Hệ thống cơ sở dữ liệu phức tạp của các ngân hàng thương mại
Hệ thống ngân hàng đã không ngừng nỗ lực phấn đấu, thực hiện có hiệu quả nhiều chính sách, biện pháp phù hợp với thực tế tình hình, đạt được nhiều kết quả rất quan trọng như: điều hành chủ động, linh hoạt hơn các công cụ chính sách tiền tệ, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các nhu cầu thanh khoản, ổn định và thông suốt các thị trường tiền tệ, ngoại hối, giảm mặt bằng lãi suất thị trường, cung cấp đầy đủ, kịp thời nguồn vốn tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh.
Xuất phát từ vai trò đặc biệt quan trọng của các NHTM, việc kiểm toán báo cáo tài chính cũng như hoạt động của các NHTM, đặc biệt là các NHTM có vốn nhà nước đóng vai trò quan trọng trong hoạt động kiểm toán của KTNN. Qua đó, KTNN kiến nghị hệ thống ngân hàng quản lý, sử dụng tài chính, tài sản nhà nước đúng pháp luật, hiệu quả, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội bền vững.
Theo Trưởng phòng Kiểm toán CNTT (KTNN chuyên ngành VII) Lê Anh Vũ, NHTM là các tổ chức ứng dụng CNTT sớm nhất, mạnh nhất, rộng nhất và đã thay đổi nhanh nhất trong hoạt động quản lý, cung cấp các dịch vụ ngân hàng. Cùng với sự phát triển của nền kinh tế và nhu cầu của khách hàng, quy mô hoạt động của các NHTM ngày càng mở rộng dẫn đến xu thế nâng cấp, mở rộng, thay thế hệ thống cũ bằng những hệ thống CNTT mà cốt lõi là các Corebanking thế hệ mới. Hiện nay, tất cả các NHTM đều hoạt động dựa trên các hệ thống Corebanking hiện đại, phức tạp, các cơ sở dữ liệu được quản lý, khai thác dựa trên các hệ thống kho dữ liệu (data wharehouse) rất lớn. Bên cạnh đó, sự thay đổi nhanh chóng về các công nghệ liên quan đến hoạt động ngân hàng đặc biệt là công nghệ Blockchain được xác định là tương lai của hệ thống ngân hàng.
KTNN đang ứng dụng ngày càng rộng rãi CNTT vào hoạt động kiểm toán. Trong ảnh, cán bộ Trung tâm Tin học giới thiệu với các đại biểu về hệ thống CNTT của KTNN, trong đó có việc kiểm soát hoạt động kiểm toán qua môi trường số. Ảnh: N.LỘC |
Khác với hệ thống CNTT tại ngân hàng chính sách là các hệ thống tự phát triển trong nước, hệ thống Corebanking của NHTM là hệ thống phần mềm đóng và phức tạp dẫn đến rất khó khăn trong việc tìm hiểu toàn diện hệ thống, toàn bộ cơ sở dữ liệu, phần mềm, quy trình trên hệ thống CNTT trong một thời gian ngắn. Do vậy, nhóm CNTT phối hợp chặt chẽ với nhóm thu thập thông tin tài chính để tập trung tìm hiểu việc quản lý các dữ liệu quan trọng như: dữ liệu tín dụng, tiền gửi, dữ liệu khách hàng, dữ liệu kế toán để phục vụ công tác đánh giá chọn mẫu kiểm toán… |
Nhận thức được vai trò của CNTT trong hoạt động kiểm toán nói chung, kiểm toán NHTM nói riêng, căn cứ định hướng của Tổ chức quốc tế các cơ quan kiểm toán tối cao (INTOSAI) về phát triển kiểm toán CNTT, trong những năm qua, KTNN đã thực hiện các cuộc kiểm toán CNTT lồng ghép hoặc độc lập về CNTT đối với một số đơn vị, lĩnh vực sử dụng CNTT trong quản lý, điều hành, đặc biệt là NHTM, nhằm hỗ trợ đánh giá hệ thống kiểm soát nội bộ. Trong đó, trọng tâm là đánh giá tính hiệu quả, hiệu lực của hệ thống CNTT; việc tuân thủ các quy định trong quản lý, vận hành hệ thống CNTT; đánh giá rủi ro có sai phạm trọng yếu liên quan đến báo cáo tài chính phát sinh từ hệ thống xử lý dữ liệu CNTT... Qua kiểm toán đã mang lại nhiều kết quả đáng ghi nhận, cũng như mở ra những hướng đi mới, góp phần nâng cao hiệu quả kiểm toán.
Những kết quả bước đầu trong kiểm toán dữ liệu lớn tại ngân hàng thương mại
Theo KTNN chuyên ngành VII – đơn vị có chức năng giúp Tổng Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán các tổ chức tín dụng - để tiến hành cuộc kiểm toán áp dụng dữ liệu lớn tại các NHTM, một nhóm CNTT thực hiện khảo sát thu thập thông tin tại NHTM. Ngoài ra, nhóm cũng tập trung tìm hiểu việc quản trị, cấu hình các tham số trên hệ thống CNTT như: tham số về lãi suất, tham số quản lý khoản vay, tiền gửi…. Dựa trên dữ liệu thu thập, Nhóm CNTT phối hợp với Nhóm kiểm toán tài chính sử dụng phần mềm CAATS (chủ yếu là các phần mềm Excel, Idea, SQL) để phân tích chọn mẫu tập trung toàn hệ thống.
Việc phân tích dữ liệu không chỉ được thực hiện trong giai đoạn khảo sát mà còn áp dụng trong giai đoạn thực hiện kiểm toán. Trong quá trình kiểm toán, khi có phát hiện cá biệt tại các chi nhánh, Nhóm kiểm toán CNTT tại Hội sở chính sẽ thực hiện đánh giá hệ thống CNTT liên quan đến phát hiện đó. Nếu phát hiện có tính chất toàn hệ thống do thiếu sót về kiểm soát trên hệ thống CNTT, Nhóm CNTT sẽ thực hiện phân tích, tính toán số liệu toàn ngành liên quan đến phát hiện đó.
Việc ứng CNTT, đặc biệt là khai thác dữ liệu lớn trong hoạt động kiểm toán NHTM đã đạt nhiều kết quả tích cực. Ảnh: Tạp chí Tài chính |
Với cách tiếp cận kiểm toán như trên, trong những năm qua, KTNN đã đạt được một số kết quả nhất định liên quan đến việc áp dụng dữ liệu lớn kiểm toán tại NHTM, như: thông tin về các khoản vay với nhiều trường thông tin chi tiết, các bút toán hạch toán tài khoản và một số thông tin quản trị khác được khai thác, phân tích dữ liệu với quy mô toàn hệ thống thay vì quy mô từng chi nhánh, giúp nâng cao đáng kể hiệu quả kiểm toán. Một số cuộc kiểm toán CNTT tại các NHTM đã chỉ ra nhiều tồn tại trong công tác quản trị hệ thống, quản trị dữ liệu liên quan đến việc lập báo cáo tài chính, như: thiếu chốt kiểm soát tại các phần mềm quản lý tài sản đảm bảo, phân loại nợ, quản lý cơ cấu nợ….
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Loan - Trưởng phòng Phòng Kiểm toán các tổ chức tài chính 1 (KTNN chuyên ngành VII), một trong những kết quả đáng chú ý mà KTNN đạt được qua kiểm toán có ứng dụng CNTT tại NHTM, đó là, cuộc kiểm toán hệ thống CNTT năm 2016 tại một NHTM đã chỉ ra sai sót trên hệ thống CNTT liên quan đến việc tính toán lãi của các khoản tiền gửi không kỳ hạn chưa đầy đủ cho khác hàng. Bằng việc áp dụng phần mềm tính toán phân tích hàng trăm triệu bản ghi, cuộc kiểm toán đã chỉ ra dù sai sót nhỏ trong việc tính toán song với quy mô số giao dịch rất lớn cũng dẫn đến sai sót trong số liệu hạch toán, làm ảnh hưởng đến quyền lợi khách hàng. Các phát hiện đã gây được sự chú ý của xã hội đối với việc kiểm toán hệ thống CNTT của các NHTM.
Bên cạnh những kết quả đạt được, qua thực tiễn kiểm toán vừa qua, KTNN chuyên ngành VII cho biết, vẫn còn những khó khăn, vướng mắc đặt ra trong hoạt động kiểm toán mà đơn vị kiểm toán, các kiểm toán viên cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện. Trong đó, các khó khăn nổi lên như: việc tiếp cận, thu thập, khai thác dữ liệu từ hệ thống CNTT các NHTM còn nhiều khó khăn, hạn chế; các dữ liệu chi tiết khai thác hiện tại chủ yếu là các dữ liệu liên quan đến các hoạt động tín dụng, tiền gửi và một số dữ liệu kế toán khác… Bên cạnh đó, các dữ liệu có tính chất thời điểm, chưa có sự liên kết dữ liệu nhiều năm và giữa các NHTM, đặc biệt là các dữ liệu lớn liên quan đến các giao dịch, quản lý dòng tiền chưa được khai thác; do vậy chưa thể áp dụng các biện pháp phân tích dữ liệu lớn và sâu để xác định rủi ro nhằm tăng hiệu quả kiểm toán.
NGUYỄN LỘC