Thực hiện các giải pháp có hiệu quả, đẩy nhanh hơn nữa tiến độ thực hiện và khắc phục những tồn tại, hạn chế trong từng lĩnh vực

(BKTO) - Chiều 1/11, phát biểu kết luận phiên chất và trả lời chất tại Kỳ họp thứ 6, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, phiên chất vấn đã diễn ra trong không khí dân chủ, thẳng thắn và trách nhiệm, tiếp tục có sự trao đổi, tranh luận sôi nổi. Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm nhằm tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả những nội dung yêu cầu tại các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn, đối với từng lĩnh vực.



                
   

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn- Ảnh:quochoi.vn

   
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, sau 3 ngày chất vấn và trả lời chất vấn về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết Kỳ họp thứ 4, đã có 135 đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi chất vấn, có 77 lượt đại biểu tranh luận. Các thành viên Chính phủ, trong đó 19 Bộ trưởng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình, Vũ Đức Đam, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã trực tiếp trả lời chất vấn về các vấn đề thuộc trách nhiệm quản lý, điều hành của mình. Cuối phiên chất vấn, Thủ tướng Chính phủ đã có phát biểu làm rõ thêm một số nội dung thuộc trách nhiệm của Chính phủ và trực tiếp trả lời một số đại biểu có câu hỏi chất vấn đối với Thủ tướng.

“Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp này, có thể coi như là cuộc sơ kết đánh giá giữa nhiệm kỳ đối với việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn, thể hiện thái độ trách nhiệm của Quốc hội trong việc giám sát đến cùng đối với những quyết định của Quốc hội về những vấn đề quan trọng của đất nước, những vấn đề cử tri và nhân dân quan tâm. Nội dung chất vấn tại kỳ họp này có phạm vi rộng, nhiều chất vấn của đại biểu liên quan đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành ở hầu hết các lĩnh vực, của cả khối hành pháp và tư pháp”- Chủ tịch Quốc hội nói.

Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, phiên chất vấn đã diễn ra trong không khí dân chủ, thẳng thắn và trách nhiệm, tiếp tục có sự trao đổi, tranh luận sôi nổi, không chỉ giữa đại biểu với người trả lời chất vấn, mà còn tranh luận giữa các đại biểu với nhau để làm rõ thêm vấn đề.

“Quốc hội ghi nhận sự nghiêm túc, cầu thị, tinh thần trách nhiệm của các thành viên Chính phủ, của các ngành trong việc trả lời chất vấn và tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội”- Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Trên cơ sở những kết quả đạt được và những tồn tại, hạn chế, Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ một nhiệm vụ các Bộ, ban, ngành liên quan cần tập trung thực hiện trong thời gian tới.

Đáng chú ý, đối với lĩnh vực công thương, cần tiếp tục rà soát xử lý đối với 12 dự án thua lỗ bảo đảm giảm thiểu tối đa thiệt hại cho Nhà nước; có giải pháp phù hợp để xử lý vướng mắc đối với từng dự án; tiếp tục thanh tra, kiểm toán, điều tra xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm.

Tăng cường rà soát, đánh giá hệ thống thủy điện, kiên quyết xử lý các công trình, dự án thủy điện vi phạm pháp luật về đầu tư, về bảo vệ môi trường, không thực hiện nghiêm quy trình về xả lũ; triển khai các giải pháp để đầu tư, cung cấp điện lưới cho người dân ở các vùng nông thôn, miền núi, hải đảo chưa có điện, phấn đấu đến năm 2020 toàn bộ các thôn, bản sẽ có điện.

Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, ngăn chặn và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm, xử lý trách nhiệm người đứng đầu địa phương, cơ quan và công chức quản lý để xảy ra việc buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; xây dựng quy chế phối hợp giữa Trung ương và địa phương để triển khai hoạt động của lực lượng quản lý thị trường; giám sát, quản lý đối với đội ngũ làm công tác này, không để xảy ra các vi phạm.

Triển khai chiến lược phát triển thương mại nội địa; đề án nâng cao chất lượng hàng Việt Nam; tích cực, chủ động, phối hợp với các hiệp hội, các cơ quan, tổ chức chuẩn bị tốt công tác phòng vệ thương mại, bảo đảm quyền lợi của DN trong nước nhưng vẫn phát huy hiệu quả của tiến trình hội nhập.

Đối với lĩnh vực tài chính, kế hoạch và đầu tư, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về thuế, bảo đảm đảm tính trung lập, ổn định nguồn thu từ các sắc thuế; tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp để thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, bảo đảm huy động đầy đủ nguồn thu cho NSNN. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi trốn thuế; xử lý hiệu quả tình trạng nợ đọng thuế, phấn đấu giảm tỷ lệ nợ đọng qua từng năm; sớm báo cáo Quốc hội tổng thể các khoản nợ đọng thuế và phương án xử lý; tăng cường biện pháp quản lý hóa đơn và việc mua bán sử dụng hóa đơn.

Kiểm soát chặt chẽ nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn cho phép; hạn chế tối đa cấp bảo lãnh Chính phủ cho các khoản vay mới; bố trí nguồn trả nợ đầy đủ, đúng hạn; không chuyển vốn vay về cho vay lại, bảo lãnh Chính phủ thành vốn cấp phát ngân sách nhà nước. Tiếp tục thực hiện các giải pháp cơ cấu lại tỷ trọng nợ nước ngoài của Chính phủ, kiểm soát chặt chẽ hoạt vay nợ nước ngoài theo cơ chế tự vay tự trả của DN.

Thực hiện quản lý chặt chẽ cơ chế tài chính về đất đai trong cổ phần hóa DN; có giải pháp phù hợp để xử lý dứt điểm các vấn đề liên quan đến thanh toán bằng đất đai trong các dự án BT, đảm bảo tiến tới thực hiện nguyên tắc đấu giá công khai đối với các dự án BT.

Xử lý dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ bản trong kế hoạch, không để phát sinh nợ đọng mới. Rà soát, sửa đổi các quy định về điều kiện đầu tư để bảo đảm khuyến khích hoạt động đầu tư, nhưng không ảnh hưởng đến quốc phòng an ninh. Thực hiện việc quản lý nguồn vốn ODA theo đúng quy định của Luật, bảo đảm chặt chẽ về mặt thủ tục nhưng cũng cần phải rà soát phân loại đối với từng lĩnh vực, khu vực để phát huy được hiệu quả của nguồn vốn quan trọng này.

Đối với nhiệm vụ của Ngân hàng Nhà nước, cần triển khai hiệu quả việc cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu theo Nghị quyết của Quốc hội; đẩy mạnh việc triển khai thực hiện việc thanh toán không sử dụng tiền mặt cả ở khu vực tư và khu vực công bảo đảm an toàn, hiệu quả. Tiếp tục thực hiện các giải pháp quản lý thị trường ngoại tệ, thị trường vàng phù hợp nhằm chuyển hóa các nguồn vốn vào hoạt động sản xuất, kinh doanh; kiểm soát tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro cao.

Rà soát, nghiên cứu áp dụng có chọn lọc việc áp dụng trần lãi suất tiền gửi đối với đồng Việt Nam phù hợp với nguyên tắc thị trường, bảo đảm an toàn hệ thống tiền tệ, khi thấy đủ điều kiện thì dỡ bỏ quy định này. Đồng thời, sớm xem xét trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 96/2014/NĐ-CP của Chính phủ về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng để đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn.

Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ nhiệm vụ đối với Tổng kiểm toán Nhà nước, đó là: Thực hiện nghiêm quy định pháp luật trong hoạt động kiểm toán, kiên quyết chuyển các cơ quan có thẩm quyền xử lý đối với các sai phạm do Kiểm toán Nhà nước phát hiện theo quy định.

“Những nội dung thuộc các lĩnh vực này Quốc hội sẽ tiếp tục xem xét, giám sát việc thực hiện tại các kỳ họp sau”- Chủ tịch Quốc hội cho biết.

N.HỒNG
Cùng chuyên mục
Thực hiện các giải pháp có hiệu quả, đẩy nhanh hơn nữa tiến độ thực hiện và khắc phục những tồn tại, hạn chế trong từng lĩnh vực