Đây là nhấn mạnh của ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khi trao đổi về chủ đề phát triển kinh tế tư nhân tại Lễ ra mắt “Đặc san Toàn cảnh Kinh tế tư nhân” do Tạp chí Đầu tư Tài chính (VietnamFinance) tổ chức ngày 11/10.
Chia sẻ tại buổi Lễ, ông Hoàng Anh Minh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn tài chính Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Đầu tư Tài chính cho biết, kinh tế tư nhân đã có những bước phát triển và đạt những thành tựu rất quan trọng trong lịch sử phát triển của đất nước. Nhưng lịch sử đã có những khúc quanh khiến cho kinh tế tư nhân đã gần như trở về con số 0 trong khoảng thời gian đầu thập niên 80, khi đất nước lâm vào khó khăn, khủng hoảng.
Tuy nhiên, chính tình trạng khó khăn khi đó đã thôi thúc, mở ra quá trình Đổi mới mà trong đó, kinh tế tư nhân dần tìm lại được vị thế, vai trò và tiếng nói của mình. Giờ đây, kinh tế tư nhân đã hiện diện ở hầu khắp các ngành, lĩnh vực kinh tế và đóng góp vô cùng to lớn cho nền kinh tế quốc dân, nhất là trên các phương diện như đóng góp vào ngân sách, tạo việc làm, ổn định đời sống người dân...
Các nghị quyết của Đảng, Chính phủ đặt mục tiêu, phấn đấu đến năm 2030, tăng tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP đạt khoảng 60 - 65% GDP.
Cũng theo ông Minh, năm 2023, vào dịp kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 41-NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới; Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết 66/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 41-NQ/TW.
Theo đó, phấn đấu đến năm 2030, nước ta có 2 triệu doanh nghiệp, trong đó có ít nhất 70 doanh nghiệp có vốn hóa thị trường đạt trên 1 tỷ USD, 120 doanh nghiệp có doanh thu thuần đạt trên 1 tỷ USD và 100 doanh nghiệp đạt lợi nhuận trước thuế trên 100 triệu USD. Đồng thời, phấn đấu có ít nhất 10 doanh nhân Việt Nam lọt vào danh sách tỷ phú USD, 05 doanh nhân quyền lực nhất châu Á do các tổ chức uy tín thế giới bình chọn.
“Không chỉ là chủ trương, chính sách chung chung, các mục tiêu định lượng là rất cụ thể và ấn tượng, qua đó cho thấy quan điểm, tư tưởng đối với kinh tế tư nhân đã thay đổi hoàn toàn do với thời điểm Đổi mới và ngay cả so với thời điểm 20 năm trước” - ông Hoàng Anh Minh nhấn mạnh.
Chia sẻ về sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân, ông Đậu Anh Tuấn cho biết, trong thời gian qua, nhờ có sự đổi mới về cơ chế, chính sách liên quan đến kinh tế tư nhân có thể nói đến nay “bộ mặt” khu vực tư nhân đã thay đổi rất nhiều và khu vực này đã, đang có nhiều đóng góp rất tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Theo đó, các doanh nghiệp tư nhân đã tạo ra khối lượng lớn việc làm cho người lao động, đóng góp cho ngân sách nhà nước, thay đổi bộ mặt đô thị, góp phần hiện đại hóa ngành công nghiệp, tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ của du lịch, dịch vụ, thúc đẩy phát triển nông nghiệp… Đặc biệt, các doanh nghiệp tư nhân còn tham gia thành công vào những dự án hạ tầng quan trọng của quốc gia như đường cao tốc, hầm đường bộ lớn, sân bay quốc tế...
Tuy nhiên, bên cạnh điểm tích cực, theo ông Tuấn, khu vực tư nhân hiện vẫn gặp phải một số thách thức trong quá trình phát triển, nhất là đối với bộ phận doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đơn cử như, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển vẫn còn tương đối hạn chế, các chính sách hỗ trợ đã có triển khai chưa thực sự hiệu quả…
Đặc biệt, một điều trăn trở là tại sao doanh nghiệp tư nhân vẫn được đánh giá là còn “chậm lớn”, thậm chí có một bộ phận doanh nghiệp “không muốn lớn”. Theo chia sẻ của nhiều doanh nghiệp, họ cho rằng quy mô doanh nghiệp càng lớn thì doanh nghiệp thường bị thanh tra, kiểm tra nhiều hơn và lo ngại thủ tục hành chính phiền hà hơn… Đây là những rào cản cần được tháo gỡ để khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp ngày càng phát triển lớn mạnh hơn.
Đồng quan điểm trên, chia sẻ thêm về khuyến nghị để thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân trong thời gian tới, TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, vấn đề xây dựng và phát triển các doanh nghiệp, tập đoàn tư nhân lớn mạnh là yêu cầu của bản thân doanh nghiệp và cả đất nước.
Cũng theo TS. Thành, chúng ta có những tiền đề quan trọng để hiện thực hóa tiến trình đó, từ ý chí quyết tâm đến hành động trên thực tế của Nhà nước và doanh nghiệp. Tuy nhiên, không chỉ tạo dựng các doanh nghiệp, tập đoàn tư nhân lớn trở nên lớn mạnh mà căn cơ hơn, cần tạo dựng “nền móng” tốt nhất cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp ra đời và phát triển. “Đây chính là những “hạt mầm” cho sự hình thành các doanh nghiệp có khả năng sáng tạo, có thương hiệu toàn cầu và đi đầu trong tương lai” - TS. Võ Trí Thành nhấn mạnh.
“Toàn cảnh kinh tế tư nhân” là đặc san thứ 3 được Tạp chí Đầu tư Tài chính xuất bản trong năm 2024, sau thành công của các ấn phẩm: Đặc san Toàn cảnh tài chính số và Đặc san Toàn cảnh Đầu tư tài chính.
Ra mắt vào thời điểm kỷ niệm 20 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam và 25 năm ngày ra đời Luật Doanh nghiệp, Đặc san Toàn cảnh kinh tế tư nhân mang đến bức tranh tổng quát về sự phát triển của kinh tế tư nhân trong gần 40 năm qua, từ những chuyển động về chủ trương, chính sách, pháp luật đến sự hình thành và lớn mạnh của cộng đồng doanh nghiệp tư nhân. Thông qua đó, Đặc san nêu bật vai trò và đóng góp to lớn của khu vực kinh tế tư nhân đối với đất nước, nhất là trong bối cảnh thông điệp của các Lãnh đạo Đảng và Nhà nước gần đây đã nhấn mạnh đến một “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.