Thái Lan: SAI đóng vai trò quan trọng trong thẩm định tính đảm bảo của báo cáo phát triển bền vững

(BKTO) - Vừa qua, Kiểm toán nhà nước (KTNN) Thái Lan đã công bố một báo cáo có chủ đề: “Đảm bảo báo cáo bền vững và vai trò hiện đại của các cơ quan kiểm toán tối cao (SAI)”.

Trong kỷ nguyên phát triển bền vững, trách nhiệm giải trình và tính minh bạch được đặt lên hàng đầu, các SAI trở thành những nhân tố chủ chốt và vai trò của họ trong việc Thẩm định tính đảm bảo của báo cáo phát triển bền vững (SRA) - một giai đoạn quan trọng trong quá trình xây dựng báo cáo phát triển bền vững - ngày càng trở nên quan trọng, phản ánh sự thay đổi theo hướng tích hợp các vấn đề về tính bền vững vào cốt lõi của hoạt động giám sát và quản trị tổ chức.

thai.jpg
Các SAI ngày càng chú trọng tăng cường năng lực, nâng cao hiệu quả giám sát. Ảnh: ST

KTNN Thái Lan hiện là cơ quan đứng đầu Dự án hợp tác với KTNN Indonesia, nỗ lực phát triển khái niệm về SRA, bao gồm bản chất của SRA, các phương pháp được SAI sử dụng và ý nghĩa công việc của SAI trong bối cảnh báo cáo phát triển bền vững ngày càng được quan tâm như hiện nay.

KTNN Thái Lan cho biết, nền tảng của SRA hiệu quả nằm ở việc SAI thiết lập một khuôn khổ pháp lý chặt chẽ. Điều này liên quan đến việc đảm bảo cơ sở pháp lý rõ ràng cho các hoạt động của tổ chức, có thể mở rộng phạm vi kiểm toán tài chính truyền thống để bổ sung các cân nhắc về tính bền vững. Hướng đến những nỗ lực này, SAI có thể xây dựng các khuôn khổ riêng và tuân thủ các chuẩn mực được quốc tế công nhận.

Giai đoạn lập kế hoạch rất quan trọng, liên quan đến việc đánh giá rủi ro để xác định các lĩnh vực trong báo cáo phát triển bền vững có sai sót. Đặc trưng của giai đoạn này là sự phân tích báo cáo kỹ lưỡng, xem xét các rủi ro về tính bền vững của tổ chức. Việc xác định phạm vi kiểm toán là yếu tố vô cùng quan trọng trong giai đoạn này.

Cốt lõi của SRA phải dựa trên việc thực hiện các quy trình nghiêm ngặt để xác minh tính chính xác và độ tin cậy của thông tin được báo cáo. Quá trình này bao gồm việc đánh giá chi tiết các hệ thống báo cáo, xác minh dữ liệu và đánh giá các biện pháp kiểm soát nội bộ để đảm bảo độ tin cậy của dữ liệu.

Sau khi kết thúc các quy trình, SAI sẽ đưa ra tuyên bố đảm bảo. Tuyên bố này không chỉ mô tả phạm vi kiểm toán mà còn đưa ra ý kiến rõ ràng về tính đầy đủ và chính xác của báo cáo. Ngoài phạm vi đánh giá đơn thuần, SAI thường đề xuất các lộ trình nhằm tăng cường hoạt động quản lý và báo cáo phát triển bền vững, thúc đẩy văn hóa cải tiến liên tục.

Một khía cạnh đáng chú ý trong cách thức tiếp cận hiện đại của SAI đối với SRA là nhấn mạnh vào việc hợp tác và trao đổi kiến thức. Thông qua Nhóm công tác về Kiểm toán Môi trường của Tổ chức quốc tế Các cơ quan Kiểm toán tối cao, các SAI trên thế giới tham gia chia sẻ các thông lệ tốt nhất và những đổi mới trong đảm bảo tính bền vững. Sự hợp tác này rất cần thiết giúp các SAI giải quyết những thách thức và sự phức tạp ngày càng tăng trong hoạt động đảm bảo và báo cáo phát triển bền vững.

Sự tham gia của các SAI vào SRA mang lại nhiều lợi ích, từ việc tăng cường niềm tin và trách nhiệm giải trình của công chúng trong báo cáo bền vững đến hỗ trợ các tổ chức sẵn sàng về mặt pháp lý khi các yêu cầu của chính phủ về báo cáo bền vững ngày càng tăng. Do đó, các SAI cần nâng cao khả năng thích ứng và đầu tư liên tục vào việc tăng cường chuyên môn để vượt qua các thách thức trong thực hiện SRA.

KTNN Thái Lan kết luận, bằng cách đảm bảo độ tin cậy của các báo cáo phát triển bền vững, SAI có thể nâng cao niềm tin của công chúng cũng như thúc đẩy việc cải tiến liên tục các hoạt động phát triển bền vững ở mọi lĩnh vực. Trong bối cảnh thế giới phải đối mặt với những thách thức cấp bách về tính bền vững, hoạt động của SAI trong SRA ngày càng đóng vai trò là trụ cột của trách nhiệm giải trình và tính minh bạch./.

(Theo KTNN Thái Lan)

Theo: KTNN Thái Lan
Copy Link
Cùng chuyên mục
Thái Lan: SAI đóng vai trò quan trọng trong thẩm định tính đảm bảo của báo cáo phát triển bền vững