Tại buổi làm việc, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) và WB đã trao đổi, thảo luận về nội dung của các dự án then chốt, hợp tác giữa hai bên hiện nay.
Trong đó có Dự án sửa chữa và nâng cao an toàn đập và quan hệ đối tác chiến lược tiếp theo trong chương trình Hợp tác ngành nước (VWE); Dự án Chuyển đổi tổng hợp và Thích ứng với Biến đổi khí hậu Đồng bằng sông Cửu Long (MERIT); Chương trình 1 triệu hécta lúa chất lượng cao và carbon thấp; Chương trình giảm phát thải rừng khu vực Bắc Trung bộ (ERPA); Dự án Phát triển thủy sản bền vững và Chương trình tiếp cận nhiều giai đoạn về khả năng phục hồi ven biển giai đoạn 1.
Đáng chú ý, tại buổi làm việc, bà Anna Wellenstein - Giám đốc về Phát triển bền vững khu vực Đông Á - Thái Bình Dương (WB) cho biết, WB đã sẵn sàng giải ngân 41,2 triệu USD cho Chương trình giảm thải carbon trong nông nghiệp tại Việt Nam, đánh dấu số tiền lớn nhất được giải ngân theo Quỹ Carbon của WB.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh điều này sẽ tạo sự kích thích cho các địa phương tham gia vào phát triển rừng bền vững cũng như thích ứng với quy định mới của EU về chống xâm chiếm đất rừng, truy xuất nguồn gốc các nông sản từ rừng, hướng tới một phúc lợi về rừng; đồng thời Bộ trưởng Lê Minh Hoan cam kết nhanh chóng hoàn thiện Sổ tay hướng dẫn vận hành dự án, cũng như đảm bảo có đủ cơ chế tổ chức và nguồn ngân sách để thực hiện tốt chương trình một cách công bằng, minh bạch.
Bộ NN-PTNT ghi nhận những hỗ trợ của WB đối với Việt Nam. Bộ NN-PTNT cam kết báo cáo, cập nhật đầy đủ với WB trong các chương trình tiếp theo, hy vọng sẽ tiếp cận hiệu quả, hợp tác thành công, từ đó tăng uy tín của Việt Nam trên thế giới.
- Bộ trưởng Lê Minh Hoan -
Ông Trần Quang Bảo - Cục trưởng Cục Lâm nghiệp cho biết khoản tiền trên sẽ được dùng để chi trả trực tiếp cho những chủ rừng và ban quản lý rừng, người dân và cộng đồng trực tiếp tham gia vào trồng rừng tự nhiên tại 6 tỉnh Bắc Trung bộ.
Bộ NN-PTNT đã trực tiếp giao Cục Lâm nghiệp và Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam, chuẩn bị tất cả điều kiện kỹ thuật, sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu từ phía WB. Từ kết quả thí điểm ở 6 tỉnh Bắc Trung bộ, trong thời tới, dự án sẽ được nhân rộng ra nhiều vùng khác để có thể thể chế hóa chính sách chung và triển khai cho thị trường chuyển nhượng, trao đổi carbon quốc tế.