Thúc đẩy triển khai các dự án hợp tác đầu tư Việt Nam-Singapore

(BKTO) - Trong chương trình chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, sáng 29/8, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lý Hiển Long dự Hội nghị thúc đẩy triển khai các dự án hợp tác đầu tư Việt Nam-Singapore.

1.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lý Hiển Long đến dự Hội nghị thúc đẩy triển khai các dự án hợp tác đầu tư Việt Nam-Singapore. Ảnh: Chính phủ

Hội nghị do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ, Đại sứ quán Cộng hòa Singapore tại Việt Nam tổ chức với sự phối hợp của Công ty Liên doanh Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore (VSIP).

Ra mắt Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Việt Nam-Singapore

Tại Hội nghị, các nhà lãnh đạo đã chứng kiến lễ công bố các văn kiện ghi nhớ hợp tác đầu tư Việt Nam-Singapore, trong đó có biên bản hợp tác phát triển 12 dự án VSIP mới tại các địa phương của Việt Nam (Nam Định, Khánh Hòa, Ninh Bình, Hải Phòng, Tây Ninh, Hải Dương, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Bình Phước, Quảng Ngãi, Thái Bình).

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trao cho đại diện VSIP quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án VSIP mới gồm: VSIP Lạng Sơn và Khu công nghiệp Sơn Mỹ 2, tỉnh Bình Thuận.

Hai Thủ tướng và các đại biểu cũng thực hiện nghi thức khởi công các dự án mới của VSIP gồm VSIP Cần Thơ, VSIP Bắc Ninh 2 và VSIP Nghệ An 2.

Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng công ty Cổ phần dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) và Tập đoàn Sembcorp (Singapore) đã công bố Quyết định chấp thuận hoạt động khảo sát tài nguyên biển của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đối với PTSC và Ý định thư của Cơ quan Quản lý thị trường năng lượng (Bộ Công Thương Singapore) về đề xuất phát triển hạ tầng xuất khẩu điện từ Việt Nam sang Singapore của Liên doanh PTSC và Sembcorp.

Cũng tại sự kiện, Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Việt Nam-Singapore đã ra mắt. Trung tâm được thành lập tại tỉnh Bình Dương dưới sự hợp tác giữa đối tác Việt Nam (gồm Tổng công ty Becamex IDC, VSIP, Trường đại học Quốc tế Miền Đông) và đối tác Singapore (Sembcorp, Trường Bách khoa Singapore, Liên minh chuyển đổi công nghiệp 4.0).

2.jpg
Thủ tướng Lý Hiển Long hy vọng các VSIP sẽ đóng góp vào hoạt động hợp tác kinh tế song phương Việt Nam và Singapore. Ảnh: Chính phủ

Đóng góp vào sự lớn mạnh kinh tế của Việt Nam

Tại Hội nghị, Thủ tướng Lý Hiển Long cho rằng, năm 2023 là thời điểm rất quan trọng trong quan hệ hai nước, khi hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược.

Ông khẳng định, Singapore rất vui mừng và vinh dự được đóng góp vào sự phát triển của Việt Nam thời gian qua. 10 năm trước, ông đã dự lễ khởi công VSIP Quảng Ngãi, VSIP thứ 5 ở thời điểm đó và từ đó, các khu VSIP đã tiếp tục phát triển mạnh mẽ với 13 khu ở 9 tỉnh, thành phố trên khắp Bắc, Trung, Nam của Việt Nam, thu hút được tổng vốn đầu tư 18 tỷ USD và tạo ra 300 nghìn việc làm.

Hoạt động của các khu VSIP cho thấy sự hợp tác bền chặt và niềm tin chung của hai nước vào sự phát triển, đồng thời các khu VSIP cũng cho thấy sự đổi mới và tiến bộ không ngừng. Ví dụ, nếu khu VSIP Bình Dương 1 tập trung phát triển công nghiệp nhẹ thì Bình Dương 3 là một khu công nghiệp xanh, thông minh, có nhà máy năng lượng mặt trời trong khuôn viên, là nơi có nhà máy trung hòa carbon đầu tiên trên thế giới của tập đoàn Lego. Nhiều nhà đầu tư Singapore đã tìm thấy đối tác phù hợp tại Việt Nam.

Ông hy vọng các VSIP sẽ tiếp tục đóng góp vào sự lớn mạnh kinh tế của Việt Nam; đồng thời, đóng góp vào hoạt động hợp tác kinh tế song phương Việt Nam và Singapore. Mặt khác, với chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam và mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, hai bên có nhiều cơ hội để hợp tác, nhất là trong lĩnh vực năng lượng, đổi mới sáng tạo…

3.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đến thời điểm này, có thể khẳng định, hai nước có đủ điều kiện, cơ sở để nâng cấp lên tầm cao mới. Ảnh: Chính phủ

Đủ điều kiện, cơ sở để nâng cấp quan hệ song phương

Về phần mình, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trải qua chặng đường 50 năm vun đắp và phát triển, quan hệ hữu nghị và hợp tác Việt Nam-Singapore không ngừng được củng cố và phát triển tốt đẹp, toàn diện; đồng thời tiếp tục hướng đến tầm cao mới dựa trên sự chia sẻ lợi ích chiến lược, thành quả hợp tác, tình hữu nghị vững chắc giữa hai nước.

Hai bên đã ký kết thỏa thuận về lập quan hệ Đối tác Kinh tế số - Kinh tế xanh (02/2023), tạo tiền đề triển khai hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực kinh tế số, kinh tế xanh, tài chính xanh, năng lượng sạch, ứng phó biến đổi khí hậu…

"Đến thời điểm này, có thể khẳng định, hai nước có đủ điều kiện, cơ sở để nâng cấp lên tầm cao mới, nhất là sau chuyến thăm lần này của Thủ tướng Lý Hiển Long và Phu nhân" - Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu.

Theo Thủ tướng, hợp tác kinh tế - đầu tư - thương mại là trụ cột chiếm vị trí quan trọng nhất trong mối quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Singapore, luôn được quan tâm thúc đẩy phát triển toàn diện.

Về đầu tư, với hơn 3,3 nghìn dự án và 73 tỷ USD vốn đăng ký, Singapore đứng thứ 2/143 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Các nhà đầu tư Singapore đã tham gia hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế và luôn nghiêm túc triển khai các dự án đúng tiến độ, đạt hiệu quả cao.

Ở chiều ngược lại, các nhà đầu tư Việt Nam đã đầu tư sang Singapore hơn 150 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 700 triệu USD, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực hoạt động chuyên môn và khoa học công nghệ.

Trong đó, 11 khu VSIP đã đi vào vận hành, tạo động lực quan trọng trong thu hút đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời là hình mẫu cho quan hệ hợp tác hiệu quả, bền vững, lâu dài giữa hai bên.

Về thương mại, hai nước tiếp tục nằm trong nhóm 15 đối tác thương mại lớn nhất của nhau và theo hướng cân bằng.

Hợp tác trong các lĩnh vực giao thông vận tải, giáo dục - đào tạo, văn hóa, du lịch, giao lưu nhân dân… tiếp tục được quan tâm, đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả quan trọng. Số lượng du học sinh Việt Nam tại Singapore mỗi năm khoảng trên 10.000; nhiều cơ sở giáo dục hai nước đã kết nối để trao đổi việc học tập, giảng dạy. Việt Nam nằm trong 10 thị trường du lịch hàng đầu của Singapore…

Thủ tướng cũng thông báo về những yếu tố nền tảng phát triển, tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam thời gian qua.

Nhất trí cao với những định hướng lớn trong quan hệ hai nước thời gian tới mà Thủ tướng Lý Hiển Long đã nêu, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, cần tập trung kết nối hai nền kinh tế, tập trung vào các lĩnh vực mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nhân lực. Đây cũng là những lĩnh vực mà Việt Nam cần học nhiều hơn ở Singapore.

Mặt khác, trên cơ sở những kết quả và kinh nghiệm đã có, Việt Nam mong muốn tiếp tục mở rộng, phát huy hiệu quả mô hình các khu VSIP theo hướng bền vững, tiến tới hình thành các hệ sinh thái công nghiệp - đổi mới sáng tạo - đô thị - dịch vụ - công nghệ cao tại nhiều địa phương./.

Cùng chuyên mục
  • Ngân sách hỗ trợ lao động miền núi đi làm việc ở nước ngoài
    một năm trước Tài chính
    (BKTO) - Thông tư 55/2023/TT-BTC quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách nhà nước thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 do Bộ Tài chính ban hành đã hướng dẫn cụ thể về việc hỗ trợ người lao động thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
  • Ngân hàng đẩy mạnh cho vay online
    một năm trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Một trong những lý do khiến Thông tư số 06/2023/TT-NHNN được các ngân hàng hết sức trông chờ là một loạt quy định về hoạt động cho vay bằng phương tiện điện tử đã được bổ sung. Thông tư 06 có hiệu lực từ ngày 01/9 tới đây sẽ là cơ sở để các ngân hàng triển khai đại trà áp dụng rộng rãi phương tiện điện tử vào quy trình cho vay.
  • Lãi suất "tìm" mặt bằng mới
    một năm trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Tuần qua, các ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất huy động ở hầu hết các kỳ hạn. Hiện lãi suất huy động của hầu hết ngân hàng thương mại (NHTM) dù áp dụng tất cả các hình thức khuyến mại đều ở mức dưới 7%/năm.
  • Sẽ trình Quốc hội ban hành cơ chế đặc thù cho 3 Chương trình mục tiêu quốc gia
    một năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Tại Kỳ họp thứ 6 tới, Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét ban hành một số cơ chế đặc thù nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các địa phương trong việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) giai đoạn 2021-2025.
  • Cuộc đua ưu đãi chi tiêu hoàn tiền
    một năm trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Các ngân hàng và công ty cung cấp dịch vụ thanh toán trung gian đang chạy đua để đem đến những trải nghiệm chi tiêu tốt nhất, thúc đẩy hình thành môi trường thanh toán số năng động tại Việt Nam. Trong đó, chi tiêu hoàn tiền là một trong những hình thức ưu đãi hấp dẫn người sử dụng thẻ tín dụng.
Thúc đẩy triển khai các dự án hợp tác đầu tư Việt Nam-Singapore