Thúc đẩy cơ chế chính sách hỗ trợ vùng dân tộc thiểu số

(BKTO)- Ngày 21/5, Ngân hàng Thế giới (WB) công bố báo cáo “Các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế- xã hội của dân tộc thiểu số tại Việt Nam”. Nghiên cứu được thực hiện trong khuôn khổ chương trình Đối tác chiến lược Australia- Nhóm WB giai đoạn 2 (ABP2).



Báo cáo nhấn mạnh, Việt Nam cần xác định lại trọng tâm của công tác dân tộc trong tương lai và thúc đẩy các cơ chế, chính sách hiện có. Đồng thời, tăng cường các thể chế và chủ thể của thị trường để hỗ trợ việc kinh doanh tại các vùng dân tộc thiểu số.

Báo cáo đã chỉ ra các động lực phát triển kinh tế- xã hội của các dân tộc thiểu số tại Việt Nam. Theo đó, kết nối hạ tầng và kết nối kinh tế, liên kết thị trường, cơ hội tham gia vào thị trường lao động là những yếu tố chính giúp một số nhóm dân tộc thiểu số có trình độ phát triển cao hơn hẳn những nhóm khác.

Các yếu tố khác bao gồm: sự sẵn có của tư liệu sản xuất, khả năng tiếp cận giáo dục và dịch vụ y tế, thiết chế truyền thống và quản trị địa phương, mối quan hệ giới, quan niệm về tộc người và khả năng tiếp cận với sự hỗ trợ từ bên ngoài.
                
   

Quang cảnh buổi công bố báo cáo- WB Việt Nam

   

Theo báo cáo, tỷ lệ hộ nghèo của các nhóm dân tộc thiểu số ở Việt Nam là 23%, cao hơn gấp 3 lần mức trung bình của cả nước. Nhóm dân tộc thiểu số ước tính chiếm tới 84% số người còn nghèo vào năm 2020.

Nghiên cứu đã chỉ ra con đường thoát nghèo của những nhóm đi đầu, trong trường hợp này là dân tộc Mường và Sán Dìu, phụ thuộc một phần vào sự kết nối thuận tiện giữa nơi cư trú tới các cơ sở hạ tầng cơ bản và các cụm trung tâm kinh tế. Các nhóm dân tộc này có khả năng tiếp cận tốt hơn tới các nguồn lực giúp họ đa dạng hóa các hoạt động sinh kế. Cụ thể hơn, các nhóm dân tộc này tham gia vào các hoạt động sản xuất và mua bán các cây trồng khác ngoài lúa, chủ động tìm kiếm công việc được trả lương ở các nhà máy, và tìm cách tác động tích cực với các bên liên quan có khả năng quyết định phân bổ nguồn lực.

Từ kết quả nghiên cứu, các chuyên gia của WB cũng gợi ý một vài khuyến nghị chính sách, bao gồm xác định lại trọng tâm của công tác dân tộc trong tương lai và thúc đẩy các chính sách và cơ chế hiện có. Theo đó, các chính sách trong tương lai nên tập trung vào đầu tư hỗ trợ sản xuất và xây dựng năng lực, tiếp cận thị trường lao động, trao quyền kinh tế cho phụ nữ, đồng thời giảm thiểu những định kiến và kỳ thị xã hội. Ngoài ra, cơ chế hiện tại cần vượt xa hơn các cải thiện kết nối hạ tầng tiến tới tới tăng cường các thể chế và chủ thể của thị trường để hỗ trợ việc kinh doanh tại các vùng dân tộc thiểu số.

Theo ông Ousmane Dione- Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam, nghiên cứu này cho thấy, có rất nhiều cơ hội để thúc đẩy hơn nữa chương trình nghị sự tăng tính hòa nhập xã hội bằng cách chủ động áp dụng cách tiếp cận mới đối với sự phát triển của các vùng dân tộc thiểu số. “Việt Nam hoàn toàn có thể tin tưởng vào sự hỗ trợ của WB để lồng ghép chương trình này, qua các dự án đầu tư vào giao thông và cơ sở hạ tầng nông thôn và miền núi, đa dạng hóa nông nghiệp, cũng như hỗ trợ các chương trình mục tiêu quốc gia” - ông Ousmane Dione nhấn mạnh.

Đ. KHOA
Cùng chuyên mục
Thúc đẩy cơ chế chính sách hỗ trợ vùng dân tộc thiểu số