Ông nhận định thế nào về tăng trưởng tín dụng tháng cuối năm có thể tăng tốc để cán đích thành công?
Tôi cho rằng, từ đầu năm đến nay, NHNN điều hành tín dụng hợp lý, linh hoạt, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng của nền kinh tế...
Ngày 29/11 vừa qua, NHNN thông báo điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, điều chuyển dòng vốn từ nơi thừa sang nơi thiếu để tránh ứ đọng vốn. Theo số liệu thống kê, đến ngày 23/11/2023, dư nợ toàn hệ thống tăng 8,38% so với cuối tháng 12/2022, đạt 56% mức NHNN đã giao cho các TCTD (14,5%).
Trước tình hình thế giới và trong nước như hiện nay, theo tôi, mức tăng trưởng tín dụng trên cũng là nỗ lực rất lớn, đồng thời đã phản ánh đúng nhu cầu vốn trong nền kinh tế. Rõ ràng, nếu tăng trưởng GDP thấp hơn mục tiêu thì tăng trưởng tín dụng cũng thấp hơn là điều tất yếu.
Với chính sách linh hoạt của cơ quan điều hành, cùng việc các nhà băng đang tích cực tung ra nhiều ưu đãi cho vay hấp dẫn, kết hợp với dịp cuối năm doanh nghiệp tăng cường mua vật liệu sản xuất phục vụ Tết Dương lịch và Âm lịch, tôi kỳ vọng những yếu tố đó có thể thúc đẩy tín dụng tăng trưởng nhanh hơn.
Song thời gian còn lại của năm 2023 chỉ còn chưa đầy 1 tháng, dư địa còn lại của toàn hệ thống để các TCTD mở rộng tăng trưởng tín dụng là rất lớn, ước khoảng gần 6,2%, tương đương với 735 nghìn tỷ đồng. Theo tôi, với thực trạng như hiện tại, khả năng đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng gần như không thể, dù ngành ngân hàng có triển khai mọi biện pháp.
Vậy nguyên nhân nào khiến tăng trưởng tín dụng không thể đạt như mục tiêu, thưa ông?
Cần khẳng định rằng, mô hình kinh doanh chủ yếu của các ngân hàng vẫn là đi vay để cho vay. Chính vì vậy, ngân hàng luôn muốn tìm doanh nghiệp tốt để cho vay vốn, nếu không lại rơi vào tình trạng ứ đọng tiền. Đây là điều không nhà băng nào muốn. Dù vậy, nó vẫn xảy ra trong năm nay trước bối cảnh nền kinh tế đối mặt rất nhiều khó khăn: xuất nhập khẩu giảm mạnh, cầu đầu tư, sản xuất kinh doanh giảm dẫn tới cầu tín dụng giảm tương ứng. Trên thực tế, doanh nghiệp buộc phải thu hẹp sản xuất, co cụm lại để chống chọi với những thách thức sắp tới nên họ không có nhu cầu vay vốn.
Đặc biệt, thị trường bất động sản - lĩnh vực chiếm tỷ trọng dư nợ lớn - lại đang gặp rất nhiều khó khăn, thanh khoản suy giảm. Ngoài ra, còn một nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng không đáp ứng được điều kiện vay vốn hoặc còn vướng mắc về thủ tục pháp lý.
Thực tế trên có thể thấy, tăng trưởng tín dụng thời gian qua chưa được như kỳ vọng và khó đạt mục tiêu không phải từ phía cung mà nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ phía cầu, đó chính là khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.
Thời gian tới, để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng nhanh hơn, theo ông, cần các giải pháp nào?
Về phía ngân hàng, theo tôi, cần tiếp tục nỗ lực triển khai các gói tín dụng ưu đãi, đồng thời tiết giảm chi phí để giảm thêm mặt bằng lãi suất cho vay; quy trình cho vay cần thuận lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp… Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng không được hạ chuẩn tín dụng trong bất cứ trường hợp nào, tăng trưởng tín dụng phải đi đôi với chất lượng. Nếu không, tình hình nợ xấu xảy ra sẽ rất khó kiểm soát.
Bên cạnh nỗ lực của ngân hàng, phải có sự phối hợp hiệu quả của các chính sách khác, đặc biệt là chính sách tài khóa. Theo đó, trước mắt cần đẩy nhanh tiến độ thực thi hoàn thuế giá trị gia tăng, các chính sách giãn, hoãn thuế, phí, tiền thuê đất. Đặc biệt là đẩy mạnh giải ngân đầu tư công. Ngoài ra, phải có các biện pháp kích cầu tiêu dùng nội địa… Chính sách tài khóa cũng cần phải đi vào thực chất hơn, không dàn đều mà tập trung vào một số ngành có vai trò quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Riêng đối với thị trường bất động sản, 70% khó khăn của thị trường này nằm ở vấn đề pháp lý. Vì vậy, nếu sớm tháo gỡ vướng mắc cơ chế cho thị trường bất động sản sẽ tác động tích cực tới tăng trưởng tín dụng thời gian tới và cả năm 2024.
Xin cảm ơn ông!