Nhiều thách thức ở tương lai phía trước
Nhìn về tương lai, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn nhận định: Chặng đường phía trước của KTNN tiếp tục đặt ra những thách thức, những yêu cầu và nhiệm vụ mới phù hợp với bối cảnh mới của xu thế hội nhập quốc tế, cách mạng công nghiệp 4.0 và các vấn đề mới nổi (dịch bệnh, biến đổi khí hậu, an ninh phi truyền thống…) và những kỳ vọng ngày càng cao của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Nhân dân về chất lượng kiểm toán, về vai trò chủ động, tích cực của KTNN giúp Quốc hội trong hoạt động giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, là công cụ hữu hiệu của Đảng và Nhà nước trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực…
Để thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ đặt ra, trước mắt là mục tiêu Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030, KTNN tiếp tục kiên trì thực hiện đồng bộ các giải pháp trên cơ sở 3 trụ cột phát triển về khuôn khổ pháp lý, nguồn nhân lực và công nghệ; kế thừa và phát huy truyền thống 30 năm xây dựng và phát triển; xây dựng văn hoá KTNN “Kỷ cương - Liêm chính - Chuyên nghiệp - Hiện đại”; tiếp tục kiên định với phương châm hành động “Chất lượng và đạo đức công vụ”, hướng tới nền tài chính quốc gia minh bạch, bền vững. Tập thể lãnh đạo, cán bộ công chức và người lao động của KTNN không ngừng nỗ lực, cống hiến để KTNN là cơ quan kiểm toán có trách nhiệm và uy tín, đáp ứng được yêu cầu của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Nhân dân.
Với tinh thần đoàn kết, nỗ lực, không ngừng đổi mới, sáng tạo, tận tụy của lãnh đạo KTNN, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của KTNN, tôi tin tưởng rằng KTNN sẽ hoàn thành sứ mệnh, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó; xứng đáng là cơ quan kiểm toán tài chính, tài sản công có trách nhiệm và uy tín; góp phần quan trọng nâng cao năng lực quản lý, quản trị tài chính, tài sản công, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”.
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải
Chia sẻ quan điểm về định hướng tương lai của KTNN trên khía cạnh pháp lý, nguyên Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh cho rằng, cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý của KTNN để đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới đất nước, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Muốn vậy, trước hết cần tổng kết, đánh giá việc thực thi pháp luật, là cơ sở để trình các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống pháp luật về KTNN.
Là người từng được giao nhiệm vụ giúp Tổng Kiểm toán nhà nước chỉ đạo công tác pháp chế của KTNN, ông Đặng Thế Vinh bày tỏ quan điểm cá nhân và mong muốn lớn nhất là làm sao tiếp tục nâng cao vị thế, vai trò, địa vị pháp lý của KTNN trong Hiến pháp. Hiện nay, trong Chương 10 của Hiến pháp đã có 1 Điều quy định về địa vị pháp lý của KTNN, mong rằng tới đây, khi điều kiện và thời điểm chín muồi cho phép có thể bổ sung được quy định KTNN là cơ quan kiểm toán tối cao việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công thì địa vị pháp lý của KTNN sẽ cao hơn. Điều này cũng phù hợp với quy định của Hiến pháp và thông lệ quốc tế của nhiều nước.
KTNN đã là một thiết chế kiểm tra tài chính nhà nước cao nhất
Theo quan điểm của ông Nguyễn Sĩ Dũng - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, về khung khái niệm thì cơ quan kiểm toán tối cao nghĩa là trên nó không còn cơ quan kiểm toán nào cao hơn nữa. Ở nước ta, địa vị pháp lý của cơ quan KTNN đã đạt được một bước tiến lớn, bởi vì trước đây KTNN được quy định là một cơ quan dưới luật, được thành lập bằng nghị định; sau đó được nâng lên thành cơ quan do luật định và bây giờ KTNN Việt Nam là cơ quan được hiến định, như vậy có lẽ cũng là rất cao rồi. Bởi vì Quốc hội, Chính phủ cũng là cơ quan được hiến định và KTNN cũng là cơ quan được hiến định. Chỉ có điều, cũng như chia sẻ của nguyên Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh, có thể bổ sung quy định về KTNN trong Hiến pháp cho rõ hơn và cần có nhận thức của hệ thống đó là KTNN không phải là một cơ quan ở vị trí thấp.
Trong tiến trình phát triển, KTNN luôn nhận được sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; sự hợp tác, chia sẻ của các tổ chức quốc tế, và sự quan tâm của xã hội.
Kết quả 30 năm qua cũng là minh chứng, ghi nhận sự nỗ lực phấn đấu, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách của tập thể lãnh đạo, công chức và người lao động KTNN trong suốt 30 năm đã tạo nên những bước tiến vững chắc, toàn diện.
Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn
Cũng liên quan đến vấn đề này, PGS,TS. Đặng Văn Thanh - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Ngân sách của Quốc hội, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam - nêu rõ, quá trình hình thành, phát triển của KTNN cho thấy sự thay đổi về nhận thức và thay đổi cả về quy định của luật pháp về cơ quan KTNN, từ chỗ nước ta chỉ coi KTNN là cơ quan trực thuộc Chính phủ, giúp Thủ tướng Chính phủ, sau đó, KTNN đã trở thành cơ quan KTNN do Quốc hội thành lập. Điều này được hiến định tại Điều 118 Hiến pháp năm 2013: “KTNN là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công”.
Theo ông Đặng Văn Thanh: “Tôi cho là các nội dung được nêu tại Điều 118 rất quan trọng và ngay từ khi sửa đổi Hiến pháp cũng đã tính đến chuyện có chữ tối cao hay không? Khi đó, mọi người khẳng định rằng, nếu thực hiện được Điều 118 thì thực ra KTNN đã là một thiết chế kiểm tra tài chính nhà nước cao nhất trong hệ thống nhà nước Việt Nam và tối cao thực ra là cơ quan cao nhất mà thôi. Tất nhiên, về mặt nhận thức là như vậy, nhưng để nhận thức ấy lan tỏa trong toàn xã hội, đến tất cả cơ quan thì đã đến lúc phải tính tới việc sửa Luật KTNN để KTNN tiếp tục thực hiện được các mục tiêu như Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 đã nêu và khi sửa Luật KTNN phải tính tới ngoài Điều 118, Hiến pháp đã quy định, cần khẳng định rằng trong hệ thống của Nhà nước Việt Nam hiện nay, cơ quan kiểm tra, kiểm soát tài chính cao nhất chỉ có KTNN. Bởi vì chúng ta có hệ thống kiểm tra, thanh tra như Thanh tra Chính phủ, thanh tra ngành, thanh tra lĩnh vực nhưng cơ quan thanh tra hệ thống tài chính nhà nước cao nhất là KTNN”.
“KTNN nên làm như vậy để thuyết phục các cơ quan và đây là cả một quá trình nhận thức không chỉ của các cơ quan lập pháp mà cần nhận thức của toàn xã hội, nhận thức của hệ thống bộ máy công quyền cũng như nhận thức trong quá trình phát triển về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” - PGS,TS. Đặng Văn Thanh nhấn mạnh./.