Thực thi hiệu quả các chính sách hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế

(BKTO) - Các chuyên gia kinh tế cho rằng, hành trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam sẽ luôn phải đối mặt với không ít thách thức, trắc trở khó lường. Vì vậy, Việt Nam cần nỗ lực không ngừng, hành động tốc độ, đột phá, sáng tạo, quyết liệt và khéo léo xử lý tình thế khó khăn, quản trị tốt các loại hình rủi ro khác nhau. Khi đó, nền kinh tế sẽ được "đền đáp" bằng những thành quả phát triển xứng đáng.



                
   

Nhiều DN đã phục hồi sản xuất kinh doanh sau ảnh hưởng của đại dịch. Ảnh minh họa: dangcongsan.vn

   

Cần hỗ trợ cả những doanh nghiệp làm ăn hiệu quả

TS. Võ Trí Thành - Chuyên gia kinh tế nhấn mạnh, trong bối cảnh hiện nay, nếu chỉ nói về dịch là chưa đủ. Thế giới còn nhiều rủi ro bất định như thiên tai, lạm phát, sự đứt gãy chuỗi cung ứng, khan hiếm nguồn cung nguyên vật liệu và giá logistics tăng cao. Đây là những vấn đề gây trắc trở cho hồi phục kinh tế. Bởi Việt Nam là một nền kinh tế rất mở về thương mại, đầu tư, du lịch... nên rất khó tránh khỏi những ảnh hưởng bất lợi đó.

Một rủi ro nữa không thể không nhắc tới là rủi ro tài chính, trực tiếp liên quan tới những nguy cơ tiềm ẩn trong thị trường chứng khoán, bất động sản, thị trường tiền “ảo”... vốn đã và đang được đẩy lên một phần đáng kể nhờ đầu cơ quá mức. Lạm phát tại Việt Nam năm 2021 thấp, vẫn trong tầm kiểm soát, nhưng cũng đã xuất hiện áp lực “chi phí đẩy”. Nhưng điều đáng quan tâm ở đây nằm ở khả năng chống chịu các cú sốc và năng lực quản trị rủi ro của Chính phủ và DN.

Đưa ra quan điểm về chính sách đối với các DN, TS. Huỳnh Thế Du - Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright nêu rõ: “Trên thực tế, những chính sách mà Nhà nước không phải chi tiền ra như giảm, giãn, hoãn nộp thuế là rất khả thi đối với bối cảnh Việt Nam hiện nay. Ngược lại, những chính sách như hỗ trợ tín dụng với lãi suất thấp hay đầu tư ngân sách cho một số hoạt động là cả một quá trình với các thủ tục và những yêu cầu chặt chẽ do có rất nhiều quy định và vấn đề nội tại bên trong”.

Theo TS. Huỳnh Thế Du, nhìn vào những giải pháp miễn giảm thuế, tiền thuê đất và những vấn đề liên quan được triển khai thông qua các gói hỗ trợ thì các chính sách này đang hoạt động theo cơ chế thị trường. Về bản chất, khu vực DN luôn là mục tiêu tạo ra nhiều của cải nhất cho xã hội và những chính sách miễn giảm thuế hiện tại sẽ hỗ trợ cho những DN đang làm ăn hiệu quả vẫn có thể tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.

“Có thể coi đây là “sự phá hủy sáng tạo”, khi mà nguồn lực được chuyển sang đối tượng sử dụng hiệu quả hơn. Sự sáng tạo trong hoàn cảnh này mang hàm ý là các giải pháp đưa ra có khả năng làm tái sinh, phục hồi đối tượng về trạng thái trước khi những trục trặc của nền kinh tế xảy ra thông qua việc tái phân bổ nguồn lực” - TS. Huỳnh Thế Du bình luận.

Mặc dù có một số ý kiến cho rằng việc hỗ trợ cho các DN mạnh là không công bằng nhưng theo TS. Huỳnh Thế Du, vấn đề cần phải làm rõ ở đây là công bằng trong khu vực sản xuất, khu vực kinh doanh, khu vực thị trường là công bằng theo nguyên tắc “người thổi sáo hay nhất sẽ được cây sáo tốt nhất”, chứ không phải công bằng trong chính sách an sinh xã hội. Giá trị trong chính sách an sinh xã hội là lo cho nhóm người yếu thế, còn với khu vực thị trường - khu vực tạo ra giá trị thì cần tập trung nguồn lực cho những đối tượng có khả năng sử dụng gói hỗ trợ hiệu quả nhất.

Gia tăng hiệu quả của chính sách hỗ trợ

Đề cập đến tính hiệu quả của chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế cho rằng, khi triển khai thực hiện các chương trình hỗ trợ, cần phải có sự phối hợp nhịp nhàng hơn nữa giữa các chính sách, nhất là chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác thì mới đảm bảo được hiệu quả của những chương trình nằm trong gói hỗ trợ mà không tạo ra những tác dụng phụ như lạm phát, bong bóng tài sản… ngoài mong muốn.

Hơn nữa, cần hết sức chú trọng cải tiến hiệu quả, tính kịp thời trong khâu thực thi của các chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tránh xảy ra tình trạng kịch bản hay nhưng thực thi lại không hiệu quả.

Cũng khuyến nghị những giải pháp, TS. Võ Trí Thành cho rằng, cần phải đảm bảo mức cao nhất cho hoạt động sản xuất kinh doanh diễn ra bình thường, qua đó góp phần tạo công ăn việc làm, thu nhập cho người lao động, đồng thời tăng sức đề kháng cho nền kinh tế, DN và người dân trong trường hợp dịch bệnh tiếp tục kéo dài.

Song song với đó là phải hành động khôn khéo, quyết liệt và đẩy tốc độ để không lỡ nhịp phục hồi kinh tế chung. Dưới góc độ vĩ mô, tin tích cực là dự báo kinh tế thế giới năm 2022 vẫn tiếp tục đà phục hồi tuy tốc độ sẽ giảm đi ít nhiều do một số quốc gia sẽ giảm dần liều lượng hỗ trợ và mức độ nới lỏng tiền tệ.

Tại Việt Nam, dưới tác động của chương trình thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế, kinh tế sẽ tăng trưởng tuy không quá cao nhưng cũng có thể là một điểm khởi đầu tốt, tạo đà cho bước tiến tiếp theo của kinh tế Việt Nam./.
H.THOAN

Cùng chuyên mục
Thực thi hiệu quả các chính sách hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế