Báo chí Cách mạng Việt Nam với việc khen ngợi và phê bình

(BKTO) - Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng” là nhiệm vụ cao cả, quan trọng và vẻ vang của các nhà báo cách mạng. Vì vậy, mỗi nhà báo cách mạng cần tự giác rèn luyện phấn đấu theo đúng lời dạy của Người: “Muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ ấy thì phải cố gắng học tập chính trị, nâng cao tư tưởng, đứng vững trên lập trường giai cấp vô sản; phải nâng cao trình độ văn hóa, phải đi sâu vào nghiệp vụ của mình”.

1.jpg
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa - Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương - tham quan một gian trưng bày báo tại Hội báo toàn quốc năm 2023. Ảnh: L. HÒA

Nhà báo cách mạng vĩ đại Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến vai trò to lớn của Báo chí Cách mạng Việt Nam trong nhiệm vụ biểu dương, khen ngợi cũng như phê bình trên báo chí.

Hồ Chí Minh chỉ rõ trách nhiệm của báo chí cách mạng là: “Viết để nêu những cái hay, cái tốt của dân ta, của bộ đội ta, của cán bộ ta, của bạn ta. Đồng thời phê bình những khuyết điểm của chúng ta, của cán bộ, của nhân dân, của bộ đội”. Người chỉ rõ mối quan hệ hữu cơ giữa khen ngợi, biểu dương với phê bình trên báo chí cách mạng, cần bảo đảm sự hài hòa cân đối, trong đó nhấn mạnh quan điểm phải lấy cái đẹp để dẹp cái xấu. Người nêu cụ thể: “Không nên chỉ viết cái tốt mà giấu cái xấu. Nhưng phê bình phải đúng đắn. Nêu cái hay, cái tốt thì phải chừng mực, chớ phóng đại. Có thế nào nói thế ấy”. Hồ Chí Minh cũng từng góp ý phê bình các nhà báo tại Đại hội lần thứ III Hội Nhà báo Việt Nam vào tháng 9/1962: “Thường nói một chiều và đôi khi thổi phồng các thành tích, mà ít hoặc không nói đúng mức đến khó khăn và khuyết điểm của ta”. “Đưa tin hấp tấp nhiều khi thiếu thận trọng”.

Hồ Chí Minh thường xuyên nhắc nhở các cơ quan báo chí chú ý biểu dương, khen ngợi, nhân rộng các gương “Người tốt, việc tốt”, điển hình tiên tiến. Người nhiều lần tặng Huy hiệu của Người cho những tấm gương xứng đáng được biểu dương trên báo chí. Đồng thời, Hồ Chí Minh cũng nhắc nhở các báo cần lưu ý đến việc phê bình trên báo. Báo Nhân dân ngày 16/7/1969 có đăng bài viết về việc công nhân mỏ phê bình một số cửa hàng bách hóa Mạo Khê. Hồ Chí Minh có ý kiến. Các báo đăng bài của công nhân phê bình, thế là tốt. Báo Lao động nên mở mục này cho quần chúng phê bình trên báo. Như vậy, vừa bảo đảm quyền dân chủ của công nhân, vừa nâng cao tính chiến đấu của tờ báo.

Hơn 93 năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo báo chí cách mạng hoàn thành nhiệm vụ của mình, góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của cách mạng Việt Nam. Tại Đại hội lần thứ X Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng phát biểu đánh giá cao đóng góp to lớn của Báo chí Cách mạng Việt Nam: “Báo chí Cách mạng Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và lãnh đạo, đã luôn đồng hành cùng những chặng đường đấu tranh kiên cường của Đảng ta, Nhân dân ta, vì độc lập dân tộc, vì chủ nghĩa xã hội”. Tổng Bí thư nhấn mạnh: Trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, báo chí cách mạng là một binh chủng quan trọng trên mặt trận tư tưởng, thúc giục đồng bào chiến sĩ cả nước cùng hăng hái ra trận và trong thời kỳ đổi mới thì báo chí cách mạng tiếp tục là “đội quân chủ lực trong việc định hướng dư luận xã hội, tuyên truyền, cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo”. Một nội dung quan trọng mà báo chí cách mạng nước ta đã và đang thực hiện tích cực đã được Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định là: “Báo chí đã vào cuộc mạnh mẽ chống các thông tin xấu, độc; tuyên truyền nâng cao cảnh giác cách mạng, chủ động phòng, chống âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, các quan điểm sai trái của các phần tử cơ hội chính trị, phê phán việc lợi dụng các vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo, vấn đề biển đảo… để kích động, lôi kéo, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội của đất nước ta”.

Bên cạnh những thành tích, báo chí cách mạng thời gian qua cũng còn bộc lộ những mặt yếu. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI Hội Nhà báo Việt Nam nhiệm kỳ 2020-2025 đã thẳng thắn nêu ra một số hạn chế, khuyết điểm, như: “Một số cơ quan báo chí xa rời tôn chỉ mục đích, chưa chú trọng việc nêu gương, biểu dương, cổ vũ nhân tố mới, điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt, sa vào thông tin mặt trái của xã hội, thiếu tính nhân văn, phản giáo dục…”. Các cơ quan báo chí và các nhà báo cách mạng Việt Nam đã và đang chủ động, tích cực sửa chữa, khắc phục các hạn chế, khuyết điểm để không ngừng vươn lên.

Cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng với báo chí cách mạng nhằm xây dựng nền báo chí cách mạng nhân văn và hiện đại, Nhà nước cũng quan tâm ban hành Luật Báo chí và nhanh chóng đưa vào thực tiễn cuộc sống, được cả xã hội hưởng ứng. Đây là cơ sở quan trọng để các nhà báo cách mạng thực hiện tốt nhiệm vụ, trách nhiệm của mình. Như Luật Báo chí năm 2016 có quy định rất rõ ràng trách nhiệm, nghĩa vụ của nhà báo là: “a, Thông tin trung thực về tình hình đất nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của Nhân dân; b, Bảo vệ quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát hiện, tuyên truyền và bảo vệ nhân tố tích cực; đấu tranh phòng, chống các tư tưởng, hành vi sai phạm”.

Các cơ quan báo chí, mỗi nhà báo bằng cái tâm, cái tầm của mình hãy tiếp tục phấn đấu thực hiện mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó, tuân thủ Luật Báo chí, thực hiện nghiêm túc những quy tắc ứng xử khi tham gia mạng xã hội; thực hiện chu đáo 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, trong đó có Điều 3: “Hành nghề trung thực, khách quan, công tâm, không vụ lợi; Bảo vệ công lý và lẽ phải. Không làm sai lệch, xuyên tạc, che giấu sự thật, gây chia rẽ, kích động xã hội, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc và tình đoàn kết, hữu nghị giữa các quốc gia, dân tộc”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng” là nhiệm vụ cao cả, quan trọng và vẻ vang của các nhà báo cách mạng. Vì vậy, mỗi nhà báo cách mạng cần tự giác rèn luyện phấn đấu theo đúng lời dạy của Người: “Muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ ấy thì phải cố gắng học tập chính trị, nâng cao tư tưởng, đứng vững trên lập trường giai cấp vô sản; phải nâng cao trình độ văn hóa, phải đi sâu vào nghiệp vụ của mình”.

Với sự trân trọng, biết ơn và yêu quý, chúng ta tin tưởng, kỳ vọng Báo chí Cách mạng Việt Nam sẽ thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Hội Nhà báo Việt Nam nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định: “Tập trung tuyên truyền, cổ vũ việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phản ánh toàn diện mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, chú trọng nêu bật những thành tựu của đất nước, những điển hình tiên tiến; tích cực đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, chống các âm mưu, hành động, quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, làm tốt công tác định hướng dư luận xã hội, khẳng định vai trò quan trọng của báo chí, góp phần xây dựng đất nước phát triển nhanh và bền vững”./.

Cùng chuyên mục
Báo chí Cách mạng Việt Nam với việc khen ngợi và phê bình