Thúc đẩy kiểm toán môi trường vì mục tiêu phát triển bền vững

(BKTO) - Kể từ khi Việt Nam ban hành “Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc” vào năm 2017, KTNN đã tiến hành các cuộc kiểm toán hoạt động và kiểm toán môi trường có chủ đề liên quan đến một hoặc nhiều mục tiêu phát triển bền vững. Những kết quả đạt được bước đầu là quan trọng, tuy nhiên, qua học tập, trao đổi kinh nghiệm quốc tế, các chuyên gia của KTNN đã đề xuất, khuyến nghị một số giải pháp nhằm phát huy thế mạnh của công tác kiểm toán môi trường sao cho gắn kết chặt chẽ với các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên Hợp Quốc.




Qua kiểm toán hoạt động quản lý nhập khẩu phế liệu, KTNN đã đưa ra nhiều kiến nghị quan trọng. Ảnh tư liệu

Tích cực thực hiện các cuộc kiểm toán môi trường

Về lĩnh vực môi trường, năm 2018, cuộc kiểm toán hoạt động “Việc thực hiện giải pháp giảm sử dụng túi ni lông khó phân hủy của TP. HCM theo Đề án của Chính phủ” đã chỉ ra những hạn chế trong công tác lập kế hoạch, tổ chức thông tin tuyên truyền, đôn đốc thực hiện giải pháp khuyến khích sản xuất túi ni lông sinh học có khả năng tự phân hủy… Bên cạnh đó, theo kết quả của 2 cuộc kiểm toán thuộc lĩnh vực môi trường tại tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Bình Thuận, chất lượng nước thải tại các khu công nghiệp không ổn định, tiềm ẩn rủi ro ảnh hưởng đến sức khỏe người dân trong khu vực; hệ thống quan trắc tự động chưa đảm bảo điều kiện hoặc hoạt động không hiệu lực do việc đầu tư, vận hành không đồng bộ. Nhiều thời điểm quan trắc tại các khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh cho thấy, một số chỉ tiêu có trong nước thải vượt quy chuẩn cho phép. Riêng đối với công tác quản lý môi trường tại Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 (tỉnh Bình Thuận), Bộ Công Thương chưa phân tích, đánh giá và cảnh báo các rủi ro tiềm ẩn về môi trường, tham mưu về diện tích bãi chứa tro xỉ cho các nhà máy nhiệt điện than đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) chưa đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, công tác quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch chưa có sự phối hợp với địa phương dẫn đến chống lấn diện tích biển 525ha với Khu bảo tồn sinh thái biển Hòn Cau (tỉnh Bình Thuận).

Năm 2019, cuộc kiểm toán hoạt động quản lý nhập khẩu phế liệu giai đoạn 2016-2018 tại Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính đã đánh giá, đến thời điểm kiểm toán, chưa có chính sách thuế bảo vệ môi trường đối với phế liệu nhập khẩu; một số quy định về quản lý nhập khẩu còn chưa đầy đủ, chặt chẽ. Các cơ quan quản lý chưa thực hiện công tác dự báo, đánh giá khả năng đáp ứng nguồn nguyên liệu trong nước và nhu cầu nhập khẩu phế liệu về Việt Nam phục vụ cho hoạt động sản xuất; công tác xử lý các container phế liệu tồn đọng chưa được thực hiện.

Qua cuộc kiểm toán hoạt động quản lý và xử lý chất thải y tế tại các bệnh viện trên địa bàn TP. Hà Nội, KTNN đã chỉ ra trách nhiệm của cơ quan cấp phép đối với hồ sơ trực tuyến theo dõi hành trình phương tiện vận chuyển chất thải nguy hại, cũng như mức độ xử phạt đối với trường hợp đơn vị hoạt động nhưng chưa được cấp, gia hạn giấy phép xả thải, giấy phép khai thác nguồn nước chưa cụ thể, đầy đủ…

Thúc đẩy sự gắn kết với SDGs của Liên Hợp Quốc

Mặc dù kết quả kiểm toán môi trường gắn với SDGs của KTNN thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, đáng khích lệ, tuy nhiên, qua nghiên cứu, học tập kinh nghiệm của các cơ quan kiểm toán tối cao (SAI) quốc tế, ông Nguyễn Lương Thuyết - Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp - cho rằng, các cuộc kiểm toán mới chỉ được thực hiện một cách đơn lẻ, chưa có sự gắn kết hoặc nằm trong một chiến lược để hướng tới mục tiêu tổng thể của SDGs.

Ông Phan Trường Giang - Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành VII - cũng cho biết, qua trao đổi, thảo luận tại Cuộc họp lần thứ 19 của Nhóm công tác về Kiểm toán môi trường của Tổ chức quốc tế Các cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI) vào tháng 8/2019, hầu hết các đại biểu đều cho rằng, các vấn đề môi trường hiện nay không còn được xem xét, đánh giá một cách độc lập mà cần được xem xét trong mối quan hệ tổng thể với SDGs tại từng quốc gia, cũng như trong khu vực và phạm vi toàn cầu.

Đúc rút sau Cuộc họp, ông Phan Trường Giang - Trưởng Đoàn công tác - đề xuất giải pháp, cần tiếp tục tăng cường tham gia và tổ chức các hội thảo, trao đổi, định hướng thực hiện hợp tác đào tạo, bồi dưỡng; đẩy mạnh việc tham gia vào các dự án nghiên cứu của INTOSAI và Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) về kiểm toán môi trường và kiểm toán SDGs nhằm học hỏi kinh nghiệm, tiếp cận thông tin để áp dụng phù hợp với bối cảnh và môi trường của Việt Nam cũng như điều kiện cụ thể của KTNN. Đồng thời tổ chức hội thảo, tọa đàm cấp Bộ về SDGs và vai trò của KTNN trong việc thúc đẩy thực hiện các mục tiêu, nhằm tăng cường nhận thức và chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm về chủ đề này. Bên cạnh đó, biên dịch một số tài liệu nghiên cứu, hướng dẫn về kiểm toán môi trường và kiểm toán SDGs của INTOSAI để thực hiện đào tạo, hướng dẫn cho toàn Ngành.

Một giải pháp quan trọng nữa là tìm kiếm khả năng, cơ hội để tiếp tục thực hiện các cuộc kiểm toán hợp tác về môi trường và SDGs để tiếp cận kinh nghiệm, kiến thức thực tế cũng như tận dụng nguồn lực của các SAI đối với cùng một vấn đề, nội dung kiểm toán. Về phía KTNN, cần tăng cường số lượng các cuộc kiểm toán môi trường trong hoạt động kiểm toán hằng năm với chủ đề kiểm toán xác định theo định hướng của Kế hoạch hoạt động 2020-2022 của Nhóm công tác về Kiểm toán môi trường của INTOSAI kết hợp với thực trạng trong nước, giao số lượng cuộc kiểm toán môi trường cụ thể cho các đơn vị KTNN chuyên ngành, KTNN khu vực thực hiện.
         
Theo Kế hoạch hành động 2020-2022 của Nhóm công tác về Kiểm toán môi trường của INTOSAI, định hướng trong 3 năm tới, các SAI tập trung vào 3 vấn đề trọng điểm về môi trường có liên hệ mật thiết với SDGs trong Chương trình nghị sự 2030 của Liên Hợp Quốc, gồm: nguồn tài chính cho biến đổi khí hậu, quản lý chất thải nhựa và giao thông bền vững nhằm thực hiện các mục tiêu số 11, 12 và 13 trong Chương trình nghị sự 2030.
QUỲNH ANH
Cùng chuyên mục
Thúc đẩy kiểm toán môi trường vì mục tiêu phát triển bền vững