Thúc đẩy thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia: Cần hệ thống văn bản rõ ràng, đồng bộ

(BKTO) - Cùng với việc triển khai các cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG), nhiều ý kiến kiến nghị Chính phủ, các Bộ, ngành chức năng cần ban hành một hệ thống văn bản chỉ đạo, hướng dẫn đầy đủ, rõ ràng, thống nhất. Bởi thực tế cho thấy, tình trạng vừa thừa, vừa thiếu, vừa chậm ban hành các văn bản hướng dẫn là “nút thắt” khiến các địa phương lúng túng trong thực hiện các Chương trình.

15.jpg
Việc thực hiện các CTMTQG gặp khó khăn do thiếu căn cứ pháp lý và văn bản hướng dẫn. Ảnh minh họa

Văn bản nhiều nhưng chưa đủ…

Năm 2023, lần đầu tiên Quốc hội tiến hành giám sát giữa kỳ, đồng thời với 3 CTMTQG giai đoạn 2021-2025. Qua giám sát, bên cạnh việc ghi nhận những kết quả bước đầu đạt được, Đoàn giám sát cũng chỉ ra, một trong những vướng mắc lớn nhất trong thực hiện các CTMTQG đó là số lượng văn bản quá nhiều. Theo thống kê của Đoàn giám sát, có trên 300 văn bản quản lý, hướng dẫn của cả Trung ương và địa phương về 3 CTMTQG. Trong đó, chỉ tính riêng CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ở cấp Trung ương đã ban hành 54 văn bản liên quan đến quản lý, hướng dẫn và tổ chức thực hiện Chương trình. Trên cơ sở đó, bình quân mỗi tỉnh ban hành khoảng 40-50 văn bản về cơ chế, chính sách để thực hiện Chương trình này.

Theo một số đại biểu Quốc hội, việc có quá nhiều các văn bản hướng dẫn, dẫn đến thiếu đồng bộ, chậm ban hành, chất lượng đạt thấp, không rõ ràng, khiến các địa phương lúng túng trong triển khai. Đáng nói, phần lớn các văn bản ban hành đều có vướng mắc phải sửa đổi, bổ sung. “Vướng mắc nhất là về mức chi, định mức chi, quản lý thanh quyết toán, hồ sơ thủ tục chưa rõ ràng và dẫn chiếu nhiều lần, khó xác định khi thực hiện; định mức thực hiện một số chính sách sử dụng vốn sự nghiệp còn thấp, chậm được sửa đổi, quy trình thực hiện phức tạp” - Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết.

Đáng nói, dù ban hành rất nhiều văn bản song hiện tại đến giữa kỳ thực hiện vẫn còn một số nội dung chính sách, tiêu chí chưa được các Bộ, ngành hướng dẫn. Một số địa phương vẫn tiếp tục sửa đổi hoàn thiện các văn bản còn thiếu và tiếp tục sửa đổi, bổ sung các văn bản đã ban hành. Qua khảo sát và ghi nhận ý kiến cử tri, đại biểu Quốc hội Lê Thị Thanh Lam (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang) chỉ rõ, việc thực hiện các Chương trình gặp khó khăn do thiếu căn cứ pháp lý và văn bản hướng dẫn. Cụ thể, theo đại biểu, tại các quyết định của Chính phủ về phê duyệt các CTMTQG có giao các Bộ, cơ quan Trung ương chủ quản các Chương trình tham mưu hoặc ban hành các quy định, hướng dẫn tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, trên thực tế, các Bộ, cơ quan Trung ương chủ quản của các Chương trình chưa ban hành đủ quy định, hướng dẫn tổ chức thực hiện, dẫn tới việc các địa phương gặp lúng túng trong tổ chức triển khai thực hiện.

Việc thực hiện các Chương trình gặp khó khăn do thiếu căn cứ pháp lý và văn bản hướng dẫn. Cụ thể, tại các quyết định của Chính phủ về phê duyệt các CTMTQG có giao các Bộ, cơ quan Trung ương chủ quản các Chương trình tham mưu hoặc ban hành các quy định, hướng dẫn tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, trên thực tế, các Bộ, cơ quan Trung ương chủ quản của các Chương trình chưa ban hành đủ quy định, hướng dẫn tổ chức thực hiện, dẫn tới việc các địa phương gặp lúng túng trong tổ chức triển khai thực hiện.

Đại biểu Lê Thị Thanh Lam (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang)

Rà soát tổng thể, hướng dẫn rõ ràng

Với một khối lượng văn bản được ban hành “đồ sộ” trong thời gian qua cho thấy, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đã rất trách nhiệm trong tổ chức triển khai thực hiện các CTMTQG. Tuy nhiên, với đặc thù các Chương trình đều hướng đến người nghèo, vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn nhiều khó khăn, thì việc ban hành quá nhiều văn bản quản lý, hướng dẫn khác nhau mà thiếu sự rõ ràng, thống nhất sẽ gây ra những khó khăn, bất cập, lúng túng trong chỉ đạo, thực hiện các CTMTQG.

Đề cập đến vấn đề này, đại biểu Quốc hội Dương Khắc Mai (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk) chỉ rõ, việc triển khai thực hiện cả 3 CTMTQG đã bước sang năm thứ tư song còn nhiều dự án, tiểu dự án thuộc các chương trình, nhất là CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vẫn chưa thể thực hiện do vướng mắc trong quá trình ban hành các văn bản hướng dẫn. Đại biểu đề nghị các cơ quan có liên quan sớm ban hành cơ chế hướng dẫn để địa phương triển khai thực hiện theo đúng quy định.

Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Chương trình này, đại biểu Lê Thị Thanh Lam đề nghị Ủy ban Dân tộc cần sớm ban hành Sổ tay hướng dẫn thực hiện CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; tài liệu đào tạo nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ triển khai Chương trình ở các cấp.

Trên cơ sở kết quả giám sát và ý kiến của đại biểu Quốc hội, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 vừa qua, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các CTMTQG. Nhiều ý kiến cho rằng, để các cơ chế, chính sách đặc thù nhanh chóng được triển khai và phát huy hiệu quả trong thực tiễn thì cần tập trung rà soát lại toàn bộ các chính sách, các văn bản quản lý, hướng dẫn đầy đủ, rõ ràng để đảm bảo thống nhất, đồng bộ, dễ triển khai.

Với tinh thần đó, mới đây, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản về việc triển khai Nghị quyết của Quốc hội về các cơ chế đặc thù thực hiện các CTMTQG. Theo đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương - yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương là cơ quan chủ quản các CTMTQG theo thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương nghiên cứu các cơ chế, chính sách đặc thù nêu tại Nghị quyết số 111/2024/QH15 để tổ chức thực hiện ngay; sửa đổi, bổ sung các văn bản hướng dẫn, quản lý, tổ chức thực hiện các CTMTQG trong phạm vi, lĩnh vực quản lý. Đặc biệt, Phó Thủ tướng đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng Bộ, ngành, cơ quan liên quan hướng dẫn việc thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù. Hy vọng, với sự vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm của các Bộ, ngành, cơ quan, “nút thắt” về văn bản quản lý, hướng dẫn thực hiện các CTMTQG sẽ được tháo gỡ triệt để, góp phần đẩy nhanh tiến độ, nâng cao hiệu quả thực hiện các Chương trình./.

Cùng chuyên mục
Thúc đẩy thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia: Cần hệ thống văn bản rõ ràng, đồng bộ