Đầy đặn, toàn diện nhưng còn thiếu số liệu
Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình và đánh giá cao Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2019. Như nhận định của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, “báo cáo của Chính phủ rất đầy đặn và toàn diện”.
Ảnh: Quang Khánh "Nói tiết kiệm, chống lãng phí thì không phải chỉ tiết kiệm tiền bạc, mà trước hết là thời gian lao động, sức lao động, tiền bạc, tài sản, tài nguyên... tiết kiệm nhiều lắm. Báo cáo của Chính phủ gần như cũng nói hết, chỉ có chỗ này đậm, chỗ kia nhạt. Thời gian lao động, tiền bạc, tài sản, tài nguyên nằm trong quá trình sản xuất kinh doanh, vận hành bộ máy hành chính nhà nước của cả hệ thống chính trị, trong chi tiêu thường xuyên, trong chi tiêu đầu tư công.Đã nói đầu tư công hay chi tiêu công thì lãng phí từ khâu chủ trương, chứ không phải chỉ lúc chi tiền. Có cái chủ trương đúng, nhưng thực hiện chậm, kéo dài lê thê, giải ngân không được, thì coi như lãng phí. Nếu tiết kiệm được thời gian dẫn đến tiết kiệm được sức lao động, nhân lực và tiết kiệm tiền bạc bỏ ra, chi phí sẽ giảm đi. Thủ tục hành chính công mà làm nhanh thì người dân đỡ mất thời gian, công sức, đỡ phải đi tới, đi lui nhiều lần. Do đó, báo cáo này có thể chấp nhận được". Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân |
Báo cáo đã nêu được những kết quả và tồn tại, hạn chế trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2019 trên các lĩnh vực: Xây dựng pháp luật, định mức tiêu chuẩn, chế độ; quản lý ngân sách nhà nước; mua sắm, sử dụng phương tiện, thiết bị làm việc của cơ quan, tổ chức trong khu vực nhà nước; đầu tư xây dựng, quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, nhà ở công vụ và công trình phúc lợi công cộng; quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên; tổ chức bộ máy, quản lý, sử dụng lao động và thời gian lao động; quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp; hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân. Kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên các lĩnh vực này đã có những chuyển biến tích cực hơn, đóng góp quan trọng vào thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, tạo thêm và sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực của đất nước nhằm giải quyết những vấn đề cấp bách phát sinh, bảo đảm an sinh xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, nhờ sự chỉ đạo rất quyết liệt của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong công tác phòng, chống tham nhũng, nhiều vụ việc đã được xử lý rất kiên quyết, lan tỏa đến việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Cải cách thủ tục hành chính, trung tâm phục vụ hành chính công ở các địa phương hoạt động hiệu quả, giúp giảm chi phí về thời gian, tiền bạc cho doanh nghiệp, người dân. Việc sắp xếp, tinh giản tổ chức bộ máy cũng góp phần thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Tuy nhiên, báo cáo còn thiếu số liệu. Đơn cử, trong báo cáo có nêu, vừa rồi Chính phủ đã rà soát, xác định số lượng xe ô tô được sử dụng theo tiêu chuẩn, định mức và xử lý số xe dôi dư theo quy định, nhưng báo cáo chưa có số liệu, kết quả cụ thể về vấn đề này. Việc rà soát, xác định số lượng xe ô tô được sử dụng theo tiêu chuẩn, định mức và xử lý số xe dôi dư được cử tri quan tâm. Chính phủ nói định mức là như thế nhưng sao vẫn thấy nhiều xe biển xanh có giá trị cao? Có những xe theo giá trị thị trường lên đến 8 - 10 tỷ đồng thì có gọi là tiết kiệm, chống lãng phí không?
Bên cạnh đó, người đứng đầu Ủy ban Kinh tế cũng chỉ ra sự bất hợp lý trong tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô là “có cái thì thấp hơn định mức, cái thì quá định mức”. Hiện nay, xe sử dụng theo tiêu chuẩn, định mức của Quốc hội rất cũ, có những xe tuổi đời hơn chục năm, khấu hao thấp so với tiêu chuẩn định mức, chi phí sửa chữa “tiền vá có khi quá tiền may”. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị, báo cáo cần có đánh giá kết quả thực hiện khoán xe công và định hướng của Chính phủ thời gian tới về nhân rộng khoán xe công như thế nào? Nếu không hiệu quả thì nên dừng thực hiện khoán xe công.
Cùng ý kiến về việc báo cáo của Chính phủ còn thiếu số liệu, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh cho rằng, một nội dung rất quan trọng là thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng lao động nhưng báo cáo rất chung chung, không có số liệu cụ thể.
Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị, báo cáo cần phân tích số liệu, như phân tích số liệu về ngân sách, tài chính của các bộ, ngành, địa phương, để thấy các bộ, ngành, địa phương đã tiết kiệm được bao nhiêu phần trăm so với ngân sách được phân bổ, nhằm bảo đảm tính định lượng của báo cáo.
Cần chống lãng phí cả trong xã hội
Báo cáo của Chính phủ nói quá đậm về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ở các mảng của lĩnh vực công mà không đề cập đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ở khu vực xã hội, người dân. Một ví dụ sinh động về sự lãng phí trong xã hội là việc một năm chúng ta tổ chức quá nhiều lễ hội, gây lãng phí nguồn lực. Theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hiện cả nước có gần 8.000 lễ hội, trong đó khoảng 7.000 lễ hội dân gian, hơn 300 lễ hội lịch sử - cách mạng, hơn 500 lễ hội tôn giáo và gần 30 lễ hội du nhập. Chưa kể còn những lễ hội nội bộ như ngành, địa phương, đơn vị, dòng họ… Mặc dù Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các địa phương thực hiện nghiêm việc không sử dụng ngân sách nhà nước vào tổ chức lễ hội, nhưng thực tế, như thành “phong trào”, nhiều địa phương đã tích cực huy động nguồn lực, tiền của của xã hội, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân… để tổ chức lễ hội.
Nêu quan điểm về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, không dùng tiền ngân sách nhà nước nhưng dùng nguồn lực của xã hội thì vẫn là lãng phí. “Đừng nói tôi tổ chức lễ hội không dùng tiền ngân sách là tôi tiết kiệm, không phải! Lẽ ra xin tiền tài trợ đó để làm cầu, đường nông thôn, giúp dân xóa đói giảm nghèo hay huy động nguồn lực xã hội để ứng phó biến đổi khí hậu thay vì để bắn pháo hoa hay tổ chức những lễ hội rất to”. Nhấn mạnh điều này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Chính phủ cần lập lại trật tự trong lĩnh vực lễ hội, kể cả việc huy động nguồn lực trong xã hội; tất cả những nguồn lực đó dành cho dân, cho cuộc sống của nhân dân thì được, giảm bớt tiêu dùng xa xỉ.
Với tinh thần đổi mới và quyết liệt, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, Chính phủ cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, các tầng lớp nhân dân về Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cơ bản nhất trí với những kiến nghị của Chính phủ về giải pháp và đề nghị, cần thực hành tiết kiệm, chống lãng phí một cách quyết liệt hơn, tập trung giải quyết tốt các tồn tại, yếu kém đã diễn ra trong năm 2019, để không mắc lại trong năm 2020. Cần tính đến những yếu tố trong năm 2020, như diễn biến phức tạp và tác động của đại dịch Covid-19 thì những quan hệ xã hội, kinh doanh, sản xuất, điều hành cũng cần có thay đổi.
Đặc biệt, cần chú ý đến công tác xử lý, giải quyết những chính sách hỗ trợ của Nhà nước. “Số tiền lớn cho nên chúng ta phải công khai, minh bạch, chặt chẽ và hiệu quả; phải đến tay người dân; đồng thời, xử lý kịp thời trong tình hình mới”, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ trong phát biểu kết luận phiên họp.