Thực hiện thành công Tuyên bố Hà Nội: Khẳng định sự lớn mạnh của ASOSAI và những nỗ lực vì môi trường, phát triển bền vững

(BKTO) - Tại Cuộc họp Ban Điều hành Tổ chức Các cơ quan kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) lần thứ 56 diễn ra chiều 06/9, KTNN Việt Nam - Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021 đã báo cáo kết quả thực hiện Tuyên bố Hà Nội. Theo đó, với một nửa chặng đường công tác của nhiệm kỳ diễn ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp ở hầu hết các quốc gia châu Á và trên thế giới, song với những nỗ lực và đóng góp trách nhiệm của các SAI thành viên, Tuyên bố Hà Nội đã được thực hiện với nhiều kết quả nổi bật, trọng tâm là hai trụ cột chiến lược - bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.



                
   

Đoàn KTNN- Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021 - tham dự Cuộc họp Ban Điều hành ASOSAI 56 diễn ra theo hình thức trực tuyến.

   

Với những kết quả này, ASOSAI khẳng định sự lớn mạnh và có những đóng góp tích cực vào các hoạt động của cộng đồng kiểm toán quốc tế.

Những đóng góp quan trọng cho bảo vệ môi trường

Tại Cuộc họp Ban Điều hành ASOSAI 56, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Nguyễn Bá Dũng thay mặt KTNN Việt Nam -Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021 - trình bày dự thảo Báo cáo kết quả thực hiện Tuyên bố Hà Nội.

Nổi bật trong thực hiện Tuyên bố Hà Nội nhiệm kỳ qua, đó là ASOSAI cùng với các SAI thành viên đã thực hiện hiệu quả Chiến lược 01: “Thúc đẩy việc chia sẻ kiến thức trong cộng đồng ASOSAI trong lĩnh vực kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững”.

Theo đó, ASOSAI liên tục đóng vai trò tham gia tích cực vào các hoạt động của cộng đồng kiểm toán quốc tế thông qua Nhóm Công tác về kiểm toán môi trường ASOSAI (ASOSAI WGEA). Sau Đại hội ASOSAI lần thứ 14, dưới vai trò dẫn sắt của KTNN Việt Nam – Chủ tịch ASOSAI, các SAI, đặc biệt là nhóm ASOSAI WGEA luôn tích cực chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm giữa các SAI thành viên, khuyến khích việc thực hiện kiểm toán hợp tác xuyên biên giới, thành lập giải thưởng “Tầm nhìn Xanh”. Giải thưởng lần đầu tiên được khởi xướng để tuyên dương và khuyến khích các thành viên của ASOSAI WGEA thực hiện tốt hơn vai trò của mình trong kiểm toán môi trường.

Các SAI cũng tích cực áp dụng khoa học và công nghệ thông tin vào hoạt động kiểm toán môi trường như: tăng cường sử dụng hệ thống định vị toàn cầu (GIS) và công nghệ viễn thám để đánh giá tác động của hoạt động khai thác khoáng sản; sử dụng dữ liệu viễn thám để nghiên cứu hoạt động sử dụng đất đai; sử dụng thiết bị ghi hình không người lái để tính toán phạm vi và khối lượng khai thác cát… Đặc biệt, Trung tâm đào tạo kiểm toán của SAI Ấn Độ đã xây dựng các biểu mẫu đánh giá rủi ro và báo cáo theo mô hình Động lực - Áp lực - Chính quyền bang - Tác động - Ứng phó (DPSIR), các chỉ số và tiêu chí SDGs phù hợp với Hướng dẫn kiểm toán hoạt động của SAI Ấn Độ để xác định những lĩnh vực và chủ đề kiểm toán tiềm năng về môi trường.
         
Tuyên bố Hà Nội là văn kiện quan trọng thể hiện và khẳng định sự quan tâm, nỗ lực và đóng góp của ASOSAI trong việc theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững. Tất cả những nỗ lực của các Nhóm công tác, Ủy ban ASOSAI cũng như các SAI thành viên trong việc thực hiện hai trụ cột chiến lược của Tuyên bố Hà Nội đều có giá trị lớn đối với sự phát triển của ASOSAI và sẽ được kế thừa và phát triển là trụ cột ưu tiên trong kế hoạch chiến lược cũng như các văn kiện quan trọng của ASOSAI trong các giai đoạn tiếp theo.

Một số SAI đã liên tục đào tạo, cập nhật chuyên môn kiểm toán cho kiểm toán viên. Tiêu biểu, SAI Ấn Độ đã tổ chức 29 chương trình đào tạo quốc gia cho 634 học viên sau Đại hội ASOSAI 14 và cung cấp các chương trình tăng cường năng lực về phân tích dữ liệu trong kiểm toán môi trường cho 1.543 kiểm toán viên.

Góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững

Một dấu ấn quan trọng khác của ASOSAI trong nhiệm kỳ 2018-2021 chính là việc ra quyết định về đề xuất thành lập Nhóm công tác về thực hiện mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) ngay tại Cuộc họp Ban điều hành ASOSAI lần thứ 54 tháng 7/2019 tại Cô-oét. Đây là sáng kiến đầu tiên và tiên phong của Nhóm làm việc khu vực của INTOSAI trong việc thực hiện SDGs. Quyết định thông qua việc thành lập Nhóm công tác SDGs tại Đại hội lần thứ 15 cho thấy sự sẵn sàng và chủ động của ASOSAI đối với những vấn đề mang tính thời sự toàn cầu.

Đặc biệt, trong giai đoạn 2020-2022, ASOSAI đã phối hợp với Ủy ban Chia sẻ kiến thức của INTOSAI và Tổ chức Sáng kiến phát triển INTOSAI (IDI-KSC) triển khai thực hiện Chương trình kiểm toán hợp tác về SDGs với chủ đề: “Hệ thống y tế quốc gia bền vững và nhanh chóng phục hồi” theo mô hình toàn diện và khép kín về phát triển bền vững của INTOSAI với sự tham gia của 26 quốc gia châu Á và 03 quốc gia khu vực Thái Bình Dương. Đây là một nỗ lực rất lớn của ASOSAI nói chung và các SAI thành viên nói riêng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang tạo nên khủng hoảng và hệ lụy khó lường trên quy mô toàn cầu.

Các chương trình/dự án kiểm toán này đã hỗ trợ các SAI thành viên trong việc đóng góp, hỗ trợ cho các cơ quan quốc gia đạt được các chính sách quan trọng liên quan đến SDGs. Thông qua các cuộc kiểm toán về SDGs, các SAI đã một lần nữa khẳng định được vị trí quan trọng của mình trong khu vực công, bằng cách đảm bảo khả năng đáp ứng của các cuộc kiểm toán với những tình huống mới. Vì vậy, nhiều chương trình/dự án kiểm toán về SDGs đang được lên kế hoạch tiến hành trong tương lai gần.
                
   

Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Nguyễn Bá Dũng trình bày báo cáo

   

Những thành tựu của các Nhóm công tác ASOSAI cũng như các SAI thành viên đã chứng minh rằng ASOSAI đang trở thành một Nhóm khu vực kiểu mẫu và tổ chức năng động, theo đuổi các giá trị cốt lõi “chuyên nghiệp, hợp tác, hòa nhập, đổi mới, sẵn sàng ứng phó” - đại diện KTNN Việt Nam nhấn mạnh.

Tiếp tục nỗ lực vì mục tiêu phát triển chung, đóng góp nhiều hơn cho xã hội

Trên cơ sở những kết quả đạt được trong bối cảnh đầy thách thức như vừa qua, trong thời gian tới, ASOSAI cũng xác định một số nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện. Trong đó, để thúc đẩy lĩnh vực kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững, ASOSAI sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hợp tác, tăng cường chia sẻ kiến thức giữa các SAI thành viên bằng cách tận dụng các nền tảng kỹ thuật số. Kiến nghị này hoàn toàn gắn kết và phù hợp với Mục tiêu chiến lược số 03 trong Kế hoạch chiến lược ASOSAI 2022-2027: Tận dụng tối đa tiến bộ kỹ thuật vào hoạt động kiểm toán công.

Các SAI sẽ tăng cường chia sẻ kinh nghiệm và phổ biến kiến thức thông qua hội thảo, tọa đàm, trao đổi chuyên gia; hình thức đào tạo kết hợp “trực tuyến và trực tiếp” về kiểm toán môi trường cần được liên tục theo đuổi vì đại dịch Covid-19. Ngoài ra, để tham gia tốt hơn vào các khóa đào tạo trong tương lai, đặc biệt là nền tảng ảo, các bản sao của các bài thuyết trình hoặc tài liệu đào tạo sẽ được phổ biến trước để cho phép những người tham gia có ý tưởng trước về chủ đề.

“Việc đẩy mạnh hoạt động hợp tác giữa các SAI và các bên liên quan (đơn vị được kiểm toán và xã hội dân sự) sẽ giúp tạo nên một bức tranh toàn diện về các thành phần liên quan đến hoạt động kiểm toán môi trường” – Dự thảo báo cáo nêu.

ASOSAI WGEA sẽ nỗ lực hơn nữa để hoàn thành trách nhiệm của mình, chủ động thực hiện Kế hoạch hoạt động 2020-2022 để thúc đẩy công tác quản trị môi trường và sinh thái Châu Á; đồng thời tích cực phối hợp với các bên liên quan thúc đẩy các chương trình hợp tác liên khu vực trong việc chia sẻ kinh nghiệm, triển khai các chương trình tăng cường năng lực cho các SAI thành viên về kiểm toán môi trường.
         
Giai đoạn 2018-2021 với những trở ngại lớn do đại dịch Covid-19 trong 02 năm liên tiếp (2020-2021), ASOSAI đã đi được một chặng đường khá dài và đáng khích lệ trong việc triển khai các khuyến nghị của Tuyên bố Hà Nội. Trong bối cảnh đầy khó khăn, các SAI thành viên cam kết sẽ tiếp tục cùng chung tay vượt qua đại dịch và tiếp tục cống hiến hết mình cho một ASOSAI ngày càng lớn mạnh, một châu Á ngày càng xanh tươi và phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, ASOSAI sẽ xem xét mục tiêu chiến lược ưu tiên số 02 trong Kế hoạch Chiến lược INTOSAI giai đoạn 2017-2022 về thực hiện SDGs, đồng thời nỗ lực hơn nữa trong việc thúc đẩy các hoạt động tăng cường năng lực cho các SAI thành viên về SDGs. Các SAI được khuyến nghị tích cực tham gia các diễn đàn quốc tế; áp dụng kết hợp nhiều phương pháp, kỹ thuật kiểm toán tích hợp vào Kế hoạch chiến lược của SAI.

“Những đề xuất, kiến nghị của các SAI thành viên trong việc cải thiện hoạt động của ASOSAI về kiểm toán môi trường và SDGs sẽ được ghi nhận và phản ánh trong Tuyên bố Băng Cốc. Các kiến nghị này sẽ tiếp tục được Nhóm nòng cốt kế hoạch chiến lược ASOSAI tiếp thu và cụ thể hóa trong Kế hoạch chiến lược ASOSAI 2022-2027” - KTNN Việt Nam cho biết.

Tại Cuộc họp Ban Điều hành ASOSAI 56, Báo cáo thực hiện Tuyên bố Hà Nội đã được các SAI thành viên nhất trí thông qua.
NGUYỄN LỘC VÀ NHÓM PHÓNG VIÊN
Cùng chuyên mục
Thực hiện thành công Tuyên bố Hà Nội: Khẳng định sự lớn mạnh của ASOSAI và những nỗ lực vì môi trường, phát triển bền vững