Thúc ép giải ngân tín dụng cuối năm liệu có phải giải pháp khôn ngoan

(BKTO) - “Hiện khoảng 1 triệu tỉ đồng của ngân sách đang bị “nhốt” tại Ngân hàng Nhà nước. Có tiền không tiêu được mới là cái nút thắt ngăn nền kinh tế bứt phá trong bối cảnh kinh tế toàn cầu khó khăn”, ông Phạm Xuân Hoè - chuyên gia kinh tế nhận định. Từ nay đến cuối năm, làm thế nào để tăng trưởng tín dụng đạt được 14% như đã đề ra đầu năm là bài toán khó. Phóng viên Báo Lao Động đã có cuộc trò chuyện với ông Phạm Xuân Hoè - chuyên gia kinh tế về vấn đề này.

pham-xuan-hoe.jpg
Ông Phạm Xuân Hoè - chuyên gia kinh tế. Ảnh: LDO

Thưa ông, tăng trưởng tín dụng mới chỉ hơn 8%, trong khi room dự kiến là 14%, vậy đâu là nguyên nhân chính?

 Tín dụng ngân hàng với khách hàng vay trong nền kinh tế là một trong quan hệ cung cầu vốn quan trọng để hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Cầu vốn đang rất thấp. Vay vốn rồi làm gì có dòng tiền về để trả được lãi vay là bài toán hóc búa.

Khi kinh tế khó khăn, suy giảm tổng cầu từ cầu ngoài nước (xuất khẩu tăng chậm), cầu trong nước suy giảm, doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng cao. Khi không kinh doanh được, chẳng ai cần vay vốn.

Cầu vay tiêu dùng suy giảm mạnh, kinh tế gặp khó, người tiêu dùng thắt hầu bao. Nợ xấu có xu hướng tăng mạnh, nhất là cho vay tiêu dùng. Thậm chí có công ty tài chính tiêu dùng dư nợ giảm mức 2 con số.

Chất lượng dư nợ mới là quan trọng. Nếu cứ thúc ép thì các định chế cho vay tìm cách lách để tăng cho vay tạo tiền gửi như cho khách hàng thân quen vay phong tỏa lại trên tài khoản tiền gửi. Mục tiêu là để có tăng dư nợ theo chỉ tiêu kế hoạch sang năm còn có room tín dụng cao hơn.

Quan điểm của ông thế nào về ý kiến cho rằng để chạy đua chỉ tiêu tăng trưởng 14% thì thời gian còn lại ngân hàng phải đẩy ra nền kinh tế từ khoảng 800.000 tỉ đồng nữa mới đạt?

Tôi không đồng tình cách tính “cua trong lỗ” cho rằng để tăng 14% tín dụng thì phải bơm tiền từ tín dụng 800.000 tỉ đồng.

Muốn tăng được 800.000 tỉ đồng, các ngân hàng phải tăng trưởng thêm gần 1 triệu tỉ đồng nguồn vốn huy động từ nền kinh tế (thị trường I), vì ngân hàng chỉ được cho vay tối đa 80% nguồn vốn huy động từ thị trường I. Vậy nguồn huy động này làm sao có được khi thu nhập của người dân đang khó khăn, DN thua lỗ?

Câu trả lời cuối cùng phải đến từ thị trường cung - cầu vốn sẽ tốt khi nền kinh tế bình thường trở lại, tiền ngân sách chi cho đầu tư công và chi theo các chương trình hỗ trợ theo nghị quyết Quốc hội phải ra được nền kinh tế gần 1 triệu tỉ đồng mới được. Vì tiền bị “nhốt” ở tài khoản của Ngân hàng Nhà nước - tiền này được coi nằm trong kho phát hành, không phải là tiền của nền kinh tế.

Nhìn tổng thể lượng tiền của nền kinh tế vẫn đang thiếu. Theo công bố của Ngân hàng Nhà nước, tổng phương tiện thanh toán (M2) 9 tháng tăng trưởng 5,62%. Tính đơn giản, với tăng trưởng kinh tế 5% cộng với lạm phát 4% thì M2 ít nhất tăng lên là 9%. Đáng chú ý, 1 triệu tỉ của ngân sách cứ nhốt đó có tiền không tiêu được mới là nút thắt ngăn nền kinh tế bứt phá trong bối cảnh kinh tế toàn cầu khó khăn.

Hiện nguồn vốn tăng nhanh trong khi tín dụng không ra được, thanh khoản dư thừa, ngân hàng đang thừa tiền, ông nhận định gì về tình trạng này?

Thanh khoản nói chung của hệ thống ngân hàng hiện nay là tốt. Nhưng ngân hàng không thừa tiền đến mức không biết làm gì. Các ngân hàng đầu tư vào trái phiếu Chính phủ, tín phiếu Kho bạc Nhà nước và tiền đó lại quay lại nhốt vào tài khoản ở Ngân hàng Nhà nước không ra được nền kinh tế như vừa nói trên. Ở đây là bài toán quản trị tài chính quốc gia cũng như phối hợp 2 chính sách tài khóa và tiền tệ cần được cải thiện hiệu quả hơn.

Cần phân tích kỹ bảng cân đối của ngân hàng, nguồn vốn huy động từ nền kinh tế (thị trường I, từ dân và tổ chức) chỉ tăng 7,2% (theo công bố hết tháng 9 của Ngân hàng Nhà nước), chủ yếu đến từ phần tiền lãi nhập gốc của người gửi tiền.

Năm 2022, lãi suất tiền gửi rất cao, có NHTM đưa mức 10,5%/năm, bình quân chung khoản 9%/năm, nay đến kỳ đáo hạn, người gửi không rút ra chi tiêu thì được nhập về gốc nên tăng 7,2% là chuyện rất bình thường. Thậm chí có thể thấy tăng như vậy là chưa cao so những năm trước đây, do phần thu nhập dôi dư do tích lũy từ thu nhập kiếm được đã suy giảm, ngoại trừ phần tích lũy vàng, USD có thể mang bán đi gửi ngân hàng lấy lãi. Đây mới là điều đáng quan tâm hơn trong điều hành tín dụng.

Nếu nguồn vốn tăng trưởng chỉ hơn 7% thì tín dụng tăng đến hết tháng 9.2023 tăng 6,92% như công bố của NHNN là hợp lý.

Tôi cho rằng cung - cầu tín dụng cần được xem xét đưa giải pháp theo đúng quy luật của thị trường. Nhiều bài học tăng trưởng nóng tín dụng (trên 30%) của giai đoạn 2007-2012 đã kích bong bóng tài chính và bất động sản mà nền kinh tế và hệ thống ngân hàng gánh hậu quả đến nay 3 nhiệm kỳ 5 năm sắp qua đi vẫn chưa tái cơ cấu thành công hệ thống các tổ chức tín dụng là cái giá phải trả rất cần suy ngẫm.

Cùng chuyên mục
Thúc ép giải ngân tín dụng cuối năm liệu có phải giải pháp khôn ngoan