Cà Mau: Khai thác tối đa tiềm năng và lợi thế cạnh tranh đặc thù của nông nghiệp

(BKTO) - Cà Mau phấn đấu đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp đạt 5%/năm; giá trị sản xuất bình quân 150 triệu đồng/ha, thu nhập của cư dân nông thôn gấp 1,5 lần so với năm 2020, tương đương 35 triệu đồng/người/năm.

   Cà Mau phát triển mạnh loại hình nuôi tôm siêu thâm canh để đáp ứng nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu. Ảnh: camau.gov.vn
   


Nông nghiệp hiện đại là trụ đỡ của nền kinh tế

Cà Mau đang nỗ lực tập trung nguồn lực cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế; phát triển nông nghiệp hiện đại, thông minh, ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm từng bước đưa thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tương đương bình quân chung của cả nước.

Để đạt mục tiêu này, tỉnh Cà Mau xác định kinh tế nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế, là khu vực đảm bảo cuộc sống, sự phát triển của hầu hết người dân Cà Mau. Sản xuất nông nghiệp đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước, thị trường xuất khẩu là mục tiêu trọng tâm các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh.

Ngành nông nghiệp Cà Mau phát triển các sản phẩm chủ lực như tôm, cua, lúa, chuối, gỗ, dựa trên nền tảng liên kết chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số và sản xuất theo các tiêu chuẩn chất lượng. Cùng với đó, thuỷ sản tiếp tục giữ vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn.

Theo đó, Cà Mau đặt mục tiêu phấn đấu nâng cao kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản đạt 1,3 tỷ USD/năm; phát triển nuôi tôm siêu thâm canh đạt 5.000 ha, xây dựng chứng nhận theo tiêu chuẩn quốc tế cho 30.000 ha tôm - rừng; sản xuất lúa - tôm đạt 45.000 ha; diện tích rừng sản xuất thâm canh đạt 25.000 ha...

Đến năm 2030, giá trị GRDP ngành nông nghiệp đạt gấp 1,5 lần so với năm 2025; củng cố, duy trì vị trí dẫn đầu cả nước về ngành tôm. Sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh cơ bản đạt trình độ hiện đại, bền vững. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tương đương với bình quân của cả nuớc.

Cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng bền vững

Thực tế cho thấy, sản xuất nông nghiệp của Cà Mau thường xuyên bị tác động bởi biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Một số cơ chế chính sách phát triển nông nghiệp chưa sát thực tế, môi trường kinh doanh nông nghiệp thiếu hấp dẫn, đầu tư từ ngân sách Nhà nước và các thành phần kinh tế vào nông nghiệp, nông thôn còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường

Thêm vào đó, liên kết chuỗi giá trị trong nông nghiệp vẫn chưa chia sẻ hài hoà lợi ích và rủi ro nên dễ bị đứt gãy. Nguồn lực đầu tư cho công tác chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ và nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả còn hạn chế. Một hạn chế nữa là sản xuất nông nghiệp thiếu thông tin thị trường, chưa khai thác được các thị trường mới, tiềm năng. Việc thu hút đầu tư vào công nghiệp chế biến hiện đại còn hạn chế, trong khi chất lượng nguồn nhân lực ngành nông nghiệp còn thấp.

Để khắc phục những hạn chế trên, tỉnh Cà Mau đã đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và tạo sự đột phá trong phát triển nông nghiệp, khai thác tối đa các tiềm năng, lợi thế so sánh, lợi thế cạnh tranh đặc thù, riêng biệt của tỉnh. Cùng với đó, nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội để hiểu đúng về lợi ích của nông nghiệp bền vững mang lại cả về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, đối ngoại và quốc phòng, an ninh.

Bên cạnh đó, tỉnh Cà Mau rà soát, điều chỉnh quy hoạch sản xuất nông, lâm ngư nghiệp gắn với xây dựng các khu nông nghiệp chuyên canh, tập trung rà soát quy hoạch không gian sản xuất. Phát triển vùng sản xuất nông nghiệp tập trung với quy mô lớn phù hợp điều kiện từng vùng sản xuất, giữ ổn định diện tích sản xuất lúa, thâm canh quy mô lớn.

Cà Mau cũng tiến hành xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sản xuất các đối tượng có lợi thế cạnh tranh ở huyện U Minh; chuyển đổi một số vùng sản xuất chuyên lúa kém hiệu quả sang lúa - tôm (khoảng 5.000 ha) và khôi phục diện tích lúa - tôm ở những nơi đủ điều kiện. Tập trung chuyển đổi trồng rừng thâm canh gỗ lớn ở khu vực U Minh Hạ.

Phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng tập trung ở 2 huyện U Minh và Trần Văn Thời. Tổ chức khai thác lợi thế du lịch trên hệ sinh thái rừng tràm, du lịch nông thôn sinh thái và du lịch văn hoá - lịch sử. Tập trung phát triển nuôi thuỷ sản chủ lực, đẩy mạnh nuôi ven biển, trên bãi bồi nhằm tận dụng tiềm năng và lợi thế vùng./.

THÙY LÊ


Cùng chuyên mục
  • Nêu cao tinh thần học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập trong nền kinh tế số
    một năm trước Kinh tế
    (BKTO) - UBND tỉnh Cà Mau vừa ban hành công văn số 5300/UBND-KGVX chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thành phố Cà Mau triển khai thực hiện các chương trình, đề án về xây dựng xã hội học tập.
  • Cà Mau: Nhân rộng các sáng kiến hợp tác ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường
    một năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Dự án hệ thống giám sát môi trường nuôi trồng thủy sản rừng ngập mặn ở Cà Mau (AQUAM) đã lắp đặt 15 trạm quan trắc môi trường không dây sử dụng công nghệ Internet vạn vật (IoT) để theo dõi chất lượng nước ngập mặn nhằm giúp nông dân và chính quyền địa phương cập nhật thông tin theo thời gian thực về chất lượng nước và ứng phó kịp thời với những mối nguy.
  • Ngày 18/8, số mắc Covid-19 mới tiếp tục tăng lên 3.295 ca
    một năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Bản tin Phòng, chống dịch ngày 18/8 của Bộ Y tế cho biết, trong 24 giờ qua đã có thêm 3.295 ca Covid-19 mới, tăng hơn 300 ca so với hôm qua và đây cũng là ngày có số ca mắc nhiều nhất trong 3,5 tháng qua.
  • Có thêm hơn 243 nghìn người lao động được nhận hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp
    một năm trước Kinh tế
    (BKTO) – Chiều 18/8, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam thông tin về tình hình triển khai Nghị quyết số 24/2022/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tiếp tục chi trả hỗ trợ đối với người lao động theo Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15 đã nộp hồ sơ đúng thời hạn.
  • Doanh nhân Nguyễn Xuân Thành: “Cho đi là còn mãi”
    một năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Tập đoàn Xuân Thành được thành lập tháng 7 năm 2009, tiền thân là Tổ hợp xây dựng Bình Minh (thành lập năm 1976), đến năm 1992 được nâng cấp thành Xí nghiệp xây dựng và cung ứng vật liệu Xuân Thành. Trải qua quá trình trên 40 năm xây dựng và phát triển, đến nay doanh nghiệp đã phát triển thành Tập đoàn lớn mạnh với 30 Công ty thành viên, hoạt động đa ngành nghề, đa lĩnh vực trên nhiều địa bàn, tạo việc làm cho trên 15.000 lao động trực tiếp và hàng nghìn lao động gián tiếp. Tập đoàn đã đầu tư mua sắm hàng nghìn phương tiện cơ giới, máy móc hiện đại phục vụ sản xuất kinh doanh, khẳng định uy tín, vị thế trong và ngoài nước, góp phần đổi mới diện mạo quê hương.
Cà Mau: Khai thác tối đa tiềm năng và lợi thế cạnh tranh đặc thù của nông nghiệp