Đào tạo nghề được coi là giải pháp giúp thoát nghèo bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới ở Lào Cai
Cách đây khoảng 5 năm, Bản Xèo vẫn được coi là “vùng đất bỏ quên” của huyện Bát Xát, bởi nơi đây đói nghèo, khó khăn bao trùm khắp làng, bản. Khoảng cách từ thị trấn Bát Xát vào Bản Xèo chỉ chừng 40 cây số, ấy vậy mà khi màn đêm buông xuống, các phương tiện không dám di chuyển. Bởi lẽ, những cung đường ngoằn nghèo, gấp khúc, đầy những “ổ gà, ổ trâu” trong điều kiện không ánh đèn rất dễ gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
Ấy thế mà nay, Bản Xèo đã mang một diện mạo mới khang trang, đã trở thành xã điểm về NTM của tỉnh Lào Cai. Những con đường đất khói bụi vào mùa khô, trơn trượt vào mùa mưa đã được thay thế bằng đường bê tông sạch đẹp nối liền từ trung tâm xã đến các thôn. Trong đó, có gần 10 km đường trục xã, trên 11 km đường trục thôn, hơn 5 km đường ngõ xóm đảm bảo giao thông đi lại thuận tiện, vận chuyển hàng hóa thông suốt.
Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Cồ Bá Thìn cho biết, Bản Xèo là 1 trong 2 xã điểm được huyện Bát Xát đặt mục tiêu hoàn thành xây dựng NTM và năm 2018. Sự quyết tâm của hệ thống chính trị, sự đồng thuận, nỗ lực của nhân dân trong xã đã được đền đáp xứng đáng, khi đến giữa tháng 12/2018, Bản Xèo đã đạt 19/19 tiêu chí NTM. Trong đó, tiêu chí về xây dựng đường giao thông được địa phương chú trọng, xuất phát từ điều kiện đường sá tại đây vốn rất khó khăn.
Thành quả này có được là nhờ cách tiếp cận xây dựng NTM theo hướng bền vững. “Kết quả của NTM không phải là phấn đấu đạt danh hiệu, mà phải làm chuyển biến nhận thức, nâng cao hiệu quả sản xuất, thu nhập cho người dân” - ông Cổ Bá Thìn nói và cho biết, xã đã tập trung vận động, định hướng cho người dân chuyển đổi cơ cấu, đưa cây, con giống mới có giá trị kinh tế, năng suất cao vào sử dụng. Thu nhập bình quân của xã đến thời này đạt mức 31,1 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 7,77%.
Câu chuyện về xây dựng NTM tại xã Bản Xèo chỉ là một trong những điển hình về xây dựng NTM tại các xã vùng cao của tỉnh Lào Cai. Theo Văn phòng Điều phối NTM Lào Cai, tính đến hết năm 2018, toàn tỉnh có 44 xã đạt chuẩn NTM. Với tinh thần triển khai nghiêm túc, chủ động và sáng tạo, việc thực hiện Chương trình giai đoạn 2016-2018 đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, trở thành phong trào thi đua sôi nổi rộng khắp trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, tỉnh đã đưa ra nguyên tắc thực hiện xây dựng NTM, như: nội dung dễ làm trước, khó làm sau; không đầu tư dàn trải...; thực hiện lồng ghép vốn từ ngân sách địa phương với nguồn vốn Chương trình và vốn do nhân dân đóng góp. Công tác phân bổ vốn được bố trí theo hướng ưu tiên cho các nội dung trọng điểm của địa phương với tổng nguồn vốn đã bố trí thực hiện giai đoạn 2016-2017 đạt trên 3.458 tỷ đồng. Năm 2018, nguồn vốn cho xây dựng NTM đạt trên 1.800 tỷ đồng.
Đào tạo nghề -hướng thoát nghèo bền vững
Thực hiện Chương trình, tỉnh Lào Cai chú trọng đến nhiệm vụ phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo và đây được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, là gốc rễ để hướng đến giảm nghèo bền vững. Một trong những giải pháp được tỉnh xác định và chú trọng thực hiện là đào tạo nghề cho lao động nông thôn. “Chỉ có tăng cường đào tạo nghề, giúp người dân có nghề, thì xây dựng NTM mới thực sự thành công và bền vững” - Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Lào Cai Hoàng Quốc Bảo cho biết.
Hiện nay, ngoài trường cao đẳng dạy nghề tỉnh, Lào Cai còn có 42 trung tâm đào tạo cấp huyện, thành phố và các DN. Đây là những đơn vị đã đóng góp đáng kể vào công tác hướng nghiệp dạy nghề cho lao động tại chỗ và công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Theo Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Lào Cai Đinh Văn Thơ, nhìn từ thực tế các địa phương trong tỉnh, trước đây, sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, thanh niên hiếm khi rời làng, bản thì nay, phần đông sau khi học hết phổ thông trung học đã theo học nghề sửa chữa cơ khí, nghề điện, nấu ăn và các dịch vụ khác. Chỉ tính riêng trên địa bàn huyện Bát Xát - một huyện khó khăn của tỉnh, giai đoạn 2016-2018, huyện có gần 3.000 lao động nông thôn được đào tạo nghề, nâng tỷ lệ người lao động qua đào tạo lên 40,57%, tăng 4,37% so với giai đoạn 2010-2015. Cũng nhờ có đào tạo nghề, nhiều nông dân đã mạnh dạn ứng dụng công nghệ vào sản xuất, từ đó cho ra đời những sản phẩm cho giá trị kinh tế cao, như: gạo Séng Cù, miến đao, rượu Sim San (huyện Bát Xát), rau sạch Sa Pa, chè Bảo Thắng; thịt trâu sấy Bảo Yên...
Con số 75% lao động qua đào tạo được giải quyết việc làm trên toàn tỉnh đã khẳng định việc đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn gắn với xây dựng NTM những năm qua đã đem lại hiệu quả đáng kể, góp phần giảm áp lực việc làm cho thanh niên nông thôn. Điều quan trọng là thông qua học nghề, người lao động, đặc biệt là lao động trẻ được nâng cao nhận thức, ý thức thoát nghèo, giảm phụ thuộc vào Nhà nước, từ đó tích cực tham gia sản xuất để cải thiện cuộc sống của bản thân, thay đổi diện mạo nông thôn vùng cao.
Bài và ảnh: NGUYỄN LỘC
Theo Báo Kiểm toán số 03 ra ngày 17-01-2019