Thúc đẩy phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ khởi nghiệp

(BKTO) - Những năm qua, việc phát triển DN khởi nghiệp trong lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH&CN) đã tác động tích cực đến sản xuất kinh doanh và đời sống xã hội. Tuy nhiên, để loại hình DN này phát triển mạnh mẽ trong tương lai, cần phải đổi mới cơ chế, chính sách và có các giải pháp tháo gỡ những khó khăn, thách thức đang hiện hữu.



Tác động tích cực tới sự phát triển kinh tế - xã hội

Theo thống kê, cả nước hiện có 386 DN được cấp Giấy Chứng nhận DN KH&CN, tăng 83 DN so với cùng kỳ năm 2017. Ngoài ra, có 43 tổ chức được cấp Giấy Chứng nhận hoạt động công nghệ cao và hơn 2.000 DN đạt điều kiện DN KH&CN trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Báo cáo của hơn 160 DN KH&CN năm 2017 cho thấy, các DN đã giải quyết hơn 22.700 việc làm cho xã hội với tổng doanh thu đạt hơn 105.770 tỷ đồng. Như vậy, lực lượng DN KH&CN tuy chưa nhiều về mặt số lượng nhưng đã tác động tới sự phát triển kinh tế - xã hội rõ nét, không những tạo công ăn việc làm mà còn tạo ra xu hướng phát triển KH&CN trong hệ thống DN Việt Nam, góp phần nâng cao năng lực DN trong hội nhập quốc tế.

Ngoài ra, thời gian qua, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo cũng phát triển mạnh mẽ, tạo điều kiện cho sự hình thành và phát triển các DN hoạt động theo các mô hình kinh doanh tiên tiến; nguồn vốn đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo tăng nhanh. Đến nay, cả nước có hơn 3.000 DN khởi nghiệp, gần 60 khu không gian làm việc chung, 50 cơ sở ươm tạo và tổ chức thúc đẩy kinh doanh, hình thành thêm một số quỹ đầu tư mạo hiểm với chất lượng và số lượng thương vụ đầu tư có xu hướng tăng mạnh trong năm 2018. Tổng số vốn đầu tư các startup Việt Nam nhận được trong năm 2018 đã tăng gấp 3 lần so với năm trước, lên đến 889 triệu USD.

Từ góc độ DN, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần ô tô Trường Hải (THACO) Phạm Văn Tài - chia sẻ, trong bối cảnh hiện nay, trước sự lan tỏa mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, KH&CN chính là động lực thúc đẩy hoạt động “sản xuất thông minh”, đồng thời là nền tảng để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng tốt hơn các yêu cầu của khách hàng. Trong tiến trình phát triển vào những năm tiếp theo của mình, THACO tiếp tục đẩy mạnh hoạt động KH&CN không những cho ô tô mà còn cho các ngành cơ khí, nông nghiệp và các ngành khác.
Theo đại diện Tập đoàn Việt - Úc, nhiều vấn đề được giải quyết toàn diện bằng việc ứng dụng KH&CN. Chẳng hạn, với các DN ngành thủy sản, sự phát triển KH&CN mang lại các công nghệ, giải pháp thiết thực, có thể ứng dụng từ khâu sản xuất, thu hoạch, chế biến, bảo quản, cũng như mở ra cơ hội lớn để đưa ngành thủy sản Việt Nam lên một tầm cao mới…

Cần chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khoa học và công nghệ khởi nghiệp

Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ KH&CN đã chỉ ra nhiều bất cập, khó khăn, ảnh hưởng đến việc phát triển các DN KH&CN khởi nghiệp. Trong đó, việc chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học, đặc biệt các kết quả phát triển công nghệ từ nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước cho DN chưa được quan tâm đúng mức. Đổi mới công nghệ chưa trở thành nhu cầu cấp bách của DN hiện nay do đại đa số DN có quy mô còn nhỏ và hạn chế về năng lực tài chính, năng lực quản lý. Mặt khác, nhu cầu tự thân của DN trong nghiên cứu đổi mới, chuyển giao công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm chưa bắt kịp với xu thế phát triển của thị trường trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng.

Trước tình hình đó, nhiều DN kiến nghị, Bộ KH&CN cần làm đầu tàu để kết nối các nhà khoa học, cơ quan nghiên cứu, viện, trường trong và ngoài nước với DN để thúc đẩy sự sáng tạo đổi mới và ứng dụng KH&CN vào sản xuất. Đồng thời, có cơ chế khuyến khích DN trong nước đầu tư nhiều hơn nữa vào KH&CN; thúc đẩy mạnh mẽ việc hình thành các khu sản xuất ứng dụng công nghệ cao để thu hút và lan tỏa công nghệ.

Chia sẻ về nhiệm vụ trong năm 2019, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh cho biết, Bộ sẽ tiếp tục khơi thông các nguồn lực, tăng cường huy động nguồn lực xã hội đầu tư cho KH&CN và đổi mới sáng tạo, nhất là từ DN; phát triển mạnh mẽ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia liên kết chặt chẽ với khu vực và quốc tế. Đồng thời xây dựng Đề án phát triển Trung tâm Khởi nghiệp quốc gia thống nhất, trước mắt tại Hà Nội, TP. HCM và Đà Nẵng.

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, thời gian qua, mặc dù đã xuất hiện một số DN lớn quan tâm đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và đổi mới sáng tạo, tập trung đầu tư theo chuỗi giá trị. Tuy nhiên, năng lực hấp thụ và đổi mới công nghệ trong các DN Việt Nam còn rất thấp; KH&CN chưa thực sự trở thành động lực thúc đẩy tăng năng suất lao động, chất lượng sản phẩm và dịch vụ trong nước; chưa có đóng góp thực sự mạnh mẽ cho tốc độ, chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của DN và nền kinh tế. Từ những bất cập trên, Phó Thủ tướng yêu cầu, năm 2019, ngành KH&CN cần tập trung phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia theo hướng lấy DN làm trung tâm của hệ sinh thái; cần có cơ chế chính sách để DN thực sự là trung tâm của đổi mới sáng tạo, DN “tự nguyện” và thực sự đầu tư cho KH&CN bởi lợi ích thiết thực của chính DN. Đồng thời, tăng cường vai trò nghiên cứu của các trường đại học, khuyến khích thành lập các viện nghiên cứu tư nhân, thành lập DN trong các viện nghiên cứu, trường đại học; tăng cường vai trò hỗ trợ của Nhà nước trong việc đầu tư khu nghiên cứu sáng tạo, vườn ươm; thúc đẩy hình thành nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm đổi mới sáng tạo.

LÊ HÒA
Theo Báo Kiểm toán số 04 ra ngày 24-01-2019
Cùng chuyên mục
Thúc đẩy phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ khởi nghiệp