Thực hiện kiến nghị kiểm toán có nhiều chuyển biến tích cực

(BKTO) - Nghị quyết số 91/2023/QH15 ngày 19/6/2023 của Quốc hội yêu cầu Kiểm toán nhà nước (KTNN) đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương xử lý dứt điểm các kiến nghị xử lý tài chính tồn đọng từ năm 2020 trở về trước. Vấn đề này được xử lý như thế nào khi có nhiều nguyên nhân không thực hiện được kiến nghị của KTNN như đối tượng được kiểm toán đã giải thể, phá sản...?

8-2.jpg
Quang cảnh Họp báo. Ảnh: N.LỘC

Tỷ lệ thực hiện kiến nghị tăng thu, giảm chi đạt 92%

Đó là một trong số hàng loạt câu hỏi cụ thể được phóng viên Báo Đầu tư đặt ra tại cuộc Họp báo của KTNN, chiều 02/7. Phóng viên cũng nêu vấn đề có nên xóa số tiền mà KTNN kiến nghị với đối tượng đủ điều kiện, tương tự như Quốc hội cho phép xóa nợ thuế với người nợ thuế giải thể, phá sản, chết, mất tích theo Nghị quyết số 94/2019/QH14 hay không?

Đồng thời, Nghị quyết số 91/2023/QH15 yêu cầu năm 2023 phải xử lý, thu hồi dứt điểm về ngân sách nhà nước (NSNN) các khoản thu, chi, chuyển nguồn NSNN không đúng quy định theo kiến nghị của KTNN trong niên độ ngân sách năm 2021 và năm 2020 trở về trước, vậy tình hình đã được xử lý đến đâu?

Phóng viên cũng đặt vấn đề, theo KTNN thì chỉ có 0,4% số kiến nghị không được thực hiện do nguyên nhân trách nhiệm của KTNN. KTNN có thể giải thích rõ hơn về tỷ lệ quá thấp này?...

Giải đáp các câu hỏi của phóng viên, ông Vũ Ngọc Tuấn - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp (KTNN) đã chia thành 2 vấn đề. Vấn đề thứ nhất liên quan đến việc thực hiện Nghị quyết số 91/2023/QH15 về phê chuẩn quyết toán ngân sách niên độ 2021 và vấn đề thứ hai liên quan đến yêu cầu xử lý thu hồi dứt điểm các khoản thu, chi và chuyển nguồn NSNN không đúng quy định.

Đối với vấn đề xử lý các khoản thu - chi và chuyển nguồn NSNN không đúng quy định, ông Vũ Ngọc Tuấn khẳng định, hằng năm, KTNN đều có kiến nghị xử lý tài chính như trong công khai báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2023 và kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của KTNN năm 2022. Cụ thể, đối với kiến nghị kiểm toán năm 2022 về niên độ 2021, tính đến ngày 31/12/2023, các đơn vị đã thực hiện kiến nghị xử lý tài chính về tăng thu, giảm chi NSNN 31.719,05 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 92%; thực hiện kiến nghị khác 30.566,16 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 83%. Ngoài ra, đối với các kiến nghị kiểm toán trước năm 2022, trong năm 2023 các đơn vị được kiểm toán đã tiếp tục thực hiện thêm 10.302,89 tỷ đồng. Tuy nhiên, số kiến nghị chưa thực hiện đến ngày 31/12/2023 là 67.513,03 tỷ đồng, trong đó nguyên nhân chưa thực hiện do nhóm nguyên nhân thuộc về đơn vị được kiểm toán 39.803,83 tỷ đồng, chiếm 59%; nhóm nguyên nhân thuộc về trách nhiệm của KTNN 283,07 tỷ đồng, chiếm 0,4%; nhóm nguyên nhân thuộc về bên thứ 3 là 16.591,2 tỷ đồng chiếm 24,6%; nhóm nguyên nhân khác 10.834,93 tỷ đồng, chiếm 16%.

Thời gian qua, KTNN đã tập trung rà soát rất kỹ lưỡng kết quả thực hiện kiến nghị trong 10 năm gần đây. Trong các nhóm nguyên nhân chưa thực hiện kiến nghị thì nhóm nguyên nhân thuộc về KTNN chiếm tỷ lệ 0,4% và chúng tôi thẳng thắn thừa nhận đây là trách nhiệm của KTNN. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực hơn nữa để đảm bảo các kiến nghị kiểm toán là khả thi, trừ những nguyên nhân khách quan như cá nhân mất tích… hoặc đơn vị giải thể, phá sản. Đó là những vấn đề không chỉ mình KTNN giải quyết được mà cần có sự phối hợp với các cơ quan chức năng để xác minh, điều tra làm rõ và đi đến tận cùng các kết luận, kiến nghị kiểm toán.

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung

Qua kiểm toán năm 2023 về niên độ 2022, KTNN đã phát hiện và kiến nghị các Bộ, ngành, địa phương, đơn vị được kiểm toán thực hiện tăng thu, giảm chi NSNN 21.344,49 tỷ đồng, kiến nghị khác 28.586,29 tỷ đồng (chưa đủ thủ tục, chưa được quản lý, theo dõi, chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt và các khoản ngoài ngân sách...).

Quyết liệt trong xử lý những kiến nghị chưa thực hiện

Liên quan đến vấn đề xử lý, thu hồi dứt điểm các khoản thu, chi không đúng quy định, sau khi Quốc hội phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2021 tại Nghị quyết số 91/2023/QH15, Tổng Kiểm toán nhà nước đã ban hành ngay văn bản chỉ đạo để triển khai thực hiện. Năm 2023, qua kiểm toán báo cáo quyết toán NSNN năm 2022, KTNN cũng đã kiểm tra việc thực hiện kết luận kiểm toán theo yêu cầu của Nghị quyết số 91 và kết quả thực hiện xử lý thu hồi cũng đã được tổng hợp trong báo cáo công khai kết quả kiểm toán của KTNN (gồm số thực hiện kiến nghị xử lý tài chính về tăng thu, giảm chi NSNN và số thực hiện tăng thêm từ các kiến nghị trước đó).

Tất nhiên, trong số các khoản thu, chi sai có những nội dung chưa được thực hiện dứt điểm. Chính vì vậy, trong báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN năm 2022 tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, chúng tôi cũng đã báo cáo tình hình thực hiện các kiến nghị này - ông Vũ Ngọc Tuấn chia sẻ và cho biết thêm, tại Nghị quyết số 132/2024/QH15 ngày 24/6/2024, Quốc hội đã phê chuẩn thông qua quyết toán NSNN năm 2022, trong đó cũng yêu cầu Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các Bộ, cơ quan trung ương và các địa phương, các đơn vị quản lý thu, chi NSNN tiếp tục thực hiện chặt chẽ, dứt điểm các khoản thu - chi theo kết luận, kiến nghị kiểm toán.

Theo ông Vũ Ngọc Tuấn, thông thường thì cứ năm sau KTNN sẽ kiểm tra tình hình thực hiện kiến nghị kiểm toán của niên độ năm trước và kết quả thực hiện kiến nghị thường đảm bảo khoảng 80%. Ở các năm sau đó, KTNN lại tiếp tục kiểm tra các kiến nghị còn lại chưa thực hiện. Khoảng 5 năm gần đây, tỷ lệ thực hiện kiến nghị của KTNN đạt khoảng 86%; riêng năm 2023, tỷ lệ thực hiện kiến nghị kiểm toán tăng cao. Để đạt được kết quả đó thì ngoài việc quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo KTNN và sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành, địa phương thì cũng có tác dụng tích cực từ Phiên giải trình về việc thực hiện các kết luận, kiến nghị kiểm toán do Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội tổ chức ngày 08/9/2023. Để phục vụ cho phiên giải trình, trước đó, KTNN cũng như Ủy ban Tài chính - Ngân sách và các Bộ, ngành, địa phương đã tiến hành rà soát và làm việc xuyên suốt từ đầu năm, chính vì vậy, kết quả thực hiện kiến nghị của năm 2023 đạt cao hơn. Tuy nhiên, vẫn còn những kiến nghị chưa được thực hiện kịp thời và cả những kiến nghị khó có khả năng thực hiện.

Chính vì vậy, tại Phiên chất vấn của kỳ họp Quốc hội vừa qua, Tổng Kiểm toán nhà nước đã trả lời nhiều câu hỏi liên quan đến vấn đề thực hiện kiến nghị kiểm toán và cũng đã báo cáo Quốc hội, có kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương nghiên cứu cơ chế xử lý đối với những trường hợp không thực hiện kiến nghị kiểm toán, những trường hợp không còn có khả năng thực hiện được kiến nghị kiểm toán do các đơn vị phá sản, giải thể hoặc cá nhân đã chết, mất năng lực hành vi dân sự và các trường hợp bất khả kháng khác. Khi thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 7 vừa qua, Quốc hội đã giao cho Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu về vấn đề này. Trong Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2022, Quốc hội cũng đưa ra nhiệm vụ KTNN phối hợp với Chính phủ nghiên cứu, đề xuất giải pháp để đến khi trình báo cáo quyết toán NSNN năm 2023 sẽ báo cáo Quốc hội - lãnh đạo Vụ Tổng hợp cho biết.

Liên quan đến nội dung xóa nợ thuế cho đối tượng giải thể, phá sản, Nghị quyết số 94/2019/QH14 đã quy định rất chặt chẽ. Tuy nhiên, kể cả khi kiểm toán kiến nghị đúng nhưng trong quá trình thực hiện kiến nghị kéo dài có thể dẫn đến những trường hợp phát sinh. Ví dụ như kiểm toán kiến nghị một nhà thầu phải giảm chi để nộp NSNN nhưng sau đó nhà thầu phá sản, giải thể. Lúc này, cần làm rõ trách nhiệm cuối cùng của ai, nếu sai phạm đó là do chủ đầu tư thanh toán sai thì chủ đầu tư phải có trách nhiệm chứ không thể lấy cớ do nhà thầu phá sản, giải thể rồi không thu hồi được để xóa nợ./.

Cùng chuyên mục
Thực hiện kiến nghị kiểm toán có nhiều chuyển biến tích cực