Thương mại di động ngày càng “lên ngôi”

(BKTO) - Theo ông Đặng Hoàng Hải - Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), phát triển của thương mại di động không chỉ mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp mà còn đóng góp vào sự phát triển của kinh tế số tại Việt Nam.

14.jpg
Thanh toán di động đã trở thành một phần không thể thiếu của thương mại di động. Ảnh minh họa

Mang lại nhiều tiện ích cho doanh nghiệp và người tiêu dùng

Trong xu thế hiện đại, thiết bị di động đã trở nên không thể thiếu đối với mỗi cá nhân, vì thế, hoạt động giao dịch thông qua thiết bị di động ngày càng được quan tâm phát triển, dần trở thành xu hướng chủ đạo của thương mại điện tử tại Việt Nam, nhất là khi số lượng người sử dụng điện thoại thông minh và internet phát triển mạnh mẽ. Thông qua điện thoại di động và máy tính bảng, con người có thể thực hiện các giao dịch thương mại trực tuyến, bao gồm: Mua và bán sản phẩm, ngân hàng trực tuyến và thanh toán hóa đơn.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, tính đến cuối năm 2023, có 51 tổ chức được cấp Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán đang hoạt động trên thị trường, trong đó có 49 tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử. Đến ngày 31/12/2023, số lượng ví điện tử đang hoạt động là gần 32,77 triệu ví (chiếm 57,32% trong tổng số gần 57,17 triệu ví điện tử đã được kích hoạt) với tổng số tiền trên các ví này khoảng 4.340 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Hồng Thắng - Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam cho biết, theo số liệu thống kê của Trung tâm, đến tháng 7/2024, tốc độ internet di động tại Việt Nam đã tăng gấp 1,4 lần và tốc độ tải lên tăng 1,2 lần so với tháng 3/2024. Hệ thống đo lường tốc độ truy cập internet của Trung tâm Internet Việt Nam (Bộ Thông tin và Truyền thông) cũng ghi nhận tốc độ internet di động tải xuống trung bình tại Việt Nam liên tục tăng trưởng, tăng từ 38.69 Mbps tháng 3/2024 lên 54.34Mbps tháng 7/2024, tương đương khoảng 40%. Tốc độ tải lên di động tăng khoảng 20% trong 5 tháng vừa qua. Với băng rộng cố định, tốc độ internet tải xuống trung bình trên cả nước trong tháng 7/2024 là 100.28Mbps và tốc độ tải lên trung bình là 102.34Mbps. Chất lượng của các nhà cung cấp dịch vụ internet ngày càng cao, trong đó nhà mạng Viettel vượt lên xếp vị trí thứ nhất về tốc độ internet di động, tiếp đến là nhà mạng Vinaphone (VNPT), MobiFone và Vietnamobile.

Cùng với đó, Việt Nam chứng kiến sự tăng trưởng nhanh chóng của người dùng di động, được đánh giá là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng người dùng điện thoại thông minh nhanh nhất thế giới. Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số dẫn báo cáo của We Are Social và Hootsuite cho biết, đến năm 2023, Việt Nam có hơn 70 triệu người dùng điện thoại thông minh, chiếm khoảng 70% dân số. Sự phổ biến của internet di động, với các gói cước 3G, 4G và sắp tới là 5G, đã thúc đẩy việc sử dụng các ứng dụng mua sắm trực tuyến trên di động.

Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp đã phát triển được nhiều nền tảng thương mại điện tử lớn, như: Shopee, Lazada, Tiki, Tiktok với những khoản đầu tư “khủng” vào phát triển ứng dụng di động để phục vụ hoạt động mua sắm của người dùng. Hơn thế, trên ứng dụng còn cho phép người dùng tìm kiếm sản phẩm cần thiết, so sánh giá cả, xem các đánh giá và thực hiện giao dịch dễ dàng trên thiết bị di động. Song song với việc đưa ra giao diện ngày càng thân thiện, các doanh nghiệp cũng chú trọng phát triển các tính năng tiện ích, như tìm kiếm bằng hình ảnh, mua sắm trực tiếp qua livestream, thanh toán di động. Hơn nữa, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn được sử dụng để cá nhân hóa trải nghiệm mua sắm, đưa ra các gợi ý sản phẩm phù hợp với sở thích và hành vi của người tiêu dùng. Những yếu tố này rất quan trọng, giúp doanh nghiệp xây dựng được tệp khách hàng trung thành với thương hiệu.

Thách thức đối với doanh nghiệp về an toàn và bảo mật thông tin

Chia sẻ về những xu hướng nổi bật của thương mại di động hiện nay, ông Đặng Hoàng Hải cho biết, hoạt động bán hàng, mua sắm trực tuyến qua mạng xã hội ngày càng phổ biến tại Việt Nam. Các nền tảng mạng xã hội như: Facebook, Instagram, TikTok, đã tích hợp các tính năng mua sắm trực tiếp, cho phép người dùng mua hàng ngay trong ứng dụng. Điều này không chỉ tạo ra một kênh bán hàng mới mà còn giúp các doanh nghiệp tiếp cận một lượng lớn khách hàng tiềm năng. Cùng với đó, hoạt động Livestream bán hàng cũng ngày càng phổ biến, thể hiện rõ ưu thế của thương mại di động tại Việt Nam. Người bán hàng được tương tác trực tiếp với khách hàng, giải đáp thắc mắc và giới thiệu sản phẩm một cách chi tiết, còn người tiêu dùng có được những trải nghiệm mua sắm thú vị. Hiện nay, Shopee Live và Lazada Live đang là 2 nền tảng tiêu biểu khai thác tốt xu hướng này, thu hút hàng triệu người xem và mua sắm mỗi ngày.

Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, thanh toán di động đã trở thành một phần không thể thiếu của thương mại di động. Các ví điện tử như: Momo, ZaloPay, ViettelPay, Viettel Money, ShoppePay, Moca… đã tích hợp sâu vào các ứng dụng mua sắm, cho phép người dùng thanh toán qua một dịch vụ trung gian nhanh chóng và tiện lợi. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng phát triển các ứng dụng mobile banking với nhiều tính năng hỗ trợ thanh toán trực tuyến, góp phần thúc đẩy sự phát triển của thương mại di động.

Mặc dù có nhiều tiềm năng, lợi ích, song các chuyên gia lưu ý, còn nhiều thách thức đối với các doanh nghiệp khi phát triển thương mại di động. Bởi, sự cạnh tranh trên thị trường thương mại di động tại Việt Nam ngày càng khốc liệt với số doanh nghiệp tham gia thị trường ngày càng đông. Để có thể tồn tại và phát triển, các doanh nghiệp cần tích cực đổi mới, cải tiến sản phẩm và dịch vụ, xây dựng chiến lược marketing hiệu quả.

Đáng chú ý hơn cả là vấn đề bảo mật và quyền riêng tư của khách hàng trong thương mại di động khi tình trạng tội phạm công nghệ, tội phạm trên không gian mạng có xu hướng gia tăng với các thủ đoạn ngày càng tinh vi, phức tạp. Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cảnh báo, các vụ rò rỉ thông tin cá nhân và tấn công mạng có thể gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho cả người tiêu dùng và doanh nghiệp. Do đó, các doanh nghiệp, các nền tảng thương mại điện tử cần đầu tư vào các biện pháp bảo mật và tuân thủ các quy định về bảo vệ dữ liệu khi triển khai ứng dụng thương mại di động.

Tín hiệu đáng mừng là thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã tích cực phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan triển khai thực hiện nhiều biện pháp tăng cường an ninh, bảo mật thông tin của khách hàng khi mở và sử dụng tài khoản thanh toán, ví điện tử nhằm ngăn ngừa các hành vi lợi dụng tài khoản thanh toán, ví điện tử cho các mục đích bất hợp pháp. Để tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý về lĩnh vực thanh toán, Ngân hàng Nhà nước đã chủ trì nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến mở và sử dụng tài khoản thanh toán, mở ví điện tử theo hướng quy định chặt chẽ hơn về quy trình nhận biết, định danh khách hàng và bảo vệ thông tin khách hàng./.

Cùng chuyên mục
Thương mại di động ngày càng “lên ngôi”