Thúc đẩy phát triển ngành Công Thương tại 15 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên

(BKTO) - Sáng 19/8, Bộ Công Thương phối hợp với UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức Hội nghị ngành Công Thương 15 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên lần thứ VIII năm 2022 với sự tham dự của hơn 400 đại biểu.



                
   

Lãnh đạo Bộ Công Thương và UBND tỉnh Ninh Thuận đồng chủ trì Hội nghị. Ảnh: BCT

   

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, khu vực miền Trung - Tây Nguyên có vị trí kinh tế, địa lý giữ vai trò đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh; là địa bàn có nhiều tiềm năng, thuận lợi cho phát triển công nghiệp, du lịch, dịch vụ, cảng biển, nông nghiệp công nghệ cao.

Đây cũng là khu vực có hệ thống đường bộ, đường sắt, cảng biển và cảng hàng không… thuận lợi cho giao thương nội vùng và xuyên biên giới với các nước Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar và xa hơn là các nước Nam Á, vùng Tây Nam của Trung Quốc thông qua trục hành lang kinh tế Đông - Tây.

Thời gian qua, 15 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên đã đạt những thành tựu lớn trên nhiều mặt. Nhiều địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn bình quân cả nước như: Quảng Nam 12,8%, Khánh Hòa 12,58%, Kon Tum 9,69%, Lâm Đồng 9,29%, Đắk Lắk 7,37%, Đà Nẵng 7,23%, Bình Định 7,01%…

Theo đánh giá của Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, sự phối hợp chia sẻ thông tin về công tác quản lý nhà nước, hợp tác phát triển sản xuất công nghiệp và kinh doanh thương mại, kết nối giao thương hàng hoá tại 15 địa phương được duy trì thường xuyên và có hiệu quả đã đóng góp tích cực vào các thành tựu của ngành Công Thương trong thời gian qua.

Báo cáo kết quả hoạt động của ngành Công Thương khu vực miền Trung - Tây Nguyên cho thấy, hoạt động thương mại của các địa phương phục hồi tăng trưởng tích cực, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng khu vực miền Trung - Tây Nguyên 6 tháng đầu năm 2022 tăng 14,9%, cao hơn cả nước (11,7%); kim ngạch xuất khẩu 6 tháng toàn khu vực tăng trưởng 28,2%...

Dự kiến, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng cuối năm của các địa phương tăng 11,62% so với năm 2021, xấp xỉ bằng 100% kế hoạch năm 2022.

Kim ngạch xuất khẩu phấn đấu 6 tháng cuối năm đạt 6,03 tỷ USD, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm đạt 14,412 tỷ USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ và tăng 25,8% so với kế hoạch năm. Kim ngạch nhập khẩu phấn đấu 6 tháng cuối năm đạt 4,794 tỷ USD, đưa tổng kim ngạch nhập khẩu cả năm đạt 10,643 tỷ USD, giảm 8,9% so cùng kỳ và tăng 10,1% so với kế hoạch năm.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động sản xuất công nghiệp, thương mại của các địa phương vẫn còn một số tồn tại, khó khăn, nhất là về pháp luật, cơ chế, chính sách và tổ chức thực hiện hoạt động liên kết vùng, kết nối không gian phát triển.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã tích cực đóng góp ý kiến cho Báo cáo của ngành Công Thương khu vực miền Trung - Tây Nguyên; đồng thời tập trung thảo luận, trao đổi những kinh nghiệm nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc có liên quan trong công tác quản lý nhà nước của các Sở, ngành ở địa phương. Từ đó đề ra giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo liên kết, hỗ trợ, hợp tác trong phát triển ngành Công Thương mỗi tỉnh, thành phố và toàn khu vực.

Đánh giá cao sự nỗ lực phấn đấu của ngành Công Thương khu vực miền Trung - Tây Nguyên để đạt được những kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Trong đó, sản xuất công nghiệp của một số tỉnh, thành phố trong khu vực chậm phục hồi, tăng trưởng còn thấp, thiếu tính bền vững, khả năng cạnh tranh còn hạn chế; công tác xây dựng quy hoạch ngành còn gặp nhiều khó khăn…

Để đạt được mục tiêu kế hoạch năm 2022, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành kế hoạch 5 năm 2021-2025, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đề nghị các địa phương tiếp tục tập trung đẩy mạnh triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 01, 02 năm 2022 của Chính phủ và Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, cần tập trung hoàn thành, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh, thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và tổ chức triển khai hiệu quả sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đồng thời, các địa phương cần tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, xuất khẩu, kích cầu, kết nối tiêu thụ hàng hóa; ưu tiên cao cho các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định cung cầu, giá cả.../.
PHÚC KHANG

Cùng chuyên mục
Thúc đẩy phát triển ngành Công Thương tại 15 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên