Quy mô thị trường ngày càng phát triển
Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết, thời gian qua, TTCK Việt Nam đã đạt được những kết quả bước đầu hết sức ấn tượng: Quy mô thị trường ngày càng được mở rộng; cấu trúc thị trường ngày càng hoàn thiện; thị trường đã và đang trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho doanh nghiệp và nền kinh tế.
Cụ thể, giá trị huy động vốn của doanh nghiệp thông qua phát hành cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng năm 2021 đạt gần 731.349 tỷ đồng, năm 2022 ước đạt 116.684 tỷ đồng. Quy mô TTCK ngày càng phát triển. Tính đến hết tháng 4/2023, mức vốn hóa thị trường cổ phiếu 3 sàn: HOSE, HNX và UPCoM ước đạt 5.416.000 tỷ đồng, tương đương 60,89% GDP ước tính năm 2022; thị trường có 758 cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết trên 2 Sở Giao dịch chứng khoán và 857 cổ phiếu đăng ký giao dịch trên UPCoM với tổng giá trị niêm yết, đăng ký giao dịch đạt 1.992.000 tỷ đồng, tương đương 20,9% GDP ước tính năm 2022.
Thêm vào đó, số lượng nhà đầu tư liên tục tăng đã góp phần đẩy mạnh thanh khoản thị trường. Số lượng tài khoản của nhà đầu tư đến cuối tháng 4/2023 là trên 7 triệu tài khoản, tăng hơn 1,5 lần so với cuối năm 2020 và vượt mức 5% dân số trước 3 năm so với mục tiêu được Chính phủ đưa ra trong Đề án Cơ cấu lại TTCK và bảo hiểm đến năm 2020, định hướng đến năm 2025. Trong đó, số lượng tài khoản nhà đầu tư trong nước đạt 7,016 triệu tài khoản và số lượng tài khoản nhà đầu tư nước ngoài đạt 43.465 tài khoản, tương ứng tăng trên 156% và tăng 24% so với cuối năm 2020.
Mặt khác, hệ thống các tổ chức kinh doanh chứng khoán tiếp tục được tái cấu trúc, tăng cường quản lý, giám sát, kiểm soát chặt chẽ. Luật Chứng khoán cũng góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, qua đó cải thiện năng lực quản lý và tính chuyên nghiệp của các tổ chức kinh doanh chứng khoán. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về chứng khoán và TTCK, nhất là trong hoạt động giám sát, thanh tra, cưỡng chế thực thi ngày càng được nâng cao.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, TTCK Việt Nam vẫn còn những hạn chế. Đơn cử, nhà đầu tư cá nhân vẫn chiếm đa số trên thị trường cổ phiếu nhưng nhận thức và kiến thức về pháp luật chưa được trang bị đầy đủ. Hoạt động giám sát, thanh tra, kiểm tra còn gặp nhiều khó khăn do các hành vi vi phạm pháp luật trên thị trường ngày càng tinh vi, phức tạp trong khi nguồn lực thực thi có hạn. Các sản phẩm trên thị trường mặc dù đã có thêm các sản phẩm mới nhưng chưa đa dạng, chủ yếu vẫn là TTCK cơ sở, các sản phẩm chứng khoán phái sinh còn hạn chế. Đặc biệt, thị trường vẫn trong giai đoạn phát triển nên còn bị ảnh hưởng nhiều bởi yếu tố tâm lý.
Tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý và thể chế
Thời gian tới, để đảm bảo TTCK vận hành liên tục, thông suốt, ổn định, minh bạch, đồng thời thúc đẩy thị trường phát triển theo hướng bền vững, an toàn, minh bạch, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, chuyên gia kinh tế - PGS,TS. Đinh Trọng Thịnh - cho rằng, trước hết cần rà soát tất cả các quy định liên quan đến Luật Chứng khoán và hoạt động của TTCK. Trên cơ sở đó, tiếp tục đẩy mạnh cơ chế luật pháp, các chính sách có liên quan, giúp thị trường công khai, minh bạch và phù hợp hơn với thông lệ quốc tế. Bên cạnh đó, tiếp tục đổi mới hệ thống công nghệ thông tin và hoạt động của thị trường.
“Một TTCK phát triển phải đảm bảo độ an toàn, tính bảo mật, hoạt động liên tục và bảo đảm vấn đề an ninh mạng” - ông Thịnh nhấn mạnh, đồng thời cho rằng, cần đẩy mạnh tái cấu trúc TTCK, các công ty chứng khoán và các quỹ đầu tư; nâng cao trình độ năng lực của các bộ chuyên môn trên thị trường cũng như từng công ty chứng khoán; đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát cũng như xử lý các vi phạm; học hỏi kinh nghiệm quốc tế.
Từ phía cơ quan quản lý, UBCKNN cho hay, về hoàn thiện khung pháp lý và thể chế, Bộ Tài chính và UBCKNN đang rà soát tổng thể các quy định tại Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn nhằm khắc phục ngay những bất cập, vướng mắc; đẩy nhanh tiến độ đưa vào vận hành hệ thống công nghệ thông tin KRX, tạo điều kiện triển khai các sản phẩm, dịch vụ mới, bảo đảm thị trường vận hành thông suốt, liên tục, an toàn và hiệu quả.
Bên cạnh đó, nâng cao vai trò và trách nhiệm của các tuyến giám sát; đẩy mạnh nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho công tác thanh tra, giám sát; hoàn thiện và đưa vào sử dụng Hệ thống giám sát giao dịch nâng cấp với các tính năng phân tích, cảnh báo, thống kê. Tiếp tục theo dõi sát diễn biến TTCK trong nước và quốc tế; phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan đẩy mạnh giám sát hoạt động giao dịch trên thị trường, có cảnh báo sớm đối với nhà đầu tư về các rủi ro (nếu có); tiếp tục đẩy mạnh thanh, kiểm tra, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Ngoài ra, tăng cường cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác và kịp thời tới nhà đầu tư; tích cực phối hợp với các tổ chức quốc tế trong triển khai các giải pháp để sớm nâng hạng TTCK Việt Nam theo lộ trình đã đặt ra.
Giới chuyên gia khuyến nghị: Đẩy nhanh hoàn thiện và thực thi thể chế, tăng cường kiểm tra, giám sát hợp lý, nâng cao tính minh bạch và hiệu quả cho thị trường, củng cố tâm lý và niềm tin của nhà đầu tư. Cùng với đó, tiếp tục kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế sẽ là những giải pháp căn cơ cho TTCK đạt được mục tiêu tăng trưởng của năm 2023 cũng như phát triển ổn định, minh bạch và bền vững trong tương lai./.
Một trong những giải pháp đặt ra trong Chiến lược phát triển TTCK Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là nâng cao chất lượng, sự bền vững của TTCK trên mọi khía cạnh. Khi chất lượng tốt thì sẽ thu hút nhà đầu tư nước ngoài và việc nâng hạng chỉ là vấn đề đánh giá của nhà đầu tư với thị trường.
Bà Tạ Thanh Bình - Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, UBCKNN