Thực trạng các cuộc kiểm toán nợ công của Kiểm toán Nhà nước

(BKTO) - Trong thời gian qua, KTNN đã tiến hành các cuộc kiểm toán chuyên đề về quản lý nợ công và kiểm toán nợ công lồng ghép trong cuộc kiểm toán báo cáo quyết toán NSNN hằng năm. Nội dung kiểm toán chủ yếu là: kiểm toán các báo cáo nợ công của Chính phủ; kiểm toán nợ của Chính phủ; kiểm toán việc cấp và quản lý các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh; kiểm toán nợ của chính quyền địa phương; kiểm toán việc quản lý và sử dụng Quỹ Tích lũy trả nợ; kiểm toán Báo cáo quyết toán NSNN…



Một số kết quả từ các cuộc kiểm toán về nợ công

Kết quả kiểm toán về nợ công qua các năm đã chỉ ra một số hạn chế trong công tác quản lý nợ công, đó là: công tác tổ chức và quản lý nợ công vẫn chưa được tập trung thống nhất theo quy định của Luật Quản lý nợ công. Cụ thể như: Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tổ chức việc huy động, phân bổ sử dụng vốn vay; Bộ Tài chính chủ trì tổ chức thực hiện việc rút vốn, thanh toán, thu hồi nợ và bố trí trả nợ; các địa phương, DN tổ chức thực hiện chương trình, dự án sử dụng vốn vay. Tại Bộ Tài chính, việc quản lý nợ công phân tán tại nhiều đơn vị. Chẳng hạn, Vụ Tài chính Ngân hàng quản lý bảo lãnh phát hành trái phiếu trong nước; Vụ NSNN thực hiện và quản lý các khoản vay khác của NSNN, tổng hợp các khoản nợ của chính quyền địa phương; Kho bạc Nhà nước thực hiện và quản lý phát hành trái phiếu chính phủ, vay tồn ngân kho bạc…

Kết quả kiểm toán cũng cho thấy sự thiếu gắn kết chặt chẽ giữa khâu huy động vốn với tổ chức thực hiện và trả nợ vay, dẫn đến tình trạng bị động trong việc cân đối nguồn trả nợ cũng như khuyến khích sử dụng vốn vay hiệu quả, tiết kiệm. Việc tổng hợp số liệu nợ công theo một đầu mối thống nhất còn khó khăn, dẫn đến còn sai sót.

Ngoài ra, KTNN cũng đã chỉ ra những hạn chế, bất cập trong các quy định, chính sách liên quan tới một số khía cạnh cụ thể của công tác quản lý nợ công, đồng thời đưa ra những kiến nghị sửa đổi và hoàn thiện chính sách, như:
Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao kế hoạch vốn chưa phù hợp với đăng ký nhu cầu vốn của các Bộ, ngành, địa phương…

Bộ Tài chính ghi thu - ghi chi vốn vay nước ngoài chưa kịp thời, chưa đúng niên độ; chưa tổng hợp, phân tích, đánh giá rủi ro (tín dụng, tỷ giá...) đối với các khoản cho vay lại để xác định tình hình nợ xấu và nghĩa vụ nợ dự phòng của Chính phủ; việc đối chiếu với các cơ quan cho vay lại chưa kịp thời; chưa cập nhật số liệu rút vốn các năm trước, chưa điều chỉnh số liệu sau khi đối chiếu với chủ nợ; theo dõi và tổng hợp thiếu số liệu nợ…

KTNN đã đưa ra một số ý kiến mang tính cảnh báo đối với tình hình vay nợ của Chính phủ và việc quản lý, sử dụng nợ công, tạo được sự quan tâm của Quốc hội, các cơ quan chức năng và công chúng trước tình hình vay nợ của đất nước, góp phần thúc đẩy các cơ quan quản lý nợ có biện pháp quản lý tốt hơn.

Chất lượng kiểm toán nợ công vẫn còn hạn chế

Mặc dù đã đạt được một số kết quả nhất định song chất lượng kiểm toán nợ công của KTNN vẫn còn hạn chế.

Thực tế, Đề cương Kiểm toán nợ công đã được ban hành vào năm 2016, nhưng việc thực hiện một số mục tiêu, nội dung kiểm toán chưa đạt được theo yêu cầu của Đề cương, chưa đánh giá được tính kinh tế, hiệu quả, hiệu lực của công tác quản lý và sử dụng nợ công.

Lĩnh vực liên quan đến nợ công vốn rất rộng, có nhiều đơn vị tham gia quản lý và sử dụng. Tuy nhiên, những năm qua, KTNN mới chỉ tập trung vào việc thu thập bằng chứng để đánh giá công tác theo dõi, hạch toán, tổng hợp số liệu nợ công và xác nhận số liệu nợ công. Việc kiểm toán tình hình sử dụng nợ công chưa được thực hiện trong các cuộc kiểm toán này, nếu có thì quy mô kiểm toán còn quá nhỏ so với tổng thể, không đủ cơ sở đánh giá tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả của việc sử dụng nợ.

Công tác kiểm toán chủ yếu được thực hiện tại các cơ quan tổng hợp về tài chính nên không đánh giá, làm rõ được hiệu quả sử dụng nợ công cụ thể, chính xác tại các đơn vị sử dụng.

Về bản chất, vấn đề quản lý và sử dụng nợ công mang tính đặc thù cao, song KTNN chưa xây dựng được đội ngũ cán bộ, chuyên gia am hiểu về nợ công và quản lý nợ công, có thể giúp Tổng Kiểm toán Nhà nước trong việc hoạch định chiến lược cũng như thực hiện kiểm toán nợ công hàng năm hiệu quả.

Một số kiểm toán viên mới tiếp cận lĩnh vực kiểm toán nợ công, chưa nắm rõ được nghiệp vụ, quy trình vay, theo dõi, hạch toán, quản lý và sử dụng nợ công, chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ giữa các đơn vị có liên quan trong việc quản lý và sử dụng nợ công nên gặp nhiều khó khăn trong khai thác thông tin, phân tích, đánh giá số liệu để đưa ra các kết quả, kết luận và kiến nghị kiểm toán phù hợp.

Các cuộc kiểm toán nợ công của KTNN mới chỉ đi sâu kiểm toán tính tuân thủ trong việc vay nợ, đánh giá quy mô, tỷ trọng nợ, chưa đưa ra kiến nghị mang tầm vĩ mô để giúp Quốc hội, Chính phủ hoàn thiện bộ máy và khắc phục các bất cập trong công tác quản lý nợ, chưa đi sâu đánh giá cơ cấu nợ, các rủi ro về tỷ giá, lãi suất, rủi ro về thanh khoản… đối với các khoản nợ công.

Công tác phối hợp, cung cấp tài liệu, giải trình của các cơ quan quản lý nợ công với nhau và với đoàn, tổ kiểm toán còn hạn chế, còn có trường hợp đùn đẩy trách nhiệm, gây khó khăn, cản trở cho công tác kiểm toán.
NHỊ NGUYÊN (ghi)
Theo Báo Kiểm toán số 30 ra ngày 25-7-2019
Cùng chuyên mục
Thực trạng các cuộc kiểm toán nợ công của Kiểm toán Nhà nước