Tập trung xây dựng khu kinh tế cửa khẩu - động lực phát triển mới của tỉnh Cao Bằng

(BKTO) - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh yêu cầu này tại cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Cao Bằng về kết quả công tác, phát triển kinh tế-xã hội năm 2022, các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2023 và một số đề xuất, kiến nghị của tỉnh, chiều 16/01.

0.jpg
Thủ tướng đánh giá cao định hướng và các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2023 của tỉnh, đồng thời nhấn mạnh một số trọng tâm. Ảnh: Chính phủ

Đây là lần thứ hai trong hơn 1 năm qua, Thủ tướng làm việc với tỉnh Cao Bằng.

Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng Trần Hồng Minh cho biết, ngay sau cuộc làm việc của Thủ tướng Chính phủ với tỉnh vào tháng 11/2021, tỉnh đã khẩn trương triển khai các nhiệm vụ được Thủ tướng giao, nhất là những nhiệm vụ mang tính đột phá, đặc biệt là việc triển khai dự án cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn)-Trà Lĩnh (Cao Bằng) - dự án đầu tư công quan trọng nhất của Cao Bằng trong nhiệm kỳ này, một trong những dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải.

Năm 2022, GRDP của Cao Bằng tăng 5,04%, quy mô kinh tế 22.100 tỷ đồng. GRDP bình quân đạt 40,2 triệu đồng/người/năm, tăng 8,2% so năm 2021. Giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp bằng 106% năm 2021. Sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định; xây dựng nông thôn mới được triển khai tích cực, tiêu chí bình quân đạt 11,63 tiêu chí/xã, tăng 0,56 tiêu chí…

Xuất nhập khẩu đạt gần 885 triệu USD, tăng 11%. Du lịch phục hồi ấn tượng, đạt trên 1,1 triệu lượt khách, tăng 165%; doanh thu tăng 762%. Thu ngân sách nhà nước đạt 3.966 tỷ đồng, bằng 236% dự toán Trung ương giao, tăng 104% so năm 2021. Tổng vốn quản lý và huy động trên địa bàn đạt 26.000 tỷ, tăng 3,5%...

Cao Bằng đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương sớm cân đối, bố trí kinh phí cho tỉnh thực hiện, hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh; xem xét, nâng cấp các cửa khẩu Trà Lĩnh, Lý Vạn, Pò Peo và công nhận lối mở Nà Lạn.

Đặc biệt, tỉnh đề nghị hỗ trợ xây dựng, nâng cấp các tuyến đường kết nối với cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh và với các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, đẩy mạnh khai thác tài nguyên du lịch thác Bản Giốc…

Tại cuộc làm việc, lãnh đạo Bộ, ngành đã phát biểu làm rõ hơn các thành tựu, kết quả, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, phân tích về tiềm năng, lợi thế, bổ sung, gợi mở định hướng, giải pháp, tập trung vào các đột phá để tỉnh tiếp tục khơi thông nguồn lực, phát triển nhanh và bền vững, đồng thời trả lời các kiến nghị của tỉnh.

Phát biểu chỉ đạo cuộc làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cơ bản nhất trí với báo cáo và các ý kiến tại cuộc làm việc; ghi nhận, biểu dương đánh giá cao nỗ lực, quyết tâm, các giải pháp và các kết quả mà Cao Bằng đạt được trong năm 2022, góp phần vào thành tựu chung của cả nước.

Thủ tướng cơ bản đồng ý các nhiệm vụ, chủ yếu đã nêu trong báo cáo và ý kiến của các đại biểu, đồng thời lưu ý một số trọng tâm, mà trước hết là tiếp tục triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và các loại dịch bệnh khác.

Phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa an toàn gắn với quy chuẩn, tiêu chuẩn hóa và truy xuất nguồn gốc; thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng diện tích các loại cây có giá trị kinh tế, đẩy mạnh chăn nuôi gia súc, chế biến gỗ.

Nâng cao giá trị gia tăng công nghiệp chế biến khoáng sản; đẩy mạnh công nghiệp chế biến nông sản, thu hút các ngành công nghiệp mới. Chú trọng đầu tư hạ tầng cho phát triển công nghiệp; nâng cao hiệu quả khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu. Thủ tướng nhấn mạnh, khu kinh tế cửa khẩu của Cao Bằng đã được phê duyệt quy hoạch vào tháng 3/2022, đây chính là động lực phát triển mới của tỉnh Cao Bằng, cần tập trung xây dựng.

1.jpg
Thủ tướng khảo sát thực địa, nghe báo cáo về tiến độ triển khai, các khó khăn, vướng mắc cần giải quyết liên quan tới tuyến cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh nối Cao Bằng với Lạng Sơn. Ảnh: Chính phủ

Phát triển du lịch trở thành kinh tế mũi nhọn, với các sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo gắn với lịch sử, truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc, điều kiện tự nhiên, nhất là du lịch văn hóa, lịch sử cách mạng, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng…

Đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ; chú trọng chuyển đổi số, phát triển thương mại điện tử để nâng cao khả năng kết nối, quảng bá và mở rộng thị trường, tạo đầu ra bền vững cho các sản phẩm địa phương.

Xác định công tác quy hoạch là nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, hoàn thành quy hoạch tỉnh Cao Bằng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050; quy hoạch phải đi trước một bước, có tầm nhìn dài hạn, chiến lược, vừa phát huy tiềm năng, thế mạnh, vừa khắc phục hạn chế. Chú trọng phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, nhất là hạ tầng giao thông kết nối.

Quyết liệt cải cách thủ tục hành chính, nâng cao xếp hạng về năng lực cạnh tranh để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; xây dựng chính quyền số, đẩy mạnh dịch vụ hành chính công trực tuyến.

Cho ý kiến về các đề xuất, kiến nghị, Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành và tỉnh Cao Bằng cùng vào cuộc để hoàn thành việc xóa nhà tạm, dột nát trên địa bàn trong năm 2023-2024.

Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh nhiệm vụ tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tập trung mọi nguồn lực, ưu tiên số 1 để khởi công thực hiện dự án cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn)-Trà Lĩnh (Cao Bằng) theo hình thức hợp tác công tư, Bộ Tài chính nghiên cứu, ưu tiên bố trí vốn Trung ương cho dự án này, sau khi hoàn thành tuyến đường này sẽ xem xét triển khai các dự án đường bộ khác.

Trước đó, tại huyện Quảng Hòa, Thủ tướng đã đi thăm, chúc Tết, tặng quà các mẹ Việt Nam anh hùng, các gia đình chính sách, hộ nghèo, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, Đồn Biên phòng cửa khẩu Tà Lùng; khảo sát thực địa dự án cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh và việc triển khai khu kinh tế cửa khẩu Cao Bằng./.

Cùng chuyên mục
Tập trung xây dựng khu kinh tế cửa khẩu - động lực phát triển mới của tỉnh Cao Bằng