Thúc đẩy đầu tư PPP trong một số lĩnh vực kinh tế - xã hội

(BKTO) - Ngày 11/7, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tổ chức Hội thảo “Thúc đẩy đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) trong phát triển hạ tầng một số lĩnh vực kinh tế - xã hội của Việt Nam”.

0d9a1830-dc-do-ngoc-an-phien-chieu.jpg
Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Đỗ Ngọc An phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: N.Lộc

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Đỗ Ngọc An - Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho biết, hiện nay, tổng nhu cầu vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm 2021-2025 khoảng 32-34% GDP. Tuy nhiên, tỉ trọng vốn đầu tư công bình quân 5 năm chỉ chiếm khoảng 16-17% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

Như vậy, vốn đầu tư công không thể đáp ứng đầy đủ yêu cầu vốn cho đầu tư kinh tế - xã hội; việc huy động các nguồn lực xã hội khác, đặc biệt là nguồn lực khu vực tư đóng vai trò hết sức quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam...

Tại Hội thảo, thông qua Phiên thảo luận bàn tròn 02 chuyên đề: “Giải pháp thúc đẩy PPP trong phát triển một số lĩnh vực xã hội và cung cấp dịch vụ sự nghiệp công” và “Giải pháp thúc đẩy PPP trong lĩnh vực giao thông, năng lượng, xử lý rác thải, nước thải, cấp nước”, các đại biểu đã tập trung trao đổi về tình hình thực hiện đầu tư theo phương thức PPP trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, thực trạng và giải pháp; đánh giá về những kết quả đạt được trong triển khai đầu tư theo phương thức PPP tại Việt Nam; phân tích những khó khăn, hạn chế trong thực hiện triển khai đầu tư theo phương thức PPP…

Các đại biểu cũng trao đổi, chia sẻ quan điểm, luận cứ đối với phương thức PPP nhằm xác định những điểm yếu cần khắc phục, những điểm mạnh cần phát huy trong thu hút khu vực tư nhân cùng tham gia cung cấp hạ tầng và dịch vụ công với khu vực Nhà nước.

Dẫn ví dụ cụ thể về lĩnh vực đường sắt, PGS,TS. Nguyễn Hồng Thái (Trường Đại học Giao thông vận tải) cho biết, nguyên nhân khiến việc xã hội hóa đường sắt gặp khó khăn - từ kết cấu hạ tầng, phương tiện đầu máy, toa xe, hệ thống thông tin tín hiệu, điều hành chạy tàu, cơ sở sửa chữa... - vì hành lang pháp lý cho việc kêu gọi nguồn lực ngoài ngân sách tham gia đầu tư, kinh doanh lĩnh vực đường sắt còn chưa đồng bộ và suất đầu tư lớn, lợi thế thương mại so với đầu tư các lĩnh vực khác chưa cao nên khó thu hút nhà đầu tư... 

Tính đến hết năm 2022, đã có 10 dự án mới đã được phê duyệt và 14 dự án đang được triển khai các bước chuẩn bị đầu tư theo quy định; các dự án PPP mới đều là các dự án trọng điểm, quy mô lớn của quốc gia, địa phương với tổng mức đầu tư khoảng 235.000 tỷ đồng.

- Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Đỗ Ngọc An - 

Còn đại diện Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam nhấn mạnh, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư năm 2020 quy định chỉ có 5 lĩnh vực được áp dụng đầu tư theo phương thức PPP, trong đó không có lĩnh vực văn hóa. Việc chưa có một cơ chế rõ ràng, yêu cầu cụ thể từ phía Nhà nước trong hợp tác cung cấp lợi ích cho nhà đầu tư tư nhân, trao đổi quyền lợi thông qua khai thác sản phẩm văn hóa, tạo ra dịch vụ trong những khu vực văn hóa đang khiến cho hợp tác công - tư chưa hiệu quả.

0d9a1846-ha-hai-an-phien-chieu.jpg
Đại biểu phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: N.Lộc

Từ thực trạng, các ý kiến đã tập trung thảo luận, đề xuất một số kinh nghiệm và giải pháp thúc đẩy hợp tác công tư, huy động nguồn lực tư nhân phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam; sử dụng nguồn lực công làm đòn bẩy thu hút khu vực tư trong PPP; thu hút đầu tư tư nhân vào lĩnh vực văn hóa, giáo dục ở Việt Nam...

Kết luận Hội thảo, ông Đỗ Ngọc An - Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương đánh giá cao ý kiến của các Bộ, ngành, chuyên gia... trong việc trao đổi nhằm thúc đẩy đầu tư theo phương thức PPP trong phát triển một số lĩnh vực kinh tế - xã hội của Việt Nam.

“Các ý kiến tại Hội thảo đã giúp nhận diện bức tranh rõ nét và thực tế hơn về tình hình thực hiện, những kết quả bước đầu trong triển khai đầu tư theo phương thức PPP tại Việt Nam; những vướng mắc lớn trong triển khai dự án PPP; về khả năng mở rộng áp dụng PPP sang các lĩnh vực khác ngoài hạ tầng; sự phù hợp của cơ chế, chính sách trong phát huy vai trò dẫn dắt của vốn đầu tư công và việc bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư theo phương thức PPP” - ông An đánh giá.

Vấn đề hiện nay, theo Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương là cần thẳng thắn nhận diện khó khăn, thách thức và nhanh chóng xây dựng, thực thi các giải pháp đồng bộ để tăng cường thu hút đầu tư theo phương thức PPP; cũng như đảm bảo phương thức đầu tư này vận hành tuân thủ các quy luật của kinh tế thị trường, với sự tham gia có hiệu quả của Nhà nước. 

“Các đề xuất sẽ được tổng hợp, chắt lọc để đưa vào tổng hợp kết quả Hội thảo báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng và gửi tới các cơ quan chức năng liên quan, qua đó cùng thúc đẩy cải cách chính sách, pháp luật, đề xuất những định hướng nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tế thị trường nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện PPP tại Việt Nam, góp phần xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng của Việt Nam đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội” - ông Đỗ Ngọc An cho biết. 

Cùng chuyên mục
Thúc đẩy đầu tư PPP trong một số lĩnh vực kinh tế - xã hội