Thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới: Không để thách thức cản trở đổi mới giáo dục

(BKTO) - Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, song ngành giáo dục cả nước vẫn nêu cao tinh thần quyết tâm đảm bảo các điều kiện dạy và học, duy trì chất lượng giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), trọng tâm là thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (Chương trình mới).



Vẫn còn nhiều thách thức

Qua báo cáo của các địa phương về tình hình triển khai Chương trình mới, trong bối cảnh ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh, song ngành giáo dục các địa phương đã thể hiện quyết tâm, nỗ lực trong triển khai thực hiện, trong đó tập trung bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, lựa chọn sách giáo khoa, xây dựng tài liệu giáo dục...
                
   

Ngành giáo dục đang nỗ lực đảm bảo các điều kiện phục vụ dạy và học.
   Ảnh tư liệu

   

Theo Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Lai Châu Đinh Trung Tuấn, ngay sau khi Chương trình mới được triển khai, địa phương đã chỉ đạo quyết liệt, quán triệt các văn bản chỉ đạo của Trung ương, đặc biệt hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, nhờ đó quá trình triển khai được thông suốt. Đặc biệt, mặc dù chịu ảnh hưởng chung của dịch bệnh, song ngành giáo dục địa phương vẫn nỗ lực duy trì hoạt động dạy học cho học sinh.

Tại Hà Tĩnh, dù trong điều kiện dịch bệnh nhưng Chương trình mới trên địa bàn tỉnh được triển khai tương đối thuận lợi. Tỉnh đã cấp gần 200 tỷ đồng mua sắm trang thiết bị dạy học; bảo đảm đủ giáo viên Ngoại ngữ, Tin học triển khai Chương trình mới với lớp 3 năm học tới.

Bên cạnh những thuận lợi và kết quả đạt được, theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học Nguyễn Xuân Thành, hầu hết các địa phương đều gặp khó khăn khi thiếu nguồn tuyển giáo viên Tin học, tiếng Anh (Tiểu học); các môn nghệ thuật ở cấp trung học phổ thông. Nhiều nơi, đặc biệt là các địa phương vùng khó, cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện dạy học, thiết bị thí nghiệm... còn thiếu, không đồng bộ.

Đặc biệt, khó khăn về kinh phí cho triển khai Chương trình mới là vấn đề nổi cộm hiện nay. Có thời điểm việc xác định nguồn chi cho Chương trình chưa được hướng dẫn cụ thể, dẫn đến khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện. Tại nhiều địa phương phải thực hiện nhiều nội dung chi và ưu tiên các nhiệm vụ chính trị khác như phòng, chống dịch Covid-19, xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo… dẫn tới khó khăn trong đầu tư cho triển khai Chương trình.

Trước những khó khăn nêu trên, ngành giáo dục các địa phương cho biết đã tích cực tham mưu với UBND tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng dạy học, đáp ứng yêu cầu đổi mới. Từ thực tiễn triển khai và gặp vướng khi một số vấn đề vượt quá thẩm quyền của địa phương, Giám đốc Sở GD&ĐT Lào Cai Dương Bích Nguyệt kiến nghị Bộ GD&ĐT bổ sung kinh phí mua sắm trang, thiết bị dạy học tối thiểu cho các cấp học; nghiên cứu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các chính sách hỗ trợ học sinh, sinh viên, giáo viên khu vực khó khăn; có phương án bổ sung nguồn tuyển giáo viên, đặc biệt là các môn Âm nhạc, Mỹ thuật; có hướng dẫn để giải quyết khó khăn vướng mắc trong việc phát hành tài liệu giáo dục địa phương;…

Đảm bảo đủ giáo viên giảng dạy là ưu tiên hàng đầu

Xác định giáo viên là nhân tố rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình triển khai Chương trình mới, các Sở GD&ĐT cho biết sẽ tiếp tục tham mưu xây dựng, tuyển dụng đội ngũ giáo viên theo hướng đảm bảo đủ số lượng, cơ cấu bộ môn hợp lý. Trong đó, ưu tiên biên chế để tuyển dụng giáo viên cho những môn học mới. Tích cực, chủ động bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, tập trung đẩy mạnh công tác đào tạo đáp ứng yêu cầu chuẩn trình độ đào tạo.

Theo Sở GD&ĐT tỉnh Tuyên Quang, năm học 2021-2022, toàn tỉnh còn thiếu hơn 4.000 giáo viên các bậc học, đặc biệt là giáo viên tham gia giảng dạy các môn mới. Để khắc phục tình trạng trên, ngành giáo dục đã thực hiện các giải pháp cụ thể như: thực hiện kế hoạch dồn ghép, sắp xếp trường, lớp học để đảm bảo nâng cao chất lượng giáo dục và tiết kiệm biên chế giáo viên. Đồng thời, giảm tối đa định mức nhân viên trong các đơn vị trường học để dành biên chế bố trí đủ định mức giáo viên; xây dựng chính sách khuyến khích phát triển giáo dục ngoài công lập để giảm tải cho các cơ sở giáo dục công lập…
                
   

Đảm bảo đủ giáo viên phục vụ giảng dạy, đặc biệt các môn theo Chương trình mới là ưu tiên hàng đầu. Ảnh: N.LỘC

   

Đây cũng là vấn đề trọng tâm đang được Bộ GD&ĐT quan tâm tìm cách tháo gỡ, đồng thời chỉ đạo các Sở GD&ĐT chú trọng thực hiện. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ lưu ý, trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải có đủ giáo viên để đảm bảo quyền được học của học sinh, các địa phương cần quan tâm để bảo đảm đủ đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu triển khai Chương trình mới, đặc biệt là giáo viên dạy Ngoại ngữ, Tin học ở lớp 3, Âm nhạc, Mỹ thuật ở lớp 10 từ năm học 2022-2023.

Các địa phương cần có cơ chế điều tiết giáo viên dạy liên trường, gắn với đảm bảo chế độ chính sách cho giáo viên; hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thầy cô, bảo đảm có đủ đội ngũ để đáp ứng yêu cầu học tập của học sinh. Bộ GD&ĐT sẽ chỉ đạo các trường sư phạm tổ chức các mã ngành, đào tạo giáo viên dạy các môn học đáp ứng nhu cầu thực tế.

Ghi nhận những nỗ lực của ngành giáo dục các địa phương trong bối cảnh nhiều khó khăn vừa qua, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn chia sẻ, đây là lần tiến hành đổi mới rất toàn diện, chuyển đổi về cả cách tiếp cận, định hướng và triết lý. Kỳ vọng của Đảng, Nhân dân rất cao, nhưng lại được tiến hành trong bối cảnh nguồn lực tài chính, con người thiếu thốn, đặc biệt là do ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19… Tuy nhiên, “không vì khó khăn mà ngành giáo dục buông xuôi, ảnh hưởng đến quyền lợi của học sinh” - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Để việc chuẩn bị các điều kiện thực hiện chương trình mang tính dài hơi, Bộ trưởng đề nghị Sở GD&ĐT cần tham mưu tổng thể, không chỉ cho năm học 2022-2023 mà tính toán đầy đủ các phần việc cho các năm tiếp theo. “Ngay từ bây giờ các địa phương phải nhìn thấy toàn bộ vấn đề cơ sở vất chất, đội ngũ giáo viên, các điều kiện khác cho tới năm học 2024-2025 - năm triển khai chương trình, sách giáo khoa mới ở các lớp cuối cùng để có tham mưu cụ thể, tránh thấy việc tới đâu mới tham mưu tới đó” - Bộ trưởng lưu ý.
         
Trước tình trạng thiếu giáo viên giảng dạy hiện nay, Bộ GD&ĐT đang phối hợp với Bộ Nội vụ trình bổ sung 27.850 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông, nhất là giáo viên phục vụ giảng dạy theo Chương trình mới. Năm học 2021-2022, tại 63 địa phương nhu cầu cần bổ sung là 65.980 giáo viên. Trong đó, cấp học tiểu học 23.550 giáo viên, cấp trung học cơ sở 1.261 giáo viên và cấp trung học phổ thông 2.244 giáo viên.
N.LỘC


Cùng chuyên mục
Thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới: Không để thách thức cản trở đổi mới giáo dục