Thương binh, bệnh binh “nhất định dần dần tự túc được”

(BKTO) - Nhân dân phải làm gì để thể hiện sự yêu mến thương binh, bệnh binh và thương binh, bệnh binh phải làm gì trước những tình cảm đó của nhân dân? Vấn đề này đã được Hồ Chủ tịch thể hiện sinh động qua tư tưởng, tình cảm và những việc làm cụ thể của Người.

2-.png
Bác Hồ thăm các thương binh nặng ở trại điều dưỡng Bắc Ninh (năm 1956). Ảnh sưu tầm

Từ rất sớm, Hồ Chủ tịch đã hết sức quan tâm đến việc ghi nhớ công ơn và chăm sóc những người có công với nước, trong đó có thương binh, bệnh binh.

Cách đây 76 năm, vào ngày 17/7/1947, Hồ Chủ tịch gửi thư cho Ban Thường trực của Ban Tổ chức “Ngày thương binh toàn quốc”, trong đó Người viết: “Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào, mà các đồng chí bị ốm yếu, què quặt. Vì vậy Tổ quốc, đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy”. Và Người chỉ rõ: “Ngày 27 tháng 7 là một dịp cho đồng bào ta tỏ lòng hiếu nghĩa, bác ái, là tỏ ý yêu mến thương binh”.

Ngày 26/7/1952, Hồ Chủ tịch gửi thư cho cụ Bộ trưởng Bộ Thương binh, Cựu binh nhân Ngày Thương binh tử sĩ 27/7/1952. Hồ Chủ tịch đã nhờ cụ Bộ trưởng chuyển một tháng lương của Người để làm quà cho anh em thương, bệnh binh. Trong thư, Hồ Chủ tịch tập trung nêu cụ thể, rõ ràng việc Chính phủ, nhân dân giúp đỡ thương, bệnh binh và việc thương, bệnh binh cần cố gắng vươn lên trong cuộc sống.

Mở đầu thư, Hồ Chủ tịch nêu rõ: “Mỗi năm, đến ngày này, thì đồng bào càng nhớ đến anh em thương binh, bệnh binh, những người đã hy sinh một phần xương máu để bảo vệ nhân dân, giữ gìn Tổ quốc”. Vì vậy, Hồ Chủ tịch căn dặn nhân dân phải coi việc giúp đỡ thương binh, bệnh binh là “một nghĩa vụ” của mình với những người chiến sĩ bị thương, bị bệnh; chứ không nên coi đó là việc “làm phúc”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra ví dụ về cách làm hay của nhân dân một số xã ở tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Phú Thọ là đón thương binh, bệnh binh nặng về xã và giúp đỡ “gây cơ sở làm ăn”. Người biểu dương đây là việc làm rất tốt có thể phổ biến đến các địa phương khác. Hồ Chủ tịch cũng chỉ ra cách làm cụ thể khi đón thương binh, bệnh binh về xã, chính quyền cùng các đoàn thể cần phải tổ chức sẵn sàng giúp đỡ về tinh thần và vật chất, để thương binh, bệnh binh có thể dần sớm tự túc được.

Đồng thời, Hồ Chủ tịch cũng chỉ ra đối với các thương binh, bệnh binh thì phải: “Hòa mình với nhân dân, tôn trọng nhân dân, tránh phiền nhiễu nhân dân. Phải tránh tâm lý “công thần”, coi thường lao động, coi thường kỷ luật. Chớ bi quan chán nản. Phải luôn luôn cố gắng”. Đồng thời, Người nhắn nhủ: “Trước kia, anh em đã xung phong diệt giặc thì ngày nay anh em sẽ tùy điều kiện mà xung phong tăng gia sản xuất”. Người cũng nêu ra những tấm gương như: “Ở nước ta, chú Tấn, chú Cầu và một số đồng chí khác, cụt một tay mà công tác vẫn hăng. Đó là những kiểu mẫu cho các anh em cố gắng noi theo”.

Cuối thư, Hồ Chủ tịch khẳng định: “Đồng bào sẵn sàng giúp, Chính phủ ra sức nâng đỡ, anh em có quyết tâm, thì anh em nhất định dần dần tự túc được”.

Hồ Chủ tịch cũng rất chú ý theo dõi phát hiện biểu dương những việc làm cụ thể biểu hiện tinh thần “tự túc”, “tự lực cánh sinh” của thương binh, bệnh binh. Hồ Chủ tịch nhiều lần khen thưởng, tặng Huy hiệu của Người cho thương binh, bệnh binh có thành tích tốt trong lao động, học tập và cuộc sống. Hồ Chủ tịch luôn phấn khởi, vui mừng trước những kết quả thương binh, bệnh binh đạt được nhờ “tự túc”, “tự lực cánh sinh”. Tháng 6/1948, Người gửi thư cho anh em thương binh trại an dưỡng Liên khu X: “Cám ơn các chú đã gửi chè biếu tôi. Chè ngon lắm, vì tự các chú đã sản xuất được. Tôi rất vui lòng, các chú hăng hái tham gia cuộc Thi đua ái quốc, quyết chí đi đến tự cấp, tự túc. Tôi chắc các chú sẽ thành công”.

Những quan điểm, việc làm thể hiện sự quan tâm, yêu thương, chăm sóc với thương binh, bệnh binh, người có công với nước của Hồ Chủ tịch luôn được Người quan tâm thực hiện thường xuyên, thiết thực. Trước lúc đi xa, trong Di chúc lịch sử để lại, Hồ Chủ tịch vẫn nhắc nhở: “Ngay khi cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đã hoàn toàn thắng lợi, công việc đầu tiên đối với con người là chăm lo cho thương binh và những người có công trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình, Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”.

Vâng lời Hồ Chủ tịch, những năm qua, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã tích cực, chủ động, tăng cường công tác chăm sóc, giúp đỡ người có công với nước, trong đó có việc giúp đỡ thương, bệnh binh sản xuất kinh doanh để ổn định và phát triển cuộc sống. Đảng thường xuyên có chủ trương, chính sách triển khai thực hiện nhiệm vụ chăm sóc thương binh, bệnh binh, người có công với nước. Mới đây nhất, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: “Huy động mọi nguồn lực xã hội cùng với Nhà nước chăm lo tốt hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần của những người và gia đình có công. Giải quyết dứt điểm các tồn đọng về chính sách người có công, đặc biệt là người tham gia hoạt động bí mật, lực lượng vũ trang, thanh niên xung phong các thời kỳ cách mạng và kháng chiến…”.

Pháp lệnh ưu đãi Người có công với cách mạng quy định tại Điều 24 về chế độ ưu đãi đối với thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, trong đó có nội dung: “Được Nhà nước hỗ trợ cơ sở vật chất ban đầu, bao gồm: Nhà xưởng, trường, lớp, trang bị, thiết bị, được vay vốn ưu đãi để sản xuất kinh doanh, miễn hoặc giảm thuế theo quy định của pháp luật đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh dành riêng cho thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh”.

Cùng với chính sách ưu tiên, ưu đãi của Đảng, Nhà nước, đã xuất hiện sâu rộng, phong phú các phong trào xã hội hóa, huy động được sức mạnh của cả cộng đồng cùng hỗ trợ thương binh, bệnh binh từng bước “tự túc”, “tự lực tự cường”… Phong trào đón thương binh nặng về chăm sóc ở xã, phường, thị trấn, đã được các địa phương trong cả nước thực hiện rất nghiêm túc, chu đáo. Chính quyền, đoàn thể ở các địa phương đã ưu tiên, tạo thuận lợi về vốn, giống, địa điểm, phương tiện, hỗ trợ sức lao động để thương binh, bệnh binh và gia đình họ làm ăn được thuận lợi, hiệu quả. Đặc biệt, nhiều chị em phụ nữ đã tự nguyện xây dựng gia đình với anh em thương binh, trong đó có những thương binh nặng (mất 81% sức lao động trở lên), đem lại biết bao niềm vui, hạnh phúc, sự tri ân và những câu chuyện xúc động, đẹp mãi về ân nghĩa, tình người trong xã hội.

Điều đáng trân trọng, tự hào là cùng với sự tri ân của cộng đồng, bản thân anh chị em thương binh, bệnh binh đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, tự giác phấn đấu để tiếp tục xứng đáng là những chiến sĩ kiên cường trên trận tuyến mới.

Chúng ta hẳn vẫn còn xúc động và nhớ mãi: Ngày 25/7/2019, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị Thương binh nặng tiêu biểu toàn quốc. 500 thương binh nặng, những người được coi như “những liệt sĩ sống” đã mất 81% sức lao động trở lên, thay mặt cho hơn 12.000 thương binh nặng trong cả nước về dự. Những tấm gương sáng phấn đấu vươn lên bằng ý chí và nghị lực phi thường của các đại biểu thương binh nặng thật sự có ý nghĩa sâu sắc về nhiều mặt, thật sự tiêu biểu cho tinh thần “tàn nhưng không phế” mà Hồ Chủ tịch đã dạy. Đúng như đánh giá của lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại Hội nghị: “Đây thực sự là những bông hoa tươi thắm trong vườn hoa của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, là những tấm gương sáng đáng khâm phục, lay động lòng người, động viên, khích lệ, truyền cảm hứng, lan tỏa tinh thần vượt khó vươn lên cho mỗi chúng ta”./.

Cùng chuyên mục
Thương binh, bệnh binh “nhất định dần dần tự túc được”