những container đầu Xuân 2023 tại Tân Cảng Cát Lái

(BKTO) - Ngày 29/01, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đi kiểm tra hiện trường dự án sân bay quốc tế Long Thành, tỉnh Đồng Nai; dự lễ phát lệnh xuất khẩu những container đầu Xuân Quý Mão 2023 tại cảng Tân Cảng Cát Lái, TP. HCM.

0.jpg
Thủ tướng nêu rõ 3 nhóm công việc cần tập trung giải quyết thời gian tới đối với dự án sân bay Long Thành. Ảnh: Chính phủ

Chậm nhất hết quý I/2023 phải bàn giao mặt bằng giai đoạn 1 dự án sân bay Long Thành

Sáng 29/01, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác đã đi kiểm tra hiện trường dự án sân bay quốc tế Long Thành, tỉnh Đồng Nai.

Phát biểu khai mạc cuộc làm việc tại công trường diễn ra trưa cùng ngày, Thủ tướng nêu rõ, cuộc họp nhằm kiểm điểm tiến độ, tìm giải pháp đầu ra cho công việc, rút ngắn thời gian, bảo đảm tiến độ, chất lượng, an sinh xã hội cho người dân, vệ sinh môi trường, kỹ thuật, mỹ thuật, không để xảy ra tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan cần xác định lại trách nhiệm, căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn để tổ chức thực hiện các công việc được giao.

Ở thời điểm này năm 2022 khi Thủ tướng kiểm tra hiện trường, dự án chưa có thiết kế, thẩm định, thậm chí chưa có con dấu để hoạt động, chưa có trụ sở để làm việc. Đến nay, kiểm tra thực tế cho thấy công việc đã có tiến bộ, chuyển biến, nhưng về cơ bản chưa đạt tiến độ đề ra.

Thủ tướng nêu rõ 3 nhóm công việc cần tập trung giải quyết thời gian tới.

Thứ nhất, về giải phóng mặt bằng, tỉnh Đồng Nai tỉnh đã có nhiều cố gắng, nỗ lực nhưng vẫn chưa đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra. Thủ tướng yêu cầu Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, chậm nhất hết quý I/2023 phải hoàn thành bàn giao mặt bằng giai đoạn 1; cố gắng hết quý II, bàn giao xong mặt bằng 2 đường dẫn, đường hậu cần vào sân bay.

Trên công trường, Thủ tướng cũng yêu cầu các nhà thầu tranh thủ thời tiết thuận lợi của mùa khô, huy động nhân lực, phương tiện làm việc 24/24 với 3 ca 4 kíp để cơ bản hoàn thành san lấp mặt bằng dự án.

Thủ tướng cho rằng chính sách chung về giải phóng mặt bằng về cơ bản là tốt nhưng cũng không thể bao phủ được hết các trường hợp trong thực tiễn; người dân cần tuân thủ quy định, chính sách chung.

Với các trường hợp cụ thể có vướng mắc, địa phương cần tập hợp, các cơ quan nghiên cứu kỹ lưỡng, nếu có bất cập thì điều chỉnh, bổ sung chính sách phù hợp thực tiễn, đáp ứng nhu cầu hợp pháp, chính đáng của người dân; nếu đề xuất, kiến nghị của người dân chưa hợp lý thì phải giải thích rõ cho người dân hiểu…

Liên quan tới đấu thầu các dự án này, Thủ tướng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng hướng dẫn thêm, các cơ quan khẩn trương thực hiện các công việc, tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành dứt điểm các công trình này, đưa vào hoạt động phục vụ người dân.

Thứ hai, về 4 dự án thành phần xây lắp sân bay Long Thành, Quyết định 1777 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án Cảng hàng không Long Thành giai đoạn 1 và Kết luận của Thủ tướng Chính phủ sau cuộc làm việc dịp Tết năm 2022 đã phân công rõ các công việc của các cơ quan.

Thủ tướng nhấn mạnh dự án thành phần số 2 và số 3 có ý nghĩa quyết định, đã bố trí được ngân sách, vấn đề lớn nhất là phối hợp, tổ chức thực hiện. Trong đó, gói thầu phần thân nhà ga hành khách bị hủy thầu, ACV là chủ đầu tư và Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chịu trách nhiệm về điều này, sắp tới sẽ kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm.

Thứ ba, Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT - đã giao Phó Thủ tướng Lê Văn Thành và sau đó là Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trực tiếp chỉ đạo công trình này. Thủ tướng yêu cầu lập Tổ công tác của Chính phủ để đôn đốc, kiểm tra, khớp nối các công việc; giao Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà làm Tổ trưởng với sự tham gia của lãnh đạo các Bộ.

Trước cuộc họp, Thủ tướng đã đi thăm, tặng quà người dân khu tái định cư tại xã Lộc An, huyện Long Thành; khảo sát thực địa trường mầm non trong khu tái định cư…

1(1).jpg
Thủ tướng mong muốn Tân Cảng Sài Gòn tiếp tục đoàn kết, giữ vững và phát huy truyền thống Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới. Ảnh: Chính phủ

Trở thành Tập đoàn kinh tế-quốc phòng hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực kinh tế biển và dịch vụ logistics

Tối cùng ngày, tại TP. HCM, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ phát lệnh xuất khẩu những container đầu Xuân Quý Mão 2023 tại cảng Tân Cảng Cát Lái, thuộc Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, Quân chủng Hải quân.

Phát biểu tại sự kiện, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng nhiệt liệt chúc mừng, đánh giá cao và biểu dương những thành tích của tập thể lãnh đạo và cán bộ, công nhân viên, người lao động Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn trong năm 2022 và những năm qua, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước.

Thủ tướng nêu rõ, năm 2023, tình hình thế giới cũng như trong nước còn nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, khó đoán định, trong đó khó khăn, thách thức nhiều hơn. Thủ tướng tin tưởng, Tân Cảng Sài Gòn với khí thế phát triển mới sẽ khắc phục hậu quả đại dịch, vượt qua khó khăn, tiếp tục phát triển, góp phần cùng cả nước hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2023, đạt kết quả cao hơn năm 2022, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Về phía các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải, logistics, Thủ tướng đề nghị cùng đồng tâm, hiệp lực, chung tay xây dựng, phát triển ngành vận tải và logistic Việt Nam hiện đại, hiệu quả, đạt trình độ tiên tiến của khu vực và thế giới; vừa đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, vừa giảm thiểu chi phí dịch vụ, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.

Về phía Tân Cảng Sài Gòn, Thủ tướng mong muốn và yêu cầu tiếp tục đoàn kết, giữ vững và phát huy truyền thống Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới, truyền thống tốt đẹp của 34 năm xây dựng và phát triển, tổ chức sản xuất kinh doanh hiệu quả, an toàn; tập trung thực hiện vai trò nòng cốt trong đầu tư khai thác các cảng nước sâu tại các vị trí chiến lược về địa chính trị, địa kinh tế, địa quân sự với định hướng phát triển, tự tin vươn lên, cạnh tranh ngang tầm các cảng biển lớn trong khu vực và trên thế giới…

Thủ tướng cũng lưu ý Tân Cảng Sài Gòn góp phần phát triển kinh tế sông, giao thông đường thủy nội địa, nhất là tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Thủ tướng tin tưởng rằng, năm 2023 sẽ tiếp tục là một năm thắng lợi của Tân Cảng Sài Gòn với nhiều thành tích nổi bật, nhiều mốc tăng trưởng mới, nhiều kỷ lục mới, hướng tới mục tiêu trở thành "Tập đoàn kinh tế-quốc phòng hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực kinh tế biển và dịch vụ logistics; thương hiệu uy tín, chất lượng toàn cầu"; hoàn thành xuất sắc sứ mệnh Kết nối lưu thông hàng hóa, phát triển kinh tế biển, nâng tầm quốc gia.

Trước đó, ngày 28/01, tại Nghệ An, ngay sau khi kiểm tra thực địa dự án cao tốc Bãi Vọt-Hàm Nghi ở Hà Tĩnh, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp kiểm điểm tình hình thực hiện 10 dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía đông giai đoạn 1 (2017-2020) và giai đoạn 2 (2021-2025) từ Ninh Bình đến Quảng Trị./.

Cùng chuyên mục
Thủ tướng đôn đốc dự án sân bay Long Thành, dự lễ xuất khẩu những container đầu Xuân 2023 tại Tân Cảng Cát Lái