Thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Ảnh minh họa
Chủ trương đúng đắnvà tầm nhìn sâu rộng
Đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số là vấn đề mới trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Cụ thể, nội dung này đã được nhắc đến trong định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 và nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ này. Đặc biệt, đây chính là một trong những nội dung của đột phá chiến lược thứ ba: “Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội; ưu tiên phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông, thích ứng với biến đổi khí hậu, chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số”.
Ông Lê Ánh Dương - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang - nhận định: Chủ trương của Đảng ta về chuyển đổi số toàn diện, xây dựng hạ tầng số, phục vụ cho kinh tế số là đúng hướng và phù hợp với xu thế của cuộc CMCN 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn thế giới. Còn Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông Phạm Quang Đông và PGS,TS. Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế - đều nhận định, việc thúc đẩy hạ tầng thông tin, kinh tế số, xã hội số có thể coi là động lực tăng trưởng kinh tế lớn nhất cho Việt Nam trong nhiều thập niên tới, giúp chúng ta giải quyết bài toán năng suất lao động thấp, đưa đất nước thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.
Thực tiễn cũng đã chứng minh tầm nhìn sâu rộng của Đảng ta từ quyết sách này. Bởi lẽ, theo Trưởng Ban Kinh tế T.Ư Trần Tuấn Anh, quá trình chuyển đổi số, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ và CMCN 4.0... không chỉ tác động trực tiếp tới các hoạt động thương mại mà còn làm thay đổi sâu sắc các phương thức sản xuất truyền thống. Đây vừa là thách thức nhưng đồng thời cũng là cơ hội tốt để những nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam có thể rút ngắn thời gian, bắt kịp các nền kinh tế phát triển.
Từ góc nhìn toàn diện, bao quát, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá: Chuyển đổi số tác động sâu rộng, bao trùm lên tất cả các ngành, các lĩnh vực kinh tế - xã hội, góp phần tăng năng suất lao động, chuyển đổi mô hình hoạt động, kinh doanh theo hướng đổi mới sáng tạo, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia. Chuyển đổi số có sứ mệnh phổ cập và cá nhân hoá các dịch vụ (giáo dục, y tế…) tới từng người dân một cách tốt hơn; tạo cơ hội cho người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo tiếp cận dịch vụ trực tuyến một cách công bằng, bình đẳng và nhân văn.
Nhiều giải pháp từ cácBộ, ngành
Với những tác động tích cực, “công cuộc chuyển đổi này đòi hỏi phải làm chủ hạ tầng số và các nền tảng số, từ đó làm chủ không gian mạng quốc gia, làm chủ công nghệ sản xuất “Make in Viet Nam”, hướng tới hình thành các DN công nghệ số Việt Nam có năng lực vươn ra toàn cầu” - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu quan điểm.
Cùng với các yêu cầu về chuyển đổi số trong Nghị quyết Đại hội XIII, Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với tầm nhìn 10 năm và các mục tiêu: Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử, kinh tế số đóng góp 30% GDP… Bởi vậy, không chờ đến những mệnh lệnh, chỉ thị triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII, nhiều Bộ, ngành, địa phương đã sẵn sàng tâm thế chuyển đổi số.
Thời gian tới, ngành khoa học và công nghệ sẽ tập trung phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; phát triển mô hình kinh doanh mới, kinh tế số, xã hội số; tập trung phát triển công nghệ cao, công nghệ chủ chốt. Cùng với đó, ngành công thương cũng sẽ tạo môi trường thuận lợi cho đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trên cơ sở tái cơ cấu mạnh mẽ từng ngành, từng lĩnh vực và khai thác triệt để thành tựu của CMCN 4.0; thực hiện số hóa, công nghệ hóa phương thức sản xuất, kinh doanh; kết nối, hợp tác dựa trên nền tảng công nghệ số, tăng khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực, hệ sinh thái số.
Đón đầu xu thế mới, TP. HCM đã ban hành Chương trình chuyển đổi số và Chương trình xây dựng Thành phố trở thành đô thị thông minh nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế số, chính quyền số và xã hội số. Còn tại Hà Nội, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Thủ đô là tận dụng hiệu quả cơ hội từ CMCN 4.0.
Chung tay thực hiện công cuộc chuyển đổi số quốc gia cùng các Bộ, ngành, địa phương, KTNN đã hoàn thành Trung tâm dữ liệu lớn, 20 phần mềm phục vụ hoạt động kiểm toán và quản lý, điều hành; đồng thời ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0. Gần đây nhất, Đảng ủy KTNN đã ban hành Nghị quyết số 90-NQ/ĐU về “Lãnh đạo đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào các hoạt động của Ngành (trong đó việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin là cơ bản) giai đoạn 2020-2025”. Một trong những mục tiêu quan trọng của Nghị quyết là đến năm 2025, cơ bản hình thành kiểm toán số phù hợp với lộ trình xây dựng Chính phủ điện tử, phát triển kinh tế số, xã hội số ở Việt Nam, giúp KTNN thích ứng với cuộc CMCN 4.0 và tham gia tích cực vào sự phát triển của nền kinh tế số.
“Mệnh lệnh” chuyển đổi số quốc gia không cho phép Bộ, ngành, địa phương nào đứng ngoài cuộc. Dư luận kỳ vọng, cùng với sự nỗ lực của KTNN cũng như cả hệ thống chính trị, các giải pháp trên sẽ được triển khai hiệu quả trong thời gian tới để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
THÀNH ĐỨC